Hội nghị Thượng đỉnh G20

Cột mốc quan trọng giải quyết khủng hoảng toàn cầu

- Thứ Sáu, 20/11/2020, 08:20 - Chia sẻ
Ảrập Xêút sẽ lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 trong hai ngày 21 - 22.11. Do diễn ra bằng hình thức trực tuyến nên các cuộc tranh luận về đại dịch Covid-19 đang tái bùng phát mạnh mẽ cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể bị hạn chế hơn.

“Hiện thực hóa cơ hội của thế kỷ XXI cho mọi người”

Đó là chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay. Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh G20 hứng chịu nhiều chỉ trích vì phản ứng thiếu thỏa đáng đối với cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Các nhà lãnh đạo thế giới, từ Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, dự kiến ​​sẽ có bài phát biểu. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có mặt tại Ảrập Xêút, song vẫn chưa rõ Tổng thống Mỹ Donald Trump có phát biểu tại sự kiện này hay không. Hãng tin AFP dẫn lời ông Ryan Bohl, thuộc tổ chức tư vấn địa chính trị Stratfor của Mỹ nhận định: “Các hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump không có nhiều khả năng gây ảnh hưởng như những năm trước”.

Bị phủ bóng bởi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, hội nghị thượng đỉnh, vốn thường là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới cùng đưa ra các cam kết một đối một, đang phải co lại thành những phiên thảo luận trực tuyến ngắn về những vấn đề toàn cầu cấp bách, từ biến đổi khí hậu, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, tác động của đại dịch Covid-19 đến vấn đề duy trì thương mại tự do và các bước phục hồi nền kinh tế toàn cầu.  

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 4,5% trong năm nay. Trong bối cảnh đó, các quốc gia G20 đã đóng góp hơn 21 tỷ USD để chống lại đại dịch Covid-19, bao gồm sản xuất và phân phối vaccine, đồng thời đầu tư 11 nghìn tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế thế giới đang bị virus Corona tấn công. Tuy nhiên, G20 đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn để giúp ngăn chặn các vụ vỡ nợ tín dụng có thể xảy ra ở các quốc gia đang phát triển.

Tuần trước, các Bộ trưởng Tài chính G20 đã ra tuyên bố về “khuôn khổ chung” cho kế hoạch tái cơ cấu nợ mở rộng cho những quốc gia bị Covid-19 tàn phá. Cụ thể là, họ đã nhất trí gia hạn 6 tháng đối với Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất trong năm nay và sẽ xem xét lại vấn đề này vào tháng 4.2021. Được biết, giữa tháng 4, G20 và Câu lạc bộ Paris đã nhất trí về DSSI cho các nước nghèo nhất trong năm 2020.

Tuy nhiên, nhóm vận động Action Aid đánh giá biện pháp trên của các quan chức tài chính và ngân hàng G20 là chưa đủ. Bà Katherine Tu của Action Aid cho rằng: “Chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới và phụ nữ ở các nước đang phát triển đang phải chịu những tác động tồi tệ nhất của nền kinh tế và y tế. Nhưng G20 không đáp ứng được mức độ khẩn cấp của tình hình”. Hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và việc nhiều nước phải đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan từ tháng 3 đã tàn phá các nền kinh tế trên toàn thế giới. 

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass từng cho biết, việc giảm nợ cho các nước nghèo vẫn ít ỏi vì “không phải tất cả chủ nợ đều tham gia đầy đủ”. Cho đến nay, chỉ 43/73 quốc gia được hưởng khoảng 5 tỷ USD từ DSSI để hỗ trợ các khoản an sinh xã hội, y tế và kinh tế nhằm ứng phó với đại dịch, trong khi mức dự kiến là từ 8 - 11 tỷ USD.

Nguồn: ITN

Cơ hội tìm đồng thuận về vaccine Covid-19

Thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong gần một năm qua đang đặt ra nhu cầu cấp thiết về hợp tác toàn cầu nhằm ngăn chặn virus chết người này. Vì vậy, vấn đề hợp tác về vaccine ngừa Covid-19 trở thành chủ đề nóng thu hút nhiều kỳ vọng.

Các nhà quan sát nhận định, các nền kinh tế lớn sẽ đạt được sự đồng thuận về hợp tác vaccine. Theo nhiều tổ chức kinh tế và chuyên gia, hậu quả của đại dịch có thể còn tồi tệ hơn cả cuộc đại suy thoái những năm 1930. Các quốc gia được mong đợi sẽ có cùng quan điểm vì đây không còn là khủng hoảng mà một quốc gia hoặc khu vực có thể giải quyết.

Trong hoàn cảnh đó, điều quan trọng là phải thúc đẩy sự phát triển của vaccine như một sản phẩm y tế công cộng toàn cầu vì lợi ích của cả nhân loại, và tăng cường nỗ lực chung trong nghiên cứu và phát triển, sản xuất và phân phối, thay vì cản trở việc phát triển vaccine vì lợi ích chính trị. Virus Corona đã kéo gần như tất cả các nền kinh tế vào vũng lầy và việc các nước lớn, đặc biệt là những nước có năng lực phát triển vaccine phải chung tay hỗ trợ các nước kém phát triển hơn.

Theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào 83 nền kinh tế nhỏ, yếu, dễ bị tổn thương sẽ đặc biệt chịu tác động tiêu cực của Covid-19, khiến các nước này bị gạt ra rìa trong dòng chảy toàn cầu. Trong khi đó, các nền kinh tế cung cấp viện trợ phát triển chính thức cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Do đó, cắt giảm hỗ trợ phát triển chính thức là một trong những cách tiếp cận trực tiếp mà họ chọn áp dụng trong những trường hợp như vậy. Tuy nhiên, điều này có thể làm cạn kiệt nghiêm trọng nguồn tài chính dành cho các nước nghèo.

Vì vậy, mặc dù cả các quốc gia kém phát triển và phát triển đang phải đối mặt với rủi ro cao hơn, hợp tác về vaccine ngừa Covid-19 và các lĩnh vực khác là cần thiết để nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi hậu quả của đại dịch. Và Hội nghị Thượng đỉnh G20 là dịp để mọi người hy vọng các nền kinh tế lớn có thể chung tay để đạt được đồng thuận, cũng như tạo điều kiện hợp tác giúp đỡ các nước kém phát triển hơn.

Linh Anh