Công nghệ và “không ai bị bỏ lại phía sau”

- Thứ Sáu, 27/11/2020, 07:34 - Chia sẻ
“Cắt điện của người dân là sai” - khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi trả lời ý kiến cử tri quận Cái Răng, Cần Thơ về việc điện lực địa phương triển khai thu tiền điện qua tài khoản gây khó khăn cho nông dân vì không phải nông dân nào cũng có tài khoản ngân hàng.

Nhìn rộng hơn, khẳng định của người đứng đầu Quốc hội là lời nhắc nhở với các cơ quan làm chính sách và thực thi chính sách về việc ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công nhưng vẫn cần bảo đảm mọi người dân Việt Nam, trong đó có những nhóm người yếu thế, người già, người nghèo, đồng bào vùng cao… không bị loại trừ khỏi các dịch vụ công thiết yếu vì lý do công nghệ.

 Sử dụng công nghệ trong tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có việc các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ hành chính công thông qua con đường trực tuyến, là xu thế tất yếu. Việc thanh toán các chi phí phát sinh khi sử dụng dịch vụ công, dù là thủ tục hành chính trực tuyến hay các dịch vụ công thiết yếu khác (điện, nước, vệ sinh…) thông qua thanh toán điện tử (qua ngân hàng,  dịch vụ tài chính như ví điện tử) cũng là bước đi hợp lý.

Tuy nhiên, trong tiến trình đó cần lường trước và tính toán đến khả năng thực hiện các dịch vụ trực tuyến của các nhóm người dân khác nhau. Chắc chắn sẽ có những nhóm do đặc thù, khó khăn riêng sẽ khó tiếp cận dịch vụ, chi trả dịch vụ trực tuyến bình đẳng như phần lớn nhóm người dân khác. Câu chuyện cử tri ở Cần Thơ phản ánh với Chủ tịch Quốc hội là ví dụ sinh động: Có những hộ dân ở vùng nông thôn chưa kịp làm quen với tài khoản ngân hàng, với thanh toán điện tử nên chưa thể thanh toán cho tổ chức cung cấp dịch vụ thông qua ngân hàng được. Và chắc chắn, những câu chuyện tương tự sẽ còn diễn ra ở phạm vi rộng hơn trên toàn quốc, khi ngày càng nhiều địa phương, nhiều cơ quan cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ vào các công đoạn cung cấp dịch vụ công, bao gồm công đoạn thanh toán.

Ví dụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đang triển khai thí điểm trước khi tiến tới nhân rộng việc chi trả các khoản an sinh xã hội bằng phương thức điện tử. Và những trục trặc đã xảy ra khi các đối tượng nhận chi trả hầu hết là các đối tượng yếu thế hơn (người già; người nghèo; thương bệnh binh), khó sử dụng tài khoản ngân hàng; hoặc là vùng núi, vùng sâu, vùng xa như các huyện thí điểm ở Quảng Uyên, Thạch An (Cao Bằng) không có cây ATM để tiện sử dụng. Trong khi đó, đây là nhóm đối tượng có quy mô không nhỏ nếu tính về diện người cần hỗ trợ. Báo cáo của Bộ này cho biết, 30% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp. Trong đó có hơn 1,4 triệu người cao tuổi; khoảng 1,4 triệu người hưởng trợ cấp, người có công với cách mạng; 6,2 triệu người khuyết tật; trên 9 triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần; 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có khoảng 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo; hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm. Ngoài ra còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.

Câu trả lời, như Chủ tịch Quốc hội gợi ý, chính là ở việc thiết kế lộ trình phù hợp và có biện pháp hỗ trợ sát hơn ở cấp độ địa phương. Rõ ràng lộ trình thực hiện cần có kế hoạch riêng cho các nhóm khó khăn theo hướng triển khai chậm hơn, có sự tuyên truyền, hướng dẫn và đồng thời trợ giúp trực tiếp cho từng nhóm.

Công nghệ rốt cuộc cũng chỉ là phương thức phục vụ con người tốt hơn. Do đó không thể viện dẫn bất kỳ lý do gì để loại trừ người dân khỏi việc tiếp cận dịch vụ công thiết yếu, ví dụ vì công nghệ mà “cắt điện”. Việc này vi phạm nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ thiết yếu của người dân, là “sai” như Chủ tịch Quốc hội khẳng định. Sự giám sát của chính quyền ở cấp độ địa phương đặc biệt cần thiết để đảm bảo quyền sử dụng dịch vụ công thiết yếu của người dân, để không công dân nào bị bỏ lại đằng sau trong tiến trình phát triển.

Hà Lan