Cột mốc mới trong quan hệ an ninh giữa Australia và Nhật Bản

- Thứ Bảy, 08/01/2022, 06:54 - Chia sẻ
Trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vừa qua, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đặt bút ký hiệp ước hợp tác quốc phòng và an ninh mang tính lịch sử. Động thái này của đất nước mặt trời mọc và chuột túi thu hút được sự theo dõi sát sao của cộng đồng quốc tế, nhất là khi đây là thỏa thuận tiếp cận đối ứng đầu tiên của Nhật Bản với bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Mỹ.
	Nguồn: Reuters
Nguồn: Reuters

Bước ngoặt quan trọng

Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA) có mục đích tạo khuôn khổ cho lực lượng quốc phòng giữa hai nước hợp tác và đóng góp vào sự ổn định của khu vực. Trước khi có diễn biến mới này, hiệp ước quân sự duy nhất của Nhật Bản là hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ (ký năm 1951 và sửa đổi năm 1960). Theo đó, Mỹ có nghĩa vụ hợp tác với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, hỗ trợ phòng thủ tên lửa đạn đạo, bảo đảm biên giới trên không, điều phối không lưu, cứu trợ thảm họa.

Chính vì thế, theo lãnh đạo Nhật Bản và Australia, hiệp ước quốc phòng vừa ký là minh chứng cam kết của cả đất nước chuột túi lẫn xứ sở Phù Tang nhằm cùng nhau giải quyết những thách thức chiến lược chung.

Theo The Diplomat, thỏa thuận được hiện thực hóa sau hơn một năm đàm phán giữa hai bên, nhằm phá bỏ các rào cản pháp lý, cho phép quân đội của nước này sang nước kia để huấn luyện và các mục đích khác. Trong RAA mới, Tokyo và Canberra thống nhất rằng mỗi quốc gia sẽ giữ quyền tài phán khi điều quân tham gia các nhiệm vụ chung. Bên cạnh đó, cả hai cũng nhất trí thành lập một ủy ban chung để thảo luận chi tiết về cách thức thực hiện thỏa thuận.

Thủ tướng Australia Morrison nhấn mạnh: “Nhật Bản là đối tác thân thiết nhất của chúng tôi ở châu Á, được thể hiện qua quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt - mối quan hệ đối tác duy nhất như vậy của Australia. “Quan hệ đối tác bình đẳng, sự tin cậy chung giữa hai nền dân chủ lớn, cam kết tuân thủ pháp quyền, nhân quyền, thương mại tự do và vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ông nói thêm.

Nhà lãnh đạo Australia cho biết, thỏa thuận “sẽ tạo thành một phần quan trọng trong phản ứng của Australia và Nhật Bản đối với những thực tế không chắc chắn mà cả hai đang đối mặt, đồng thời sẽ củng cố sự tham gia hoạt động lớn và phức tạp hơn giữa Lực lượng Phòng vệ Australia và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản”. Ông đánh giá, hiệp ước đánh dấu “thời điểm quan trọng đối với Australia và Nhật Bản, cũng như đối với an ninh quốc gia lẫn người dân của chúng ta”.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida ca ngợi thỏa thuận là “công cụ mang tính bước ngoặt sẽ nâng hợp tác an ninh giữa hai quốc gia lên tầm cao mới”. Còn Đại sứ Nhật Bản tại Australia, ông Yamagami Shingo, nói rằng trong bối cảnh môi trường an ninh đang xấu đi, những gì Nhật Bản và Australia có thể cùng nhau làm trước hết là tăng cường hợp tác quốc phòng.

Được biết, hiệp ước mới được xây dựng trên cơ sở đối thoại chiến lược được gọi là Bộ Tứ, bao gồm Nhật Bản, Australia, Mỹ và Ấn Độ. Australia năm ngoái cũng đã ký thỏa thuận liên minh AUKUS với Mỹ và Anh, theo đó cả hai đều cam kết giúp Australia đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ. Hãng thông tấn Kyodo cho biết, Nhật Bản cũng sẽ tìm cách ký một hiệp ước như vậy với Vương quốc Anh và Pháp. Tokyo đã khởi động các cuộc đàm phán với London từ tháng 10.2021, trong khi các cuộc đàm phán không chính thức giữa nước này với Paris cũng bắt đầu từ tháng 12.2021.

Ngoài ra, trong cuộc gặp trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo, Thủ tướng Morrison cũng cho biết, Australia và Nhật Bản còn muốn nhân cơ hội tăng cường quan hệ đối tác trong ngành năng lượng sạch, các lĩnh vực công nghệ trọng yếu cùng một số vấn đề khác.

Đằng sau hiệp ước

Mặc dù Trung Quốc không được đề cập, nhưng nhiều nhà phân tích phương Tây và quốc tế rất quan tâm đến tầm quan trọng của nước này trong sự kiện Australia ký hiệp ước quốc phòng với Nhật Bản. Theo ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Australia, thỏa thuận nhằm mục đích thiết lập quan hệ đối tác quốc phòng vững chắc để ứng phó với một Trung Quốc ngày một cứng rắn hơn.

Trong khi đó, ông Ali Wyne, nhà phân tích cấp cao của Eurasia Group, nói với hãng tin AFP rằng hiệp ước cũng nhấn mạnh động lực của Bộ Tứ, một nhóm không chính thức bao gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ. Bộ Tứ được thành lập lần đầu tiên vào năm 2007, nhưng phải hủy bỏ kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chung trước sự chỉ trích từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhóm đã tăng cường hoạt động và lần đầu tiên tổ chức tập trận quân sự chung vào năm 2020. Theo ông Ali, việc ký kết RAA giúp Nhật Bản và Australia cải thiện khả năng tiến hành các đợt diễn tập chung ngay tại Nhật Bản cùng với Mỹ.

Về phía Trung Quốc, bình luận về hiệp ước mới được ký kết giữa Australia và Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân phát biểu: “Thái Bình Dương là khu vực đủ lớn cho sự phát triển chung của những quốc gia trong khu vực”. “Trao đổi và hợp tác giữa các quốc gia nên đóng góp vào sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau, cũng như bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực, thay vì nhắm mục tiêu và tìm cách cản trở lợi ích của bên thứ ba. Chúng tôi hy vọng Thái Bình Dương sẽ là vùng biển hòa bình, không phải nơi tạo sóng gió”, ông nhấn mạnh.

Quan hệ Australia và Nhật Bản với Trung Quốc thời gian qua khá căng thẳng. Australia kêu gọi Trung Quốc mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch Covid-19, động thái khiến đất nước gấu trúc không hài lòng và sau đó là màn đáp trả căng thẳng về thương mại giữa hai nước. Trong khi đó, Nhật Bản cũng căng thẳng với Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngọc Minh