Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) số 878/KL-TTr liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình đối với Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo (thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020).
Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng: Xây dựng – Kinh doanh – chuyển giao (BOT). Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ hơn 13.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư (theo kết quả lựa chọn nhà thầu: hơn 8.900 tỷ đồng. Doanh nghiệp dự án (DNDA): Công ty Cổ phần Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Theo KLTT, Công ty Cổ phần Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 (Công ty 194, trụ sở TP. Hồ Chí Minh) là nhà thầu xây dựng phân đoạn Km54+000 + Km92+260 (có 7 gói thầu xây lắp) thực hiện theo hình thức chỉ định thầu với giá trị xây lắp 3.041 tỷ đồng.
Theo kết quả kiểm tra, xác minh tại gói thầu CLVH-XL03 (xây dựng 2 cầu cấp I: cầu KM56 và cầu Km60 với giá trị gói trị hơn 462 tỷ đồng theo hình thức chỉ định thầu: Liên danh nhà thầu Công ty 194 và Công ty CP 497 Hòa Bình có thỏa thuận liên danh ngày 7.2.2022 với tỷ lệ phân chia 50-50. Tuy nhiên, không phân chia cụ thể hạng mục, khối lượng từng thành viên trong liên doanh thực hiện phù hợp với chứng chỉ năng lực do đó thiếu cơ sở để đánh giá năng lực từng thành viên tham gia và chưa thực hiện theo ý kiến của Ban Quản lý dự án 85 (Ban QLDA 85) tại Văn bản số 172/QBL-ĐHDD3 ngày 28.1.2022.
Công ty 194 tự ý thực hiện toàn bộ khối lượng công việc của gói thầu (do Công ty 497 Hòa Bình không tiếp tục tham gia). Tại thời điểm đó, Công ty 194 có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng công trình giao thông (cầu) hạng II không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong quá trình triển khai thực hiện gói thầu, Công ty 194 đã bổ sung chứng chỉ năng lực xây dựng công trình giao thông hạng I.
KLTT cũng chỉ ra: tại thời điểm kiểm tra, Phòng thí nghiệm, kiểm định hiện trường tại thời điểm kiểm tra, xác minh có 2 phòng thí nghiệm hiện trường (LAS XD31 và LAS XD160), tuy nhiên, phòng thí nghiệm LAS XD 160 cho thấy còn thiếu một số thiết bị so với yêu cầu tại chỉ dẫn kỹ thuật như máy trộn BTXM, bàn rung để xác định độ sụt của bê tông, các khuôn đúc mẫu 150x150cm…
Phương án tự thực hiện của nhà đầu tư (kèm theo tiến độ thi công, biện pháp tổ chức thi công…) không có biểu tiến độ huy động thiết bị và nhân sự tương ứng với tiến độ thực hiện; thiếu biên bản nghiệm thu huy động thiết bị đến các gói thầu theo quy định của hợp đồng.
KLTT cũng chỉ ra nhiều thiếu sót khác như: về xây dựng hệ thống quản lý thi công xây dựng, nhà thầu không được lập đầy đủ biện pháp tổ chức thi công cho từng mũi thi công phù hợp với thiết bị, nhân sự thực tế; thực hiện kiểm tra cường độ đất nền của đáy hầm dân sinh không đầy đủ.
Về công tác quản lý chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị sử dụng cho công trình: một số vật tư thiếu chấp thuận nguồn trước khi thi công hiện trường như hạng mục ÍT (cáp, ống nhựa xoắn, bulong…); hạng mục điện chiếu sáng; ống nhựa PVC, ống nhựa xoắn, ống gang thoát nước mặt cầu…
Về tuân thủ các quy định và trình tự tổ chức thi công đã được phê duyệt, KLTT chỉ ra: hồ sơ thiết kế bảo vệ thi công chi tiết một số bản vẽ chưa có chữ ký của DNDA; bản vẽ điển hình kết cấu mặt đường chi tiết thể hiện lớp bê tông nhựa rỗng mà không ghi rõ lớp bê tông nhựa rỗng 25 (thi công hạng mục mục nền đường, mặt đường tuyến chính, gia cố taluy, hầm chui dân sinh, cống tròn)…