Kinh tế

Công nghiệp xanh: Từ lựa chọn đến yêu cầu bắt buộc

Vũ Quang 09/07/2025 11:56

Tại Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 9/7, các chuyên gia cho rằng, công nghiệp xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc đối với Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình kinh tế phát thải thấp, sạch và tuần hoàn.

Công nghiệp là động lực tăng trưởng, nhưng cần một mô hình mới

Sau hơn ba thập kỷ công nghiệp hóa, công nghiệp hiện đóng góp khoảng 35% GDP và là trụ cột tạo việc làm chính của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng nhanh đã kéo theo hàng loạt thách thức: 75% năng lượng vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch, giá trị gia tăng nội địa thấp, công nghiệp hỗ trợ còn yếu và các lĩnh vực như xi măng, luyện kim, khai khoáng tiếp tục gây ô nhiễm nghiêm trọng.

z6785826752110_dbfb4ea426577b12887b74e3e9a40ea2.jpg
TS. Chử Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, phát biểu khai mạc. Ảnh: Quang Khánh

Trong khi các ngành như năng lượng, giao thông đã bắt đầu quá trình chuyển đổi xanh, thì công nghiệp, trụ cột sản xuất quốc gia, vẫn chưa được đặt vào trung tâm chiến lược tăng trưởng xanh hay cam kết Net Zero. Điều này khiến Việt Nam đối diện nguy cơ tụt hậu khi các thị trường xuất khẩu lớn siết chặt tiêu chuẩn ESG và thuế carbon.

Theo phân tích từ nhiều nghiên cứu và mô hình thực tiễn, việc đầu tư vào khu công nghiệp xanh có thể giúp tăng năng suất 15 - 25%, giảm chi phí vận hành đến 30% nhờ ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, số hóa và sử dụng năng lượng tái tạo. Đây là yếu tố then chốt để doanh nghiệp Việt tiếp tục tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, khi các tập đoàn như Apple, Samsung, Nike… đều đưa ESG vào tiêu chí bắt buộc.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: “Trong bài toán tăng trưởng cao và phát triển bền vững, lời giải không nằm ở sự đánh đổi mà ở tư duy chiến lược. Phải thiết kế mô hình công nghiệp phù hợp với năng lực Việt Nam, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu mới về phát triển xanh”.

z6786246985323_74b9a87a35e881b64726dba5cbf55f1e.jpg
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng ADB Việt Nam, phát biểu. Ảnh: Q.Khánh

Đại diện ADB và các tổ chức quốc tế cũng cho rằng, Việt Nam cần sớm chấm dứt mô hình tăng trưởng công nghiệp dựa vào chi phí thấp, tài nguyên nhiều và phát thải cao.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, xu hướng "tách rời tăng trưởng với phát thải" mà nhiều quốc gia phát triển đã thực hiện là hoàn toàn khả thi với Việt Nam, nếu có chính sách thể chế phù hợp, đồng bộ và có lộ trình.

Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050 bằng Chiến lược tăng trưởng xanh đến 2030, thí điểm sàn giao dịch carbon từ 2025 và các quyết sách mới như Nghị quyết 29-NQ/TW, Quyết định 21/2025/QĐ-TTg… góp phần hình thành hệ sinh thái thể chế và tiêu chuẩn đầu tư xanh.

Đổi mới tư duy phát triển công nghiệp

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp như Panasonic, CNCTech, VietCycle… chia sẻ mô hình khu công nghiệp thế hệ mới áp dụng số hóa, công nghệ tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng giúp giảm đáng kể chi phí và nâng cao sức cạnh tranh. Các mô hình này cho thấy việc đầu tư vào công nghiệp xanh không những bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt.

Tuy nhiên, các diễn giả cũng cảnh báo về mâu thuẫn hiện hữu giữa yêu cầu tăng trưởng cao và tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất khẩu. Ông Trần Đức Ninh, Tổng Giám đốc KN Group, cho rằng không thể chờ đến khi bị áp thuế carbon hay bị từ chối hàng hóa mới bắt đầu chuyển đổi. Việt Nam cần hành động từ bây giờ, bắt đầu từ ngành công nghiệp.

z6786213428992_8baeff260cac92d7232bb731d87cf170.jpg
Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn. Ảnh: Quang Khánh

Các chuyên gia khuyến nghị chiến lược phát triển công nghiệp cần hội tụ đủ bốn yếu tố: (1) định vị công nghiệp xanh là trọng tâm phát triển quốc gia; (2) xây dựng thể chế và tín dụng xanh đủ mạnh; (3) phát triển công nghiệp hỗ trợ có năng lực cạnh tranh; và (4) hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ.

Đồng thời, Việt Nam cần thúc đẩy thị trường carbon nội địa, mở rộng nguồn vốn xanh, đa dạng hóa chương trình tín dụng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu và trường đại học.

Theo TS. Chử Văn Lâm, nhấn mạnh: Giải pháp không nằm ở sự đánh đổi, mà ở việc lựa chọn đúng hướng đi và quyết tâm hành động; hài hòa không chỉ là khẩu hiệu, mà phải trở thành nguyên lý phát triển dài hạn. Trong kỷ nguyên mà ESG, Net Zero và tăng trưởng xanh đang trở thành chuẩn mực đo năng lực quốc gia, Việt Nam không thể chậm trễ. Việc xây dựng một chiến lược công nghiệp đổi mới – xanh, sạch, tự chủ và đủ sức cạnh tranh – không chỉ là yêu cầu thời đại, mà còn là con đường tất yếu để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước trong nhiều thập kỷ tới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Công nghiệp xanh: Từ lựa chọn đến yêu cầu bắt buộc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO