Chia sẻ, đồng hành
Di sản văn hóa là tài sản quý báu của mỗi quốc gia, phản ánh lịch sử, bản sắc và tinh hoa văn hóa của dân tộc. Việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà cần sự tham gia và đóng góp của toàn xã hội. Điều này được khẳng định tại tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 16.11.
Dẫn chứng thực tế Ninh Bình thời gian qua đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh chỉ ra mô hình dựa vào cộng đồng làm nền tảng chính phát triển du lịch, cụ thể với trường hợp Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. “Tại sao Tràng An không có du lịch thuyền máy, không có du lịch hiện đại mà chỉ dựa vào người dân? Hiện nay 10.000 lao động trực tiếp đang hưởng lợi trực tiếp từ việc bảo tồn di sản. Họ chính là đại sứ, bảo vệ, quảng bá di sản đó. Đấy là điểm chính được UNESCO đánh giá Tràng An trở thành mô hình mẫu về phát triển hài hòa giữa bảo tồn di sản và gắn kết, bảo đảm sinh kế cho người dân địa phương. Từ đây, chúng tôi bắt đầu hình thành mô hình hợp tác Nhà nước - Người dân - Doanh nghiệp cùng bảo vệ và phát huy giá trị di sản, mang lại giá trị kinh tế - xã hội”.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn, với di sản văn hóa, nguồn lực xã hội đóng vai trò quan trọng, bởi di sản sinh ra từ cộng đồng, phục vụ cho hoạt động, lợi ích của cộng đồng. Cộng đồng luôn gắn bó mật thiết, hữu cơ với di sản văn hóa. Nếu tách vai trò của cộng đồng ra thì các di sản văn hóa chỉ tồn tại khiên cưỡng.
“Giờ đây, chúng ta không chỉ bảo vệ mà cần phát huy giá trị di sản, nghĩa là nhiệm vụ của Nhà nước nặng nề gấp đôi, vừa bảo vệ, vừa làm sao để di sản đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa… Hơn nữa, chúng ta mong đợi xã hội đóng vai trò chủ động, tích cực tham gia vào quá trình bảo tồn, phát huy di sản. Bằng cách xã hội hóa, huy động sự chung tay của xã hội là cách làm hiệu quả củng cố tinh thần yêu nước, đoàn kết, tạo nên phát triển bền vững”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhận định.
Còn nhiều điểm nghẽn
“Đến thời điểm này, trên bốn lĩnh vực của di sản văn hóa (vật thể, phi vật thể, bảo tàng, di sản tư liệu), nguồn lực xã hội hóa đã đóng góp rất nhiều cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Có thể nói thời gian qua, nguồn lực xã hội hóa tương đương với nguồn lực nhà nước đầu tư cho di sản văn hóa”. Nhận định như vậy, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Đình Thành cho rằng, mặc dù hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực di sản được đẩy mạnh và phát triển đồng đều, nhưng trước những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra, hệ thống pháp lý cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Luật Di sản văn hóa hiện hành chỉ quy định Nhà nước “khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”. Theo ông Trần Đình Thành, muốn đẩy mạnh, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội phải có sự điều chỉnh, hoàn thiện hành lang pháp lý hơn nữa. “Di sản văn hóa là lĩnh vực mang tính khoa học cực kỳ cao nên Luật Di sản văn hóa đưa ra những nguyên tắc, quy định khi tác động đến di sản văn hóa phải bảo đảm các yếu tố khoa học. Song hiện nay, nguyên tắc chưa rõ ràng, cản trở hoạt động xã hội hóa…”.
Mặc dù được đánh giá là làm tốt công tác xã hội hóa song Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, quá trình thực hiện không tránh khỏi khó khăn. Khó khăn của Tràng An đến từ cơ chế, chính sách, nhất là khi cơ chế hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa chưa được quy định; nhiều vướng mắc do chồng chéo về thủ tục hành chính, “khoảng trống” pháp lý trong phát triển du lịch gắn với loại hình di sản đặc thù… “Mô hình di sản Tràng An có đặc thù, khác hẳn câu chuyện của Hạ Long hay Huế… Vì di sản được hình thành sau một thời gian được tu bổ, phục hồi và làm hồ sơ để trình ghi nhận. Điều này đã dẫn đến nhiều vấn đề nảy sinh liên quan đến đời sống cộng đồng dân cư trong vùng lõi di sản".
Tạo ra cú hích về pháp lý
Từ năm 1998 đến nay, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa, mong muốn huy động nguồn lực từ xã hội, lấy di tích nuôi di tích, lấy văn hóa nuôi văn hóa… Nhiều chính sách đã được ban hành, song PGS.TS. Bùi Hoài Sơn thẳng thắn chỉ ra rằng, vẫn chưa hoàn toàn tháo gỡ được những điểm nghẽn. Bởi vậy, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý hiệu quả.
“Điểm nhấn trong dự thảo Luật là quy định rõ ràng về quyền sở hữu, trong đó có sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu tư nhân. Dựa trên quyền sở hữu đó sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh hay tổ chức các hoạt động dịch vụ. Bên cạnh đó, có những quy định cụ thể, tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, doanh nghiệp và tư nhân có thể tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản… Chúng ta kỳ vọng tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhận định.
Chủ trương có, quan trọng là làm sao huy động được nguồn lực tương xứng cho bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong thời đại mới? Đặt câu hỏi này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba lý giải, khi đã có hành lang pháp lý thuận lợi, khâu tổ chức thi hành cần đồng bộ, kịp thời. Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn cùng thời điểm khi Luật có hiệu lực...
“Để Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nếu được Quốc hội thông qua, đi vào cuộc sống đòi hỏi nhiều điều kiện khác nữa, song dưới góc độ di sản văn hóa, tôi tin từ đây sẽ tạo ra cú hích pháp lý để bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiệu quả, góp phần chấn hưng, phát triển văn hóa trong thời kỳ mới”, ông Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh.