Công thư 1958 nhìn từ khía cạnh luật pháp quốc tế

Ts Nguyễn Thị Lan Anh
Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao
15/06/2014 09:29

Gần đây Trung Quốc rêu rao họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và việc Trung Quốc xuyên tạc Công thư ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng là công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc làm này là một trong chuỗi những hành động bỉ ổi, đầy toan tính, đánh lừa dư luận nhằm tìm cách hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Luận điệu của Trung Quốc là ngày 4 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa. Sau đó, ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi Công thư cho Thủ tướng Chu ân Lai, nguyên văn như sau:

“Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.

Trung Quốc cho rằng với những câu văn trên, Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo mà họ gọi là “Tây Sa” và “Nam Sa”. Rõ ràng là xét từ khía cạnh pháp lý, Công thư 1958 không có bất kỳ câu chữ nào công nhận việc Trung Quốc có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam với những lý do sau:

Thứ nhất, vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam đã được thế giới công nhận rất rõ ràng. Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến gì khác của tất cả các quốc gia tham dự. Như vậy, kể từ năm 1951, cộng đồng quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế là vô hiệu. Hiệp định Genève năm 1954, mà Trung Quốc là một nước tham gia chính thức, cũng thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Các điều khoản trong Hiệp định cũng yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, phần tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 về cơ sở pháp lý quốc tế đương nhiên được xem là đi ngược lại cam kết trước đó của Trung Quốc tại Hội nghị quốc tế.

Thứ hai, cần phải thấy rằng, các tuyên bố nói trên của Trung Quốc cũng như của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong bối cảnh có nhiều chuyển biến phức tạp và cấp bách của tình hình chính trị thế giới và khu vực, tình hình tranh luận về chiều rộng lãnh hải theo luật pháp quốc tế cũng như diễn biến căng thẳng của vấn đề quân sự xung quanh eo biển Đài Loan. Năm 1956, Liên Hợp Quốc bắt đầu tiến hành các hội nghị quốc tế bàn về Luật Biển, sau đó một số được ký kết tại vào năm 1958, trong đó quan trọng nhất là Công ước về Lãnh hải và vùng tiếp giáp. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu sách về các vùng biển của quốc gia ven bờ của một số nước liên quan đến nguồn lợi to lớn từ khoáng sản và tài nguyên biển. Nhiều nước muốn mở rộng quyền chủ quyền trên biển hơn nữa. Trung Quốc, dù trong lịch sử ít quan tâm đến biển, cũng bắt đầu chú ý đến việc mở mang, kiếm tìm những đặc quyền trên biển. Mặc dù lúc đó chưa phải là thành viên của Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc cũng bắt đầu chú ý đến việc lên tiếng với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề trên biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Với sự ra đời của Công ước năm 1958 về Lãnh hải và vùng tiếp giáp, chiều rộng lãnh hải 12 hải lý đã lần đầu tiên được quy định thống nhất trên phạm vi toàn cầu, chấm dứt một thời gian dài tranh cãi giữa các nước. Trong thời gian hội nghị, Việt Nam và Trung Quốc là quốc gia ven biển ủng hộ xu hướng lãnh hải 12 hải lý. Do đó, khi Trung Quốc công khai tuyên bố lãnh hải 12 hải lý, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ủng hộ và chỉ ủng hộ quan điểm về chiều rộng lãnh hai 12 hải lý (không phải là 3 hải lý như Anh, Pháp, Mỹ hay 200 hải lý như một số nước Nam Mỹ). Với bối cảnh lịch sử quốc tế và khu vực ấy, có thể thấy việc giải thích xuyên tạc Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là hành động “đánh lận con đen”, bất chấp thực tế khách quan và bối cảnh lịch sử. Công thư chỉ thừa nhận chiều rộng lãnh hải mà Trung Quốc đã tuyên bố.

Trong Công thư 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì không cần thiết bởi theo Hiệp định Genève năm 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Dưới góc độ luật pháp quốc tế, thì thời điểm đó Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có nghĩa vụ và thẩm quyền hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này. Theo đó, Công thư này chỉ tán thành những tuyên bố của Trung Quốc có nội dung về chiều rộng lãnh hải được cộng đồng quốc tế thừa nhận cho đến giai đoạn đó.

Thứ ba, Hiệp định Genève năm 1954 quy định việc chia cắt tạm thời Việt Nam bởi một đường ranh giới được xác định tại Điều 1 của Phụ lục là vĩ tuyến 17Ĥ; theo đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát phần phía Bắc, Việt Nam Cộng hòa quản lý lãnh thổ phía Nam của đường này. Các đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía Nam của vĩ tuyến 17Ĥ, thuộc thẩm quyền của Việt Nam Cộng hòa. Bởi vậy, Công thư 1958 đã thể hiện rất thận trọng và có hai nội dung rất rõ ràng: một là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; hai là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Trong Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy, chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn, cho rằng Công thư 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là sự xuyên tạc trắng trợn lịch sử, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. 

Thứ tư, xét trên khía cạnh kế thừa như luật pháp quốc tế ghi nhận, năm 1976, sau cuộc tổng tuyển cử trong cả nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời và do đó kế thừa đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của hai chính phủ tiền nhiệm, có thẩm quyền đối với toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, bao gồm lãnh thổ lục địa và lãnh thổ biển, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ năm, trên phương diện pháp lý cho thấy sự “yếu ớt” trong luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc đối với chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo này. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippines. Như vậy, những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp. Tuy nhiên, có tác giả đã cố tình nêu nguyên tắc “nhất quán” (estoppel) để suy diễn những lời tuyên bố đó có hiệu lực bó buộc đối với Việt Nam, do đó cần thiết phải giải thích rõ là:

- Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết “estoppel”. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác. Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính là (1) Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu và phải được phát biểu một cách minh bạch; (2) Quốc gia viện dẫn “estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động; (3) Quốc gia viện dẫn “estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó và (4) Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và lâu dài như bản án “Phân định biển trong vùng Vịnh Maine”, bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua” hay bản án “Ngôi đền Preah Vihear”...

- Áp dụng những nguyên tắc trên của estoppel vào những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta thấy thiếu điều kiện 2 và 3 đã nêu ở trên. Năm 1956, năm 1958 và năm 1965, Trung Quốc đã không có thái độ nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trung Quốc cũng không thể chứng minh được rằng mình bị thiệt hại gì do dựa vào những lời tuyên bố đó. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không được hưởng lợi gì khi có những lời tuyên bố đó.

Dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế, việc diễn giải Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là công nhận chủ quyền của Trung Quốc thực sự là trò hề gượng gạo để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc đã xuyên tạc lịch sử, biến có thành không, biến không thành có, tung hỏa mù để cố tình làm sai lệch nhận thức của chính nhân dân Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế, diễn giải vấn đề theo hướng có lợi cho mưu đồ của Trung Quốc. Trước những bằng chứng hiển nhiên của sự thật lịch sử và dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế, những hành vi xuyên tạc, gây ngộ nhận này càng khiến cho Trung Quốc bộc lộ rõ âm mưu, thủ đoạn và tham vọng “nuốt trọn” Biển Đông.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Công thư 1958 nhìn từ khía cạnh luật pháp quốc tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO