Cư H’lăm và truyền thuyết rừng thiêng
Rừng thiêng Cư H’lăm nằm giữa thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, Đăk Lăk, cách Buôn Ma Thuột hơn 10km. Khu rừng nguyên sinh - chút của trời quý hiếm còn sót lại của đại ngàn Tây Nguyên - được bảo tồn gần như vẹn nguyên bởi truyền thuyết rừng thiêng nhuốm màu sử thi.
![]() Bà con dưới chân núi Chư H’Lăm vào rừng tận thu cành cây gãy đổ |
Mối tình ngang trái… giữ rừng
Già làng Y Ruê Mlô ở buôn Mắp, thị trấn Ea Pốk kể cho chúng tôi nghe truyền thuyết về sự hình thành rừng thiêng Cư H’lăm. Theo tiếng dân tộc Êđê, Cư có nghĩa là núi, còn H’lăm nghĩa là loạn luân. Cư H’lăm gắn liền với truyền thuyết về mối tình giữa hai anh em họ tộc Niê trong vùng. Truyền thuyết được đồng bào lưu truyền qua nhiều thế hệ, người già, con nít trong buôn đều biết. Đây cũng được xem như “lá bùa hộ mệnh” cho khu rừng nguyên sinh được vẹn toàn đến ngày nay. Chuyện kể rằng, từ thuởã xa xưa có buôn người Êđê sinh sống ở phía đông ngọn núi Cư M’gar, trong buôn có 2 anh em cùng trong dòng tộc họ Niê là Y Đin và H’Hoan yêu nhau. Theo luật tục của người Êđê thì nếu những người trong dòng tộc lấy nhau là phạm vào tội loạn luân, phải phạt nặng, cúng Yàng bằng một con trâu trắng lớn. Y Đin và H’Hoan trong cơn mộng mị tình ái vẫn khăng khăng đòi lấy nhau bằng được. Thương cho đôi trai gái nghèo, không có trâu trắng để cúng Yàng nên dân làng chỉ phạt cúng 1 con heo trắng. Nhưng kỳ lạ thay, đúng lúc già làng bắt đầu hành lễ thì con heo trắng đã thui lông, mổ bụng đặt trên bàn lễ bỗng nhiên sống lại, kêu ầm ĩ rồi phóng chạy từ đầu đến cuối buôn. Con heo chạy đến đâu, đất dưới chân nó nứt ra đến đó. Vết nứt lan nhanh, càng lúc càng rộng, đất sụt xuống nuốt chửng toàn bộ nhà cửa, người và súc vật trong buôn. Đất sụt đến đâu, nước ào lên đến đó, hình thành nên một hồ nước lớn hình bán nguyệt. Trong khi đó, phần đất phía tây của buôn lại dần nhô cao và tạo thành ngọn núi nhỏ. Rồi cây cối mọc lên rất nhanh, ken dày, xoắn xuýt như một ma trận, khiến nhiều người khi vào rừng chặt cây bị lạc lối, tạo nên khu rừng thiêng Cư H’lăm bây giờ.
Truyền thuyết về rừng thiêng Cư H’lăm càng thêm huyền bí bởi những lời đồn thổi rằng khu rừng này thiêng lắm, nhiều người tự ý chặt gỗ quý ở rừng về làm nhà đều bị cháy nhà, chủ nhà bị đau ốm liệt giường. Ai vào rừng săn bắt thú thì bị thần rừng làm cho lú lẫn mà quên mất đường về. Từ trong núi có một nguồn nước trong chảy ra bổ sung nước cho hồ Cư H’lăm, hai bên thung lũng mọc rất nhiều khoai môn. Ngày xưa, chính những cây khoai môn này đã giúp người dân quanh vùng vượt qua những năm đói kém...
Truyền thuyết cùng những câu chuyện thần bí đó đã bảo vệ khu rừng tồn tại đến ngày hôm nay.
