Kinh tế

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng

Khánh Ngọc 16/07/2025 11:39

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục xu hướng tăng tích cực, với mức tăng hơn 9% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với mức tăng trưởng “hai con số.”

Nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn và nhu cầu tiêu dùng thế giới chậm lại, kết quả tăng trưởng công nghiệp nói chung, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng đã có kết quả rất đáng ghi nhận, đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2024 chỉ số này chỉ tăng 3,7%), trong đó, một số ngành có đóng góp nổi bật như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,1% tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng khoảng 5,2%.

Một số ngành khác cũng có mức tăng trưởng khả quan như điện tử, linh kiện tăng 14% nhờ sự phục hồi đơn hàng từ Mỹ và châu Âu (EU), ngành cơ khí chế tạo, kim loại tăng 9,3% nhờ nhu cầu nội địa tăng và giải ngân đầu tư công khá tốt. Về ô tô, sản lượng lắp ráp xe trong nước tăng khoảng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ cũng là một điểm sáng nhờ nhiều doanh nghiệp được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung và của Intel.

Giới chuyên gia nhìn nhận, đà tăng trưởng mạnh mẽ này không phải ngẫu nhiên, mà phản ánh hướng đi đúng đắn trong phát triển chế biến sâu sản phẩm - một chiến lược giúp Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu thô hoặc gia công đơn giản. Theo Bộ Công Thương, giá trị gia tăng nội địa trong ngành chế biến, chế tạo đã được cải thiện rõ rệt nhờ các dự án công nghiệp hỗ trợ. Tỷ lệ nội địa hóa ở một số lĩnh vực điện tử đạt 35 - 40%, trong khi ngành dệt may, da giày cũng đang đẩy mạnh tự chủ nguyên phụ liệu và khép kín dần chu trình sản xuất.

Mặc dù có sự tăng trưởng tích cực, song chỉ số vẫn chưa đạt kịch bản cao như Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ “Về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên”. Lý giải nguyên nhân, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Văn Quân cho rằng có thể kể đến việc liên quan đến chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) liên tục duy dưới ngưỡng 50 điểm trong quý II.2025, phản ánh tâm lý thận trọng của doanh nghiệp. Cùng với đó là chi phí đầu vào như nguyên liệu, logistics vẫn ở mức cao do biến động địa chính trị cũng như giá dầu trên thế giới và tiếp đến là một số ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, da giày còn khó khăn trong những đơn hàng và thách thức trong cạnh tranh với những hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

sanxuatcongnghiep-1666838703680953742027.jpg
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: Cartimes.vn

Triển khai các giải pháp đồng bộ về thể chế, chính sách

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Văn Quân, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp cả năm 2025 mà ngành công thương đặt ra, cũng như đạt được mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ, cần triển khai một số giải pháp đồng bộ, bao gồm các giải pháp về thể chế, chính sách. Cụ thể, triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia bằng những hoạt động như xây dựng quỹ đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp, quỹ đầu tư phát triển công nghiệp, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mới (R&D) công – tư. Mặt khác, thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, như sửa đổi các quy định liên quan đến đất đai, tín dụng và ưu đãi thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp tư nhân.

Về Bộ Công Thương, Bộ sẽ tập trung các giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của công nghiệp; hoàn thiện các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Bắc và phía Nam để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai những mục tiêu được đặt ra trong đề án công nghiệp hỗ trợ tại Nghị định NĐ 111/2015/NĐ-CP, cũng như đề xuất Thủ tướng phê duyệt chương trình công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2035.

Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp sẽ tập trung vào việc tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm công nghiệp, nhất là những ngành bị ảnh hưởng bởi cắt giảm đơn hàng như dệt may, da giày và các ngành bị tác động bởi chính sách thuế đối ứng của Mỹ.

Thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát lại các chỉ tiêu kế hoạch và tháo gỡ rào cản pháp lý, luật cũng như tập trung để triển khai hiệu quả hai Nghị quyết (Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân) của Bộ Chính trị.

Với những giải pháp đồng bộ trên, “hy vọng các chỉ số tăng trưởng công nghiệp (IIP) của cả năm 2025 có thể đạt từ 9% trở lên và công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2 con số nếu triển khai hiệu quả các giải pháp”, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Văn Quân nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO