Bắt đầu bằng những cam kết vượt mong đợi...
Đại diện thường trực của Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) tại Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế (IRENA), Tiến sỹ Nawal Al Hosany đánh giá, COP28 đã mang lại những kết quả vượt mong đợi về các cam kết tài chính và cam kết toàn cầu hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường, cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số kết quả đạt được có thể kể tới như cam kết làm mát toàn cầu, khởi động nền tảng tài chính xanh, Quỹ Tổn thất và thiệt hại...
Cụ thể, nền tảng "Liên minh nâng cao năng lực đầu tư bền vững" do Viện Tài chính và Bền vững (IFS) trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quôc khởi xướng đã chính thức được ra mắt. Hoạt động này dự kiến bắt đầu từ năm 2024, khởi đầu với các sự kiện trực tiếp sẽ diễn ra ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh. Mục tiêu của cơ chế hợp tác này là đào tạo và huấn luyện 100.000 chuyên gia cho các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE) vào năm 2030.
Hơn nữa, 63 quốc gia đã tham gia vào cam kết nhằm cắt giảm mạnh lượng khí thải liên quan đến việc làm mát. Đây được coi là nỗ lực chung nhất của thế giới nhằm giảm khí thải từ việc làm mát của con người như điều hòa, làm lạnh thực phẩm, thuốc... khiến trái đất nóng lên. Theo đó, các quốc gia đã tuyên bố giảm ít nhất 68% lượng khí thải liên quan đến làm mát vào năm 2050 so với mức năm 2022. Và còn có mục tiêu thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu vào năm 2030. Tuy nhiên, Ấn Độ là một trong những quốc gia được dự báo có nhu cầu làm mát tăng cao nhất trong các thập kỷ tới vẫn chưa tham gia vào cam kết này. Giải thích cho điều này, lãnh đạo Ấn Độ cho biết, quốc gia này vẫn chưa sẵn sàng để thực hiện các mục tiêu cao hơn Nghị định thư Montreal 1992 về việc hạn chế phát thải trong làm mát.
Trong khuôn khổ hội nghị, đã có hơn 110 quốc gia tán thành thông qua mục tiêu tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030. Liên minh châu Âu (EU) lần đầu kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước thông qua mục tiêu này vào hồi đầu năm nay. Việc đưa thỏa thuận này vào quyết định cuối cùng của COP28 đòi hỏi sự đồng thuận của gần 200 quốc gia có mặt.
Ngoài ra, Quỹ Tổn thất và thiệt hại đã chính thức được khởi động, giúp các quốc gia nghèo đối phó với các thảm hoạ thiên tai. Quỹ này tạm thời sẽ được Ngân hàng Thế giới (WB) điều hành trong 4 năm tới, nhưng các nước tài trợ và những nước nhận hỗ trợ sẽ tự quản lý cách chi tiêu. Quyết định này được xem là cơ chế giúp cho Chính phủ các nước đóng góp cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Chủ nhà COP28 cam kết sẽ đóng góp 100 triệu USD, Anh sẽ góp 40 triệu USD, Mỹ sẽ góp hơn 17 triệu USD và Nhật Bản 10 triệu USD. Đặc biệt, EU cam kết góp 245,39 triệu USD, trong đó có 100 triệu USD từ Đức.
Theo Tiến sỹ Al Hosany, để đạt được hiệu quả bền vững, các nước cần phải duy trì các cam kết toàn cầu liên quan đến tài chính, cùng với việc chuyển trọng tâm sang phát triển cơ sở hạ tầng giúp cung cấp thêm năng lượng tái tạo cho lưới điện tại các quốc gia đã cam kết. Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh vai trò tiên phong của thanh niên tại hội nghị về khí hậu, đồng thời đề cao tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kỹ năng và hỗ trợ các ý tưởng của giới trẻ trong việc áp dụng các giải pháp cho những thách thức về khí hậu và năng lượng tái tạo.
...kết thúc bằng một thỏa thuận lịch sử
Đề xuất “loại bỏ” việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nội dung quan trọng được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận hành động chống biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề mà đại biểu các nước mong muốn đạt được sự đồng thuận tại COP28. Tuy nhiên, bất đồng nổ ra khi Chủ tịch COP28 trình bản dự thảo mới đến các bên tham dự. Theo đó, cụm từ “loại bỏ” đã không được đề cập, mà thay vào đó là cụm từ “giảm bớt” sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu khí và than đá, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phản ứng về dự thảo thỏa thuận này, các nước như Australia, Mỹ, Anh, Canada và Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ dự thảo thỏa thuận này. Các nước này yêu cầu thỏa thuận phải nhắc đến việc dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, chứ không chỉ là giảm bớt.
Các cuộc tranh luận trở nên căng thẳng hơn sau khi có thông tin Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) gửi thư hối thúc các nước thành viên, cũng như những nước đồng minh sản xuất dầu mỏ phản đối việc đề cập nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận cuối cùng của COP28. Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais cho biết, OPEC muốn các nước duy trì trọng tâm vào mục tiêu giảm khí thải. Đồng thời nhấn mạnh rằng, thế giới cần đầu tư hơn nữa vào tất cả nguồn năng lượng, trong đó có hydrocarbon, quá trình chuyển đổi năng lượng phải hợp lý, cân bằng và toàn diện.
Đặc phái viên khí hậu của Quần đảo Marshall, bà Tina Stege cho rằng, việc phản đối đề cập đến nhiên liệu hóa thạch tại COP28 sẽ đe dọa toàn thế giới. Nhiên liệu hóa thạch gây rủi ro lớn cho tương lai và sự thịnh vượng của con người. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, để đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, lượng phát thải từ lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch cần giảm 75% từ nay đến năm 2030.
Và sau nhiều giờ liên tục đàm phán, ngày 13.12, Hội nghị đã kết thúc, muộn hơn một ngày so với dự kiến, bằng một thỏa thuận mang tính lịch sử. Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận này mở đường cho việc giảm mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu. Cụ thể, thỏa thuận của Hội nghị COP28 kêu gọi các nước nhanh chóng chuyển đổi các hệ thống năng lượng khỏi nhiên liệu hóa thạch một cách công bằng và có trật tự. Hơn nữa, các quốc gia cũng được kêu gọi đóng góp vào nỗ lực chuyển đổi toàn cầu, thay vì bị buộc phải tự thực hiện sự thay đổi đó.
Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber cho biết, lần đầu tiên từ ngữ đề cập về nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận cuối cùng của COP. Các nước đã mang đến một sự thay đổi có tiềm năng định hình lại nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh rằng, sự thành công thực sự của thỏa thuận này không nằm ở nỗ lực ngoại giao đã đạt được thỏa thuận ngày hôm nay, mà bởi các chính sách cũng như các khoản đầu tư của mỗi quốc gia.