Theo báo cáo gói thầu gói thầu xây lắp số 13 dự án mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do UBND thị xã Phú Mỹ làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) thị xã Phú Mỹ là đơn vị mời thầu. Do các nhà thầu tham dự không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu nên UBND thị xã Phú Mỹ đã ra quyết định hủy thầu. Trong đó, Công ty Cổ phần Xây dựng Nam Việt JSC được đánh giá không đạt vì có hành vi gian lận trong đấu thầu.
Công ty Cổ phần Xây dựng Nam Việt JSC có địa chỉ tại số 258 đường Phùng Chí Kiên, khu đô thị mới Hòa Vượng, xã Lộc Hòa, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định do ông Doãn Vũ Quân làm đại diện pháp luật với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Với cả vai trò độc lập và liên danh đơn vị này đã trúng 12 gói thầu với tổng giá trị hơn 585 tỷ đồng.
Cụ thể, về nhân sự chủ chốt cán bộ phụ trách hạng mục giao thông, Công ty Cổ phần Xây dựng Nam Việt JSC đã kê khai bố trí ông Nguyễn Viết Hưng làm cán bộ phụ trách hạng mục giao thông.
Tuy nhiên, ngày 10.10.2024, Ban QLDA ĐTXD thị xã Phú Mỹ có Văn bản số 533/DA gửi Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải về việc xác nhận văn bằng đại học của ông Hưng và nhận được Văn bản số 8572/ĐHCN GTVT- ĐT ngày 22.10.2024 của Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải về việc trả lời xác minh văn bằng. Theo kết quả xác minh thì không có tên ông Nguyễn Viết Hưng trong danh sách cấp bằng của Trường.
Do đó, tổ chuyên gia đánh giá Công ty Cổ phần Xây dựng Nam Việt JSC không đạt nội dung kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự và nội dung bố trí cán bộ phụ trách thi công chuyên ngành giao thông trong mục đánh giá về nhân sự chủ chốt.
Với các dấu hiệu gian lận hồ sơ đấu thầu, giả bằng cấp như trên Công ty Cổ phần Xây dựng Nam Việt JSC sẽ bị xử lý ra sao?
Nhà thầu bị coi là gian lận theo khoản 4, Điều 16 Luật Đấu thầu và sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 125 của Nghị định này. Cụ thể, tổ chức hoặc cá nhân vi phạm sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 đến 5 năm.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 và điểm a, b khoản 2, Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị xử lý như sau: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm; trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc phạm tội 2 lần trở lên, mức phạt tù sẽ từ 2 đến 5 năm.
* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin đến bạn đọc và cử tri cả nước.