Công ty Cầu đường Hồng An tiếp tục dễ dàng trúng thầu tại huyện Bình Chánh, bên mời thầu là đối tác "quen thuộc"
Công ty Cầu đường Hồng An tiếp tục dễ dàng trúng gói thầu xây lắp sửa chữa Học viện Phật giáo Việt Nam (đoạn 2) tại huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) khi vẫn là nhà thầu duy nhất đạt, đủ hồ sơ trong khi đó đồng loạt các đối thủ đều bị loại vì không nộp đủ hồ sơ. Đáng chú ý, gói thầu vẫn do Ban QLDA ĐTXD huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư, Công ty Hoàng Quân vẫn là bên mời thầu.

Gói thầu xây lắp dự án duy tu, sửa chữa đường vào cổng số 3, số 2 - Học viện Phật giáo Việt Nam (đoạn 2), xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) do Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng (ĐTXD) khu vực huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư; Công ty Tư vấn Đầu tư Phát triển Xây dựng Hoàng Quân (Công ty Hoàng Quân; địa chỉ số 994a/82 Đường Huỳnh Tấn Phát, Phường Tân Phú, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh) là bên mời thầu. Gói thầu có 3 đơn vị tham dự gồm có: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ thi công Xây dựng Cầu đường Hồng An (Công ty Cầu đường Hồng An); Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Xây dựng T-ART; Công ty TNHH Xây dựng Bảo Nam Long.
Qua xem xét hồ sơ dự thầu của các đơn vị chỉ có duy nhất Công ty Cầu đường Hồng An đạt các tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu.
Đáng chú ý, cả 2 đơn vị còn lại là các đơn vị nhiều kinh nghiệm từng tham gia đấu hàng trăm gói thầu lớn nhỏ khác nhau nhưng đều trùng hợp bị đánh trượt gói thầu xây lắp sửa chữa Học viện Phật giáo Việt Nam (đoạn 2) cùng do hồ sơ không đạt vì nhiều lý do khác nhau như: Không có tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023; nhận sự không có đủ hồ sơ; thiết bị không có đủ hồ sơ, không có thuyết minh các biện pháp thực hiện…
Ngày 1.11.2024, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD khu vực huyện Bình Chánh Bùi Trọng Thống đã ký quyết định phê duyệt cho Công ty Cầu đường Hồng An trúng thầu gói thầu xây lắp sửa chữa Học viện Phật giáo Việt Nam (đoạn 2) với giá hơn 14,6 tỷ đồng với tỷ lệ tiết kiệm khoảng 1%.

Đáng chú ý, cả hai nhà thầu bị đánh trượt đều là những đơn vị có nhiều kinh nghiệm, từng tham gia và trúng rất nhiều gói thầu xây lắp tại các dự án quan trọng. Trong đó, Công ty Xây dựng T-ART đã tham gia 44 gói, trúng 25 gói (tổng giá trị hơn 149 tỷ đồng); Công ty Bảo Nam Long đã tham gia 108 gói, trúng 89 gói (tổng giá trị hơn 828 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, khoảng thời gian trước và sau đấu thầu gói thầu xây lắp sửa chữa Học viện Phật giáo Việt Nam (đoạn 2), các công ty này vẫn đang trúng các gói thầu khác. Cụ thể, Trong tháng 9.2024, Công ty Xây dựng T-ART đã trúng 3 gói thầu tại TP. Hồ Chí Minh với tổng giá trị hơn 18 tỷ đồng; từ tháng 8.2024 đến 12.2024, Công ty Bảo Nam Long đã trúng 7 gói thầu trị giá hơn 63,6 tỷ đồng.
Theo giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 10, Công ty Cầu đường Hồng An có trụ sở tại số 349/141 Lê Đại Hành, Phường 13, Quận 11, TP. Hồ Chí Minh, vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do bà Nguyễn Nhật Hồng An làm đại diện pháp luật. Công ty đăng ký 101 nhân viên làm việc và từng trúng 107 gói thầu (tổng giá trị hơn 5.935 tỷ đồng).
Từ 16.12.2024 đến 24.1.2025, doanh nghiệp này trúng 7 gói thầu đầu tư công. Đáng lưu ý, 6/7 gói thầu này đều không có đối thủ cạnh tranh, khi Công ty Cầu đường Hồng An là đơn vị duy nhất tham dự và trúng thầu.
Trước đó, tại gói thầu xây lắp đường kênh số 8 (bờ trái) tại huyện Bình Chánh do Ban QLDA ĐTXD khu vực huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư có 4 đơn vị tham dự thầu gồm: Công ty Cầu đường Hồng An; Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Anh Tuấn; Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng Nguyễn Lê và Công ty TNHH Xây dựng Đông Nam Việt.
Tuy nhiên, chỉ duy nhất Công ty Cầu đường Hồng An đạt yêu cầu, trong khi ba đơn vị còn lại đều bị loại với lỗi sơ đẳng khó tin như: Không nộp chứng minh doanh thu bình quân hàng năm, không có hóa đơn thuế năm 2023, nhân sự không đủ bằng cấp phù hợp, thiếu hồ sơ thiết bị…
Sau đó, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD khu vực huyện Bình Chánh Bùi Trọng Thống đã ký quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, trao gói thầu xây lắp đường kênh số 8 (bờ trái) cho Công ty Cầu đường Hồng An với giá hơn 24,5 tỷ đồng với tỷ lệ tiết kiệm khoảng 1%.

Điều đáng nói, cả ba nhà thầu bị đánh trượt đều là những đơn vị có nhiều kinh nghiệm, từng tham gia và trúng rất nhiều gói thầu xây lắp tại nhiều dự án quan trọng với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cầu đường Anh Tuấn từng tham gia 163 gói thầu và trúng 68 gói với tổng giá trị hơn 1.707 tỷ đồng; Công ty Xây dựng Nguyễn Lê tham gia 27 gói thầu, trúng 15 gói với tổng giá trị hơn 1.904 tỷ đồng; Công ty Đông Nam Việt tham gia 99 gói thầu, trúng 81 gói.
Đáng chú ý, ngay trước thời điểm đấu thầu gói xây lắp đường kênh số 8, các công ty này vẫn đang trúng các gói thầu khác. Cụ thể, từ 27.6 – 9.7.2024, Công ty Cầu đường Anh Tuấn đã trúng 3 gói thầu với tổng trị giá gần 40 tỷ đồng; từ 28.3 – 11.6.2024, Công ty Đông Nam Việt đã trúng 4 gói thầu trị giá 41,5 tỷ đồng; ngày 11.3.2024 Công ty Xây dựng Nguyễn Lê đã trúng gói thầu hơn 14,1 tỷ đồng.
Các chuyên gia đấu thầu nhận định, tình trạng một số nhà thầu tham gia cho có chỉ để dự cho "đủ" điều kiện mở thầu, sau đó bị loại với lý do sơ sài, là dấu hiệu của hiện tượng "quân xanh, quân đỏ", chiến thuật làm méo mó thị trường đấu thầu. Khi đó, các nhà thầu "cùng hội cùng thuyền" thay nhau thắng thầu theo kịch bản định sẵn, khiến quy trình đấu thầu mất đi tính cạnh tranh thực sự.
Theo đó, để chấn chỉnh hoạt động đấu thầu, Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu. Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đặc biệt đối với các gói thầu có ít nhà thầu tham gia, tỷ lệ tiết kiệm thấp hoặc không thực hiện đấu thầu qua mạng. Việc kiểm tra, giám sát này nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả kinh tế của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý các hạn chế và vi phạm theo quy định.
Dư luận "băn khoăn" cho rằng, Công ty Tư vấn Đầu tư Phát triển Xây dựng Hoàng Quân và Công ty Cầu đường Hồng An có quan hệ như thế nào? Tại sao các gói thầu do Công ty Hoàng Quân làm bên mời thầu thì các nhà thầu có nhiều kinh nghiệm lại trùng hợp bị loại vì những lỗi sơ đẳng? Do các đơn vị này thực sự không có đủ hồ sơ hay nhà thầu chỉ dự thầu cho có hay trùng hợp cùng lường trước được kết quả gói thầu nên "biết khó mà lui"?
Khoản 5 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về việc xử lý tình huống trong đấu thầu qua mạng và không qua mạng như sau:
“Trường hợp tại thời điểm đóng thầu đối với gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường mà chỉ có 1 hoặc 2 nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu thì chủ đầu tư xem xét, giải quyết trong thời hạn không quá 4h kể từ thời điểm đóng thầu theo một trong hai cách sau đây:
- Cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu. Trong trường hợp này phải quy định rõ thời điểm đóng thầu mới và các thời hạn tương ứng để nhà thầu có đủ thời gian sửa đổi hoặc bổ sung hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu đã nộp theo yêu cầu mới;
- Cho phép mở thầu ngay để tiến hành đánh giá".
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát, thông tin vụ việc đến bạn đọc và cử tri cả nước.