Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Công nghệ nào bị cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài?
Căn cứ quy định Điều 11, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định về công nghệ cấm chuyển giao như sau:
Công nghệ cấm chuyển giao
....
2. Cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài công nghệ thuộc Danh mục bí mật nhà nước, trừ trường hợp luật khác cho phép chuyển giao.
3. Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cấm chuyển giao.
Như vậy, cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước (Trừ trường hợp luật khác cho phép chuyển giao).
Bên cạnh đó còn có các công nghệ cấm chuyển giao theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (căn cứ Phần 2 danh mục công nghệ cấm chuyển giao Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định số 76/2018/NĐ-CP)
Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động chuyển giao công nghệ?
Căn cứ quy định Điều 12, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 các hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong hoạt động chuyển giao công nghệ:
- Lợi dụng chuyển giao công nghệ làm ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, sức khỏe con người, môi trường, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc;
- Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.
- Chuyển giao công nghệ cấm chuyển giao; chuyển giao trái phép công nghệ hạn chế chuyển giao.
- Vi phạm quy định về quyền chuyển giao công nghệ.
- Lừa dối, giả tạo trong việc lập, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung công nghệ trong hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư.
- Cản trở, từ chối cung cấp thông tin về hoạt động chuyển giao công nghệ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tiết lộ bí mật công nghệ trái quy định của pháp luật, cản trở hoạt động chuyển giao công nghệ.
- Sử dụng công nghệ không đúng với công nghệ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép.