Công trình cũ, phá bỏ hay gìn giữ?

Nguyễn Đình Thành- Chuyên gia truyền thông văn hóa 08/04/2022 05:22

Sự việc phá dỡ ngôi nhà ở 61 Trần Phú, Hà Nội đã dấy lên dư luận ồn ào trong công chúng và đặt ra nhiều câu hỏi về cách ứng xử với chứng tích lịch sử và di sản văn hóa.

Giống như nhiều thành phố khác trên thế giới, Hà Nội cũng bị "giằng xé" giữa những quan điểm và nhu cầu, đôi khi trái ngược. Giữ lại công trình cũ, đôi khi không còn sử dụng được hoặc không được sử dụng, hay phá bỏ và thay bằng công trình mới có nhiều công năng tiện ích hơn? Phát triển một khuôn mặt hiện đại, tiện nghi, thông minh với các ứng dụng của công nghệ 4.0 hay giữ nét trầm mặc, uy nghi, cổ kính, chứng nhân của những thời kỳ đã qua?

Chúng ta chứng kiến ngày càng nhiều công trình xây dựng từ thời Pháp đã bị dỡ bỏ. Thậm chí những công trình nghệ thuật mang phong cách hoành tráng thời bao cấp như 2 bức tranh tường trước cửa chợ Mơ, Hà Nội, chỉ giữ được 1. Ngôi biệt thự tại ngõ 128C Đại La thuộc trạm phát sóng Bạch Mai - nơi phát sóng bản Tuyên ngôn Độc lập lần đầu tiên và đọc mật lệnh toàn quốc kháng chiến - cũng đã bị phá bỏ.

Nhiều khu tập thể lắp ghép tại Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng, phải di dời người dân. Nhưng phá bỏ những tòa nhà ấy cũng là xóa đi một chứng nhân về một thời kỳ lịch sử. Thử tưởng tượng một Hà Nội với những ngôi nhà chọc trời, không còn những khu tập thể thời bao cấp, không còn đài phun nước, biệt thự Pháp, công trình kiến trúc Đông Dương, không còn khu phố cổ, những hàng cây lâu năm… thì du khách có đến để thấy một thành phố giống hệt nơi họ đang sống? Hà Nội đẹp, Hà Nội đáng sống, Hà Nội cuốn hút chính là nhờ sự cùng tồn tại hài hòa giữa cái hiện đại, cái cổ, cái cũ.

Trên thực tế, không thành phố nào có thể gìn giữ tất cả chứng tích của quá khứ nhưng nên nhìn các yếu tố này như một loại tài nguyên - tài nguyên văn hóa. Nếu biết tận dụng và khai thác thì lợi ích mang lại vô cùng lớn, biên độ mở rộng là không giới hạn và giúp chủ thể phát triển bền vững. Một ngôi nhà cũ của danh nhân có thể biến thành địa điểm tham quan, như trường hợp nhà của văn hào Balzac, căn gác trọ của Van Gogh, nhà của danh họa Monet…

Ta có thể nghĩ đến số nhà 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, từng là nơi sinh sống của các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, Văn Giáo, nhà điêu khắc Song Văn, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Văn Lý, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam... Bên cạnh đó, còn có những người từng đến rồi đi như nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, họa sĩ Dương Bích Liên, nhà văn Nguyễn Văn Bổng... Khu tập thể cũ ở Kim Liên hoàn toàn có thể được chuyển thành khách sạn và bảo tàng thời bao cấp.

Có thể nói cơ hội kinh doanh là bất tận khi các công trình này được đưa lên thế giới số - metaverse, nơi các vật phẩm thậm chí kỷ niệm cũng có thể được kinh doanh mà không mất đi vật kỷ niệm. Quay trở lại với tòa nhà ở 61 Trần Phú, Hà Nội, bức phù điêu hoàn toàn có thể được cắt ra và làm thành một tác phẩm trưng bày cho người dân. Thậm chí có thể số hóa tác phẩm và bán cổ phần về bức tranh đó trên không gian số lấy tiền tài trợ cho hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát triển.

Hà Nội không cần thêm các tòa nhà cao tầng ở nội đô vốn đã quá chật chội mà cần thêm các trung tâm văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt tập thể cho người dân Thủ đô và cả nước. Cần nâng cao năng lực sáng tạo sản phẩm dịch vụ mới và thay đổi cách truyền thông. Di tích nhà tù Hỏa Lò là một ví dụ về hiệu quả hoạt động của di tích khi có sự sáng tạo về nội dung và hình thức.

Danh sách các tòa nhà phong cách Đông Dương, phong cách art décor, nhà của danh nhân, địa điểm mà các nghệ sĩ lấy cảm hứng để sáng tác, nhà máy cũ… được chuyển đổi công năng thành trung tâm văn hóa, không gian sáng tạo tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng... hoàn toàn có thể trở thành các địa điểm du lịch theo chủ đề. Lợi ích mang lại không chỉ là văn hóa, xã hội, mà còn du lịch, kinh tế, quảng bá hình ảnh trên trường quốc tế về một quốc gia văn minh, tự trọng và thông thái.

Mong rằng những người đứng đầu các cơ quan quản lý bộ, ban, ngành và địa phương tính đến cách tiếp cận phát triển từ văn hóa này để bớt đi những ồn ào không đáng có và để lại cho các thế hệ tương lai một thế giới với nhiều tài nguyên văn hóa như lúc ta tiếp nhận từ các thế hệ trước. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Công trình cũ, phá bỏ hay gìn giữ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO