Công nghiệp thuộc da còn khó khăn
Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về quy tắc xuất xứ của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) cho các sản phẩm giày dép, cặp, túi, nước ta phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp thuộc da. Nhưng bản thân ngành này đang gặp rất nhiều khó khăn.
![]() Nguồn: ITN |
Theo Chủ tịch Hội Công nghiệp môi trường Việt Nam Đỗ Hữu Hào, ngành công nghiệp thuộc da của nước ta hiện có hai hạn chế lớn là nguồn nguyên liệu cho thuộc da và công nghệ xử lý môi trường. Về nguồn nguyên liệu, hiện nuôi trâu, bò chưa phát triển, chủ yếu nuôi quy mô gia đình để đáp ứng nhu cầu về sức kéo. Bởi thế, để ngành thuộc da phát triển thì quy hoạch công nghiệp cần chú ý đến phát triển nuôi trâu, bò lớn để lấy thịt. Về công nghệ xử lý môi trường, các doanh nghiệp thuộc da trong nước đã áp dụng nhiều công nghệ sản xuất mới, song chưa thực hiện tốt yêu cầu này.
Mặc dù ngành công nghiệp thuộc da Việt Nam đã phát triển đáng kể từ năm 1995, tuy nhiên, ở khu vực tư nhân, các công nghệ thuộc da nói chung vẫn còn ở mức trung bình thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình công nghệ được đánh giá vào loại tiên tiến trong khu vực, thân thiện với môi trường và hạn chế lượng hóa chất độc hại còn tồn đọng trong sản phẩm da thuộc. Nhiều doanh nghiệp thuộc da tư nhân đều than thở, xử lý môi trường đang là khâu vướng mắc nhất. Nguyên nhân do các doanh nghiệp thuộc da hiện chưa tập trung tại một khu công nghiệp, nên khó xử lý chất thải hiệu quả. Trong các khu công nghiệp, hệ thống xử lý đầu tư chỉ để xử lý chất thải thông thường, không được đầu tư cho chuyên ngành thuộc da, trong khi nước thải của ngành này đỏi hỏi phải có hệ thống xử lý riêng biệt. Chính vì thế các doanh nghiệp thuộc da gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình hoạt động, vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn về xử lý môi trường. Nếu đầu tư hệ thống đáp ứng yêu cầu thì một doanh nghiệp phải bỏ ra quá nhiều chi phí, dẫn đến sản xuất không hiệu quả.
Ngoài nguyên liệu truyền thống như da trâu, bò, lợn, hiện ngành thuộc da Việt Nam có thêm loại nguyên liệu mới là da nốt sần như da cá sấu, đà điểu, trăn, rắn, kỳ đà. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nuôi các loài này để lấy da thuộc lại gặp khó khăn về nguồn hóa chất và công nghệ để thuộc da. Cùng với đó là sự thiếu hụt nguồn cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, do nước ta chưa có cơ sở đào tạo về thuộc da và đây là ngành có môi trường làm việc bị ô nhiễm nghiêm trọng, khó thu hút lao động.
Nhiều doanh nghiệp thuộc da rất tâm huyết, muốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp này, nhưng việc có từ một đến hai khu công nghiệp tập trung để xây dựng hệ thống xử lý nước thải chuyên biệt dường như không nằm trong tầm tay của họ. Ngoài ra, các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho ngành thuộc da cũng chưa được ban hành đồng bộ, cụ thể. Hiện cũng chưa có quỹ hỗ trợ khoa học - công nghệ cho ngành thuộc da; cơ sở hạ tầng công nghệ lạc hậu so với các đối thủ cạnh tranh. Nói cách khác, nếu không được đầu tư mới, hoặc mở rộng sản xuất da thuộc thì khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm xuống. Và như thế, có lẽ cơ hội được hưởng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do nhờ tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm xuất khẩu sẽ trở nên khó nắm bắt.