Lăng mộ Vua voi (Buôn Đôn, Đắk Lắk)

Công trình độc đáo và kỳ bí

- Thứ Sáu, 20/08/2021, 09:58 - Chia sẻ
Lăng mộ Vua voi Y Thu K’Nul nằm trong khu rừng thưa ven con đường đất đỏ, giữa thung lũng, thuộc xã Krông Na, Buôn Đôn, Đắk Lắk, tách biệt hoàn toàn với nơi sinh sống của người dân. Đây là công trình vừa độc đáo về kiến trúc, vừa đượm văn hóa voi kỳ bí của người M’Nông. Nơi Vua voi yên nghỉ giờ đã thành khu lăng mộ dành cho cả các Gru - dũng sĩ săn voi, kiện tướng săn voi nổi tiếng ở Buôn Đôn.
	Lăng mộ Vua voi Y Thu K’Nul nằm trong khu rừng thưa ven con đường đất đỏ, giữa thung lũng
Lăng mộ Vua voi Y Thu K’Nul nằm trong khu rừng thưa ven con đường đất đỏ, giữa thung lũng

“Con của thần linh”

Lăng mộ Vua Y Thu K’Nul ở trung tâm, các lăng mộ khác bố trí xung quanh, càng về sau này, lăng mộ càng được xây bề thế hơn, đẹp hơn. Nếu không có người dân địa phương chỉ dẫn, du khách khó mà biết đâu là lăng mộ của Y Thu K’Nul, vì nó thấp nhất, mộc nhất, dòng chữ ghi trên lăng mộ bị rêu phủ mờ, thời gian bào mòn, không còn đọc được nữa, nhưng phần chân lăng mộ là rộng hơn hẳn. Lăng mộ được xây theo mô típ khối vuông, trang trí búp sen ở bốn góc và đỉnh mộ, đồng bào thời đó chỉ dùng mô típ này để xây công trình họ tôn kính nhất.

Y Thu K'Nul sinh năm 1828, mất năm 1938. Người trong buôn làng vẫn truyền tụng rằng, mẹ ông đau đẻ ba ngày ba đêm, người nhà đã mổ lợn, gà cúng thần linh mà vẫn không sinh được. Đến đêm thứ ba, trong nhà bỗng có tiếng leng keng như chuông, rồi xuất hiện bóng một con ngựa bay vòng quanh, vừa hay sau đó Y Thu chào đời. Vì chuyện này mà mọi người tin rằng, Y Thu là con của thần linh, không phải người thường.

	Mộ của của Gru R'Leo
Mộ của của Gru R'Leo

Y Thu K'Nul là người có công khai phá, sáng lập Buôn Đôn, là một tù trưởng quyền lực, giàu có, nức tiếng đức độ. Sinh thời, ông săn được hơn 400 con voi rừng, trong đó có một con voi trắng. Theo tục lệ của người M’Nông, voi trắng là hiện thân của vua chúa, sức mạnh, quyền lực, và cũng chỉ vua chúa mới được quyền sở hữu nó. Vì thế, Y Thu K'Nul đã mang tặng voi cho vua Xiêm (Thái Lan ngày nay), rồi được vị vua này phong là Khunjunob (Vua săn voi). Từ đó đồng bào Buôn Đôn cũng gọi ông là Khunjunob - Vua voi. Mộ Vua voi Y Thu K'Nul là do đồng bào M’Nông và cháu ông xây cất.

Những người cháu của Vua voi

Không ít người nhầm lăng mộ Ama Kông là lăng Vua voi, vì thoáng nhìn nó nổi bật và trông vương giả nhất. Họa tiết, chạm khắc trên đó tinh xảo, phía trước có biểu tượng hình voi, mãnh thú, nhất là tượng 4 con chim công ngồi trên ngà voi, tạc bằng gỗ và sơn màu sặc sỡ, chỉ người giàu có, uy tín, quyền lực, được dân làng nể trọng mới được đặt hình này trước mộ. Tổ tiên người M’Nông ví công là nữ hoàng của các loài chim, họ đặt tượng đó trước mộ bởi hy vọng, loài chim này sẽ dẫn đường cho linh hồn người chết về thế giới bên kia an toàn. Ama Kông là cháu ngoại của Y Thu K’Nul, dù khi sống, nhiều người cũng xưng tụng ông là Vua voi, bởi thành tích săn được 298 con voi rừng, tuy nhiên ông vẫn là Gru, còn Vua voi ở đây đến nay chỉ có một - là Y Thu K’Nul mà thôi.

Bên cạnh mộ Y Thu K'Nul có một ngôi mộ hình tháp chóp, cao hơn mộ Vua voi. Đó là mộ của của R'Leo, cháu gọi Y Thu là cậu. Dù trang trí cầu kỳ hơn mộ Vua voi một chút nhưng đều đơn giản, không sơn màu. R'Leo cũng từng săn được một con voi trắng và đem tặng vua Bảo Đại. Sau khi ông qua đời, đích thân vua Bảo Đại đã thuê một nhóm kỹ sư nổi tiếng thiết kế, xây dựng lăng mộ này.

Không gian kỳ bí

Để bảo vệ khu lăng mộ, người nhà Vua voi Y Thu K’Nul đã xây tường xung quanh, cổng khóa an toàn, khách muốn vào thăm, phải có người quản lý qua mở cổng, dẫn đường. Ở đây, ngoài các lăng mộ, còn có nhiều mộ voi, tượng voi, ngay cả người bản địa, không phải ai cũng lý giải được nguồn gốc, hay biểu trưng cho điều gì. Và, cũng có nhiều điểm trong này, dù tò mò, du khách không thể qua thăm, vì cây cối rậm rạp, hoang vu.

	Tượng vua voi được dựng tại khu du lịch thác Bảy nhánh, nơi ông lập buôn đầu tiên
Tượng vua voi được dựng tại khu du lịch thác Bảy nhánh, nơi ông lập buôn đầu tiên

Các lăng mộ ở đây đều có đường hầm đi vào, bên trong để nhiều đồ vật của chủ nhân. Theo phong tục của đồng bào M’Nông, nếu không có việc gì thì không ai được phép, vì như vậy sẽ làm kinh động linh hồn người chết. Không chỉ người lạ mà cả đồng bào M’Nông, ai muốn vào tham quan, tìm hiểu, đầu tiên phải được sự đồng ý của người quản lý, tiếp đến là làm lễ xin phép chủ nhân. Ai vi phạm đều bị phạt, nhẹ thì phạt chiêng phạt ché, nặng thì phải mổ trâu, bò để tạ tội, thậm chí bị trục xuất khỏi đây.

Sau khi thăm khu lăng mộ Vua voi, nhiều du khách cũng tranh thủ thăm ngôi nhà sàn cổ bên dòng sông Sérépok, nơi gia đình Vua voi Y Thu K'nul từng sinh sống, để được tận mắt thấy chiếc mâm đồng lớn, chạm trổ tinh xảo, dùng để cúng voi nhà trước khi Y Thu xuất quân đi bắt voi rừng.

Hoàng Lan