![]() Cây đại thụ trong rừng Chư H’Lăm |
Hưởng lợi từ rừng thiêng
Già làng Y Ruê Mlô và anh K’sơr Sét, Bí thư chi bộ buôn Mắp, thị trấn Ea Pốk dẫn chúng tôi đi tham quan khu rừng thiêng Cư H’lăm. Chỉ rộng hơn 19ha, nhưng càng đi vào rừng, chúng tôi càng ấn tượng bởi khu rừng nguyên sinh giàu có vẫn tồn tại, lại nằm giữa phố thị Ea Pốk. Ở đây còn rất nhiều cây đại thụ cao hàng chục mét, đường kính gốc ba, bốn người ôm không xuể. Phía dưới là hồ Cư H’lăm ôm lấy một phần chân đồi rộng gần 15ha với làn nước trong xanh, thơ mộng. Rừng Cư H’lăm xanh mát quanh năm, đặc biệt là vào thời gian đầu xuân, cây cối đâm chồi này lộc, hàng trăm loài hoa dại đua nhau khoe sắc, khoe hương tạo nên một khung cảnh rực rỡ, mê hoặc. Đồng bào các dân tộc sinh sống xung quang khu vực không bao giờ vào rừng khai thác gỗ, săn bắt muông thú hay phá rừng làm rẫy trái phép. Họ chỉ vào rừng tìm cây thuốc nam về chữa bệnh và nhặt nhạnh những cành cây khô, thân cây bị gãy đổ về làm củi. “Mấy chục năm nay, rừng Cư H’lăm chưa bị chặt trộm mất một cây gỗ quý nào cả” - già Y Ruê cho biết.
Đi sâu vào đỉnh đồi, chúng tôi phát hiện một vùng đất trũng. Một số nhà địa chất đã nhận định ngọn đồi này có thể là miệng của một núi lửa từ hàng triệu năm về trước, còn hồ Cư H’lăm là vết nứt gãy địa chất lớn được kiến tạo khi núi lửa phun trào. Người dân ở các buôn khi đi đánh cá trên hồ Cư H’lăm vẫn thỉnh thoảng tìm được một cây gỗ giống như cột nhà dài cổ. Có thể từ thảm họa của thiên nhiên, nhưng qua sự tưởng tượng phong phú của mình, đồng bào nơi đây đã dệt nên câu truyền thuyết huyền bí về khu rừng thiêng Cư H’lăm và họ đã dựa vào truyền thuyết đó để bảo vệ khu rừng này.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Trường Đại học Tây Nguyên, hệ thực vật của rừng Cư H’lăm hiện có 112 loài, trữ lượng gỗ trên 400m3/ha. Trong rừng vẫn tồn tại nhiều cây gỗ quý cổ thụ như cẩm lai, cà te, giáng hương, gõ mật... 71% cây rừng có đường kính trên 50cm; có nhiều loại cây dược liệu quý. Động vật sống ở rừng Cư H’lăm cũng đa dạng và phong phú cả về số lượng và loài, gồm các loài thú như chồn, cu ly, kỳ đà, nhím, trăn, rắn... và rất nhiều loài chim. Đối với người dân nơi đây, khu rừng thiêng đã đền đáp công bảo vệ của họ là tạo một môi trường sinh thái trong lành. Rừng Cư H’lăm đã bảo vệ nguồn nước ngầm cho cả khu vực quanh thị trấn Ea Pốk, giúp các giếng nước tưới cho hàng trăm ha cà phê của 4 thôn đồng bào xung quanh như: Cư H’lăm, Mắp, Lang và Sút không bao giờ bị cạn nước, kể cả vào những năm hạn hán khốc liệt nhất.
Với những giá trị đang tạo ra cho đời sống con người nơi đây, rừng Cư H’lăm đã được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Mới đây, một doanh nghiệp du lịch ở Đăk Lăk cùng một doanh nghiệp du lịch ở TP Hồ Chí Minh đã liên kết và xin chủ trương cho phép được khảo sát, xây dựng dự án để đầu tư làm du lịch sinh thái - văn hóa tại khu rừng thiêng này.