Công tác điều trị thay đổi thế nào khi Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B?

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, dù Covid-19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A hay nhóm B, việc điều trị vẫn như nhau, dựa trên phác đồ chung của ngành y tế.

Tại buổi tọa đàm - trao đổi về truyền thông y tế chiều 14.6, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề khi Covid-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B thì chất lượng điều trị có thay đổi, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, việc điều trị sẽ dựa trên phác đồ điều trị và các yếu tố bệnh tật của bệnh nhân.

Chính vì vậy, dù Covid-19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A hay nhóm B, việc điều trị vẫn như nhau, dựa trên phác đồ chung của ngành y tế. Điểm khác nhau nằm ở nếu thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A, ngân sách Nhà nước sẽ chi trả chi phí điều trị.

Khi chuyển sang nhóm B, quỹ bảo hiểm sẽ thanh toán chi phí điều trị theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. “Không có chuyện chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B thì chất lượng điều trị sẽ giảm đi”, Bộ trưởng nói.

Công tác điều trị thay đổi thế nào khi Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B? -0
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi tọa đàm - trao đổi về truyền thông y tế, tổ chức chiều 14.6

Được biết, trước đó, ngày 3.6, tại phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thống nhất đủ điều kiện chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, để chuyển từ nhóm A sang nhóm B cần sửa đổi 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm Quyết định 447, Quyết định 07 và Quyết định 02; cùng rất nhiều chính sách khác liên quan khi dịch Covid-19 ở nhóm A. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị rà soát hàng loạt những chính sách cần tập trung sửa đổi trong thời gian tới.

“Riêng đối với việc sửa đổi 3 Quyết định của Thủ tướng, hiện nay, Bộ Y tế đã rà soát và đang xin ý kiến của Bộ Tư pháp. Khi Bộ Tư pháp có ý kiến, chúng tôi sẽ hoàn thiện ngay hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng thông tin.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phân tích thêm, trước đây khi Covid-19 là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, tất cả người dân khi vào khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế sẽ được điều trị miễn phí. Nhưng khi chuyển thành bệnh truyền nhiễm nhóm B, người dân sẽ không được điều trị miễn phí nữa, trường hợp có thẻ bảo hiểm sẽ được thanh toán bảo hiểm.

Sự thay đổi trong điều trị chỉ nằm ở chi phí điều trị, còn về phương thức, phác đồ điều trị vẫn giữ nguyên như trước.

Công tác điều trị thay đổi thế nào khi Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B? -0
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương 

Thứ trưởng thông tin, Bộ Y tế đang cùng với các Bộ ngành chỉnh sửa lại tất cả các hướng dẫn chuyên môn, ví dụ như hướng dẫn về giám sát phòng chống dịch Covid-19; hướng dẫn về chẩn đoán điều trị; hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế,…

Dự kiến trong tháng 6, khi Thủ tưởng ký quyết định hết hiệu lực Quyết định 447, Bộ Y tế cũng sẽ đồng thời ký Quyết định chính thức chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B và các hướng dẫn.

Thông tin về sự thay đổi các biện pháp phòng chống dịch khi Covid-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, GS.TS.Phạn Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, khi Covid-19 thuộc nhóm A, chúng ta tăng thêm các biện pháp hành chính xã hội so với nhóm B. Có nghĩa là hạn chế các điểm đi lại, khoanh vùng dịch một cách chặt chẽ hơn.

Công tác điều trị thay đổi thế nào khi Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B? -0
Buổi tọa đàm - trao đổi về truyền thông y tế có sự tham dự đưa tin của nhiều cơ quan báo chí

Khi Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhóm nhóm B, gần như cơ bản sẽ bỏ các hoạt động này, trở về các hoạt động thường xuyên. “Nói một cách khác, khi Covid-19 ở nhóm A, chúng ta huy động các Bộ ngành tham gia nhiều hơn. Khi chuyển sang nhóm B thì các cán bộ y tế và mỗi người dân tham gia nhiều hơn”, GS Lân nói.

Về các biện pháp phòng chống dịch cụ thể khi chuyển Covid-19 sang nhóm B, GS Lân cho biết sắp tới sẽ có hướng dẫn cụ thể, ban hành đồng bộ với các hướng dẫn khác của Bộ Y tế.

Công tác điều trị thay đổi thế nào khi Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B? -0
Nhân viên y tế tới phát thuốc cho một bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà

Trước đó, căn cứ với tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam, đối chiếu các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và theo khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã đề xuất điều chỉnh bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B với 3 lý do sau:

- Theo Tổ chức Y tế thế giới, SARS-CoV-2 (virus gây ra bệnh Covid-19) vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc và tỷ lệ tử vong giảm mạnh, tương đương hoặc thấp hơn tỉ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B trong 5 năm gần đây như: Sốt xuất huyết, Sốt rét, Bạch hầu, Ho gà,…

- Đã xác định rõ tác nhân gây bệnh Covid-19 là virus SARS-CoV-2.

- Bệnh Covid-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyễn nhiễm nhóm B theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Ngày 3.6.2023, tại phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thống nhất đủ điều kiện chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B. Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Sức khỏe

Trang bị kỹ năng truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá
Tin tức

Trang bị kỹ năng truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá

Mới đây, Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2024. Hội nghị nhằm trang bị kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở ở Hà Tĩnh trong công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo lồng ngực bằng Titan ứng dụng công nghệ in 3D đầu tiên ở Đông Nam Á
Sức khỏe

Thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo lồng ngực bằng Titan ứng dụng công nghệ in 3D đầu tiên ở Đông Nam Á

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City và các kỹ sư từ Trung tâm công nghệ 3D trong y học, Đại học VinUni đã thực hiện thành công ca phẫu thuật triệt căn khối u trung thất với kích thước 11,5 cm và tái tạo lồng ngực cho bệnh nhân bằng vật liệu Titan.

Tranh thủ các chính sách về thu hút, đào tạo, đãi ngộ để nâng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực y tế.
Tin tức

Đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật trong ngành y tế tỉnh Bình Thuận

Từ hiệu quả triển khai Đề án xây dựng bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, đồng thời tăng cường phối hợp với bệnh viện tuyến trên TP. Hồ Chí Minh để nhận chuyển giao nhiều gói kỹ thuật chuyên sâu, những năm gần đây, ngành y tế tỉnh Bình Thuận đạt được một số kết quả nhất định trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh
Sức khỏe

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh

Với lợi thế dây chuyền khám và tiêm hiện đại, chuyên nghiệp, đồng bộ trên cả nước và tại 39 trung tâm tại TP. Hồ Chí Minh, cùng gần 2.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển tiêm hơn 1.200 mũi vắc xin các loại trong ngày đầu chiến dịch tăng cường, trong đó có gần 200 mũi vắc xin sởi miễn phí.

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ
Sức khỏe

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ

Ngay sau cơn bão số 3 - Yagi vừa qua, FPT Long Châu đã nhanh chóng phối hợp với Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam, các cơ quan quản lý y tế địa phương và các cơ quan báo chí để thực hiện hỗ trợ ứng cứu sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân vùng lũ.