“Cứ đam mê và tận hiến, con đường nghệ thuật sẽ trải rộng”
Cái tên Lê Thế Song khá quen thuộc với người yêu sân khấu truyền thống, đặc biệt là chèo, gần đây trong vai trò biên kịch và tổng đạo diễn các lễ hội. Nhìn lại mấy chục năm gắn bó, anh ngẫm ra nghệ thuật truyền thống đã cho mình cách nhìn cuộc đời bằng lăng kính trong sáng hơn, nhân văn hơn thông qua các nhân vật, số phận, tính cách… “Chính điều đó gột rửa tâm hồn mình, làm mình phải sống thiện lương, sống tốt hơn” - Lê Thế Song chia sẻ.
Đưa nét đương đại vào kịch hát truyền thống
- Năm 2022 liên tiếp nhiều sự kiện lớn của sân khấu truyền thống như Liên hoan Sân khấu Thủ đô, Liên hoan Chèo toàn quốc, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm... Vì vậy có lẽ cũng là một năm khá vất vả với các soạn giả như anh?
- May mắn hầu hết các liên hoan này tôi đều có tác phẩm dự thi. Đặc biệt, bộ môn yêu thích nhất là nghệ thuật chèo, trong Liên hoan Chèo toàn quốc, tôi là tác giả 4 vở, trong đó Thiên duyên huyền tích của Nhà hát Chèo Thái Bình đoạt Huy chương Vàng, Trọn đời vì nước non của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định đoạt Huy chương Bạc. Tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm, tôi và bà xã Xuân Hồng là đồng tác giả vở Thượng thiên Thánh Mẫu do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp biểu diễn, đoạt Huy chương Vàng. Đồng thời, tôi cũng tham gia biên kịch, tổng đạo diễn nhiều chương trình lễ hội trên cả nước…
Hy vọng thành công nối sang năm mới này với nhiều dự án nghệ thuật đang chờ đón.
- Sân khấu truyền thống Việt Nam đang chứng kiến nhiều hướng đi mới, kể cả trình thức biểu diễn, kết hợp nhiều bộ môn nghệ thuật, kịch hát truyền thống giao thoa nghệ thuật hiện đại. Anh có suy nghĩ gì về xu hướng này?
- Vở Thượng thiên Thánh Mẫu là sự kết hợp táo bạo giữa hai loại hình nghệ thuật cải lương và xiếc, kể cả nhạc trẻ cũng được hấp thụ một cách rất ngọt. Nghệ thuật giao thoa và tiếp biến phát triển, kịch hát tìm cách phát triển theo. Tuân thủ trình thức, lề lối, quy tắc riêng song không thể giữ mãi lối cũ, đóng đinh những gì cha ông để lại mà đến lúc cần đổi mới tư duy, cách làm. Trước đó, tôi cùng NSND Tự Long từng làm vở về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, có lớp diễn chia tay giữa chàng thanh niên Nguyễn Văn Cừ với người yêu để đi làm cách mạng, kết hợp quan họ Bắc Ninh và chèo, gây ấn tượng với khán giả. Tôi được biết Nhà hát Quan họ Bắc Ninh vừa dựng kịch hát Quan họ Trương Chi, có soạn lời mới cho các làn điệu dân ca, được khán giả đón nhận tích cực.
Tôi cho rằng kết hợp truyền thống - hiện đại là bước phát triển, thành công sẽ tạo ra loại hình mới cho sân khấu Việt, tuy nhiên sẽ còn nhiều gian nan thử thách.
- Anh có e ngại việc kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật sẽ gây ý kiến trái chiều, khi nhiều khán giả đã quen với lề lối và trình thức sân khấu từ trước đến giờ?
- Với sân khấu chèo chẳng hạn, xưa nay ta quen nghe đào liễu, luyện năm cung, xẩm xoan lới lơ… bây giờ thêm làn điệu quan họ, dân ca, các điệu lý Nam Bộ, hoặc cải lương… khó tránh được ý kiến trái chiều. Nhưng nghệ thuật kịch hát dân tộc, làn điệu dân ca mà ông cha ta để lại có điểm chung là sử dụng ngũ cung - âm giai 5 nốt, tương đồng về khúc thức, giai điệu, trong diễn tấu, diễn xướng và xử lý bài hát, từ đó có sự hòa quyện nếu người sử dụng có trình độ nhạc lý và thẩm thấu nhạc cảm tốt.

Ảnh: NVCC
Sáng tạo và dấn thân
- Làm mới nghệ thuật sân khấu truyền thống là vấn đề không nhỏ, đổi mới bằng cách kết hợp truyền thống với truyền thống, truyền thống với hiện đại vào cùng một tác phẩm càng là thách thức lớn, trước hết với chính soạn giả…?
- Đúng vậy. Ở đây người viết phải am hiểu trình thức, lề lối, giai điệu, khúc thức của chèo, dân ca quan họ, cải lương, tuồng… chưa kể mỗi bộ môn lại có đặc trưng, bút pháp, văn phong riêng. Giữa ranh giới tương đồng và khác biệt, người biên kịch kịch hát dân tộc ngoài trình độ học vấn, còn cần bề dày kinh nghiệm, đam mê, dũng cảm chọn thử thách, đổi mới và sáng tạo từ trong căn cốt của truyền thống. Chúng ta phải coi con đường nghệ thuật không bao giờ có đỉnh, đôi lúc tưởng chạm đến rồi nhưng còn đỉnh cao khác chờ đón, nếu nghĩ rằng mình đã đến đỉnh thì đương nhiên chỉ còn tụt dốc mà thôi.
- Nói vậy anh có sợ làm nhụt chí các tác giả sân khấu không?
- Bạn không biết đấy thôi, hành trình của nghề biên kịch thật gian nan, nhiều tác giả tài năng nhưng không thể dấn thân vì nỗi lo cơm áo. “Cơm áo không đùa với khách thơ” mà lại! Năng lượng sáng tạo còn phải đi đôi với nguồn lực, tuy nhiên đam mê, cùng tư duy sáng tạo không ngừng nghỉ sẽ là cơ hội cho những ai dấn thân. Một tín hiệu vui là trong các liên hoan sân khấu truyền thống chúng ta thấy lấp lánh những tài năng trẻ, có đam mê, chấp nhận thử thách. Nhiều liên hoan đã mang lại sức sống mới, cho nghệ sĩ niềm tin, đam mê, khát vọng và cơ hội để thăng hoa, thử nghiệm cái mới. Ngoài ra, các nhà hát ngày càng đầu tư chọn lọc tác phẩm giàu sáng tạo để đưa đến khán giả. Đấy chính là động lực lớn với nghệ sĩ.
- Tại sao anh cho rằng người làm sân khấu không chỉ suy nghĩ, sáng tạo để tạo ra cái mình thích, mang dấu ấn riêng, mà còn phải tìm được thứ mà khán giả đang cần?
- Người làm sân khấu luôn phải phấn đấu, tìm tòi, tạo ra thứ mà khán giả đang cần. Ngày xưa không có internet, truyền hình, muốn xem các vở diễn còn phải mang gạch đi xếp hàng từ chiều. Bây giờ khác rồi, khán giả có thể mở điện thoại xem được tất cả, rõ ràng họ cần những thứ mới mẻ, hấp dẫn. Đó là thách thức lớn với sân khấu truyền thống. Nếu sân khấu vẫn giữ nguyên phương pháp, lối thể hiện truyền thống, hình thức cũ thì sẽ không chạm được đến đa số tầng lớp khán giả trẻ, chúng ta sẽ dần mất khán giả. Chỉ có cách mạnh dạn kế thừa và biến đổi trong phong cách dàn dựng để những tác phẩm sân khấu mang tính truyền thống mà vẫn đậm đặc hơi thở thời đại, những nan đề xã hội, bằng lối kể chuyện hiện đại chạm đến yêu thích của khán giả hôm nay. Người làm sân khấu hiểu được điều đó, cộng với đam mê và tận hiến, sự cộng hưởng của đội ngũ sáng tạo, thêm “liều thuốc” may mắn thì tôi tin các tác phẩm sân khấu truyền thống sẽ tìm lại được thời hoàng kim.
- Xin cảm ơn anh!