Công nghệ nano là tiền đề phát triển nhiều lĩnh vực khoa học
Trao đổi bên lề Hội nghị Quốc tế về Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano lần thứ 6 vừa được tổ chức tại Quảng Ninh, THỨ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRẦN VIỆT THANH cho rằng, công nghệ nano là công nghệ tiên tiến, Việt Nam tuy chỉ mới tiếp cận với công nghệ nano trong những năm gần đây nhưng cũng có những bước chuyển tạo ra sức hút mới và đầu tư công nghệ nano là tiền đề phát triển nhiều lĩnh vực khoa học.
![]() |
- Đề án hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/5/2011. Vậy đề án này đang được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai đề án hội nhập quốc tế với mục tiêu rút ngắn khoảng cách về trình độ khoa học và công nghệ của nước ta với khu vực và thế giới. Giải pháp của Đề án là Việt Nam phải hòa nhập với cộng đồng khoa học quốc tế, trở thành địa điểm để tổ chức các sự kiện khoa học công nghệ của thế giới. Tại Hội nghị Quốc tế về Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano lần thứ 6, có rất nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới của lĩnh vực này đã đến đây tham dự. Hơn 300 nhà khoa học thế giới và hơn 300 nhà khoa học Việt Nam tham dự Hội nghị, các nhà khoa học thế giới đến đây trình bày về những vấn đề họ đang làm. Nó sẽ giúp các nhà khoa học Việt Nam có được những thông tin và tiếp cận những công trình rất mới của thế giới về công nghệ nano trên thế giới. Tại hội nghị này sẽ có rất nhiều báo cáo của các nhà khoa học Việt Nam, các báo cáo này cũng phải đạt trình độ, tầm quốc tế… Kỷ yếu của hội nghị sẽ được cung cấp cho các Viện, Trường trên thế giới trong lĩnh vực này. Như vậy, tên tuổi của các nhà khoa học Việt Nam sẽ được xuất hiện trong công đồng khoa học công nghệ Quốc tế nghiên cứu về vật liệu mới và nano.
- Công nghệ nano có tầm quan trọng như thế nào đối với các nước đang phát triển như Việt Nam?
Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Công nghệ nano và vật liệu tiên tiến là lĩnh vực nghiên cứu hết sức cơ bản, tiên tiến. Đầu tư về công nghệ nano là tiền đề để phát triển rất nhiều lĩnh vực khoa học. Trong báo cáo mà các nhà khoa học học đưa ra, hầu hết công nghệ nano được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực như công nghiệp, điện tử, hóa học, sinh học, mỹ phẩm, y tế, môi trường... Ứng dụng công nghệ nano có khả năng lớn để cải thiện mức sống của người dân các nước đang phát triển. Khoa học và công nghệ đơn thuần không thể giải quyết triệt để tất cả những vấn đề ở những nước đang phát triển, nhưng đây là những yếu tố căn bản để phát triển.
- Thứ trưởng có thể cho biết, Việt Nam sử dụng các báo cáo nghiên cứu khoa học được trình bày tại Hội nghị như thế nào?
Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Chương trình về công nghệ nano là một lĩnh vực hết sức tiên tiến, mặc dù Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, nhưng ngay từ những năm 2002, hội nghị đầu tiên về công nghệ nano đã được tổ chức, đến năm 2012 này là 10 năm đánh dấu một bước phát triển về công nghệ nano tại Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam là những công trình nghiên cứu rất cơ bản, Việt Nam đã nghiên cứu được rất nhiều ứng dụng của công nghệ nano phục vụ trong cuộc sống. Các nước phát triển công nghệ nano đang ứng dụng công nghệ này trong y tế, trong công nghệ bảo vệ môi trường, tại Việt Nam cũng vậy. Những kết quả nghiên cứu công nghệ nano ở Việt Nam được ứng dụng rất mạnh mẽ trong thực tiễn.
- Sự quan tâm của Nhà nước đến các nhà khoa học, các công trình nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ nano như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Đối với các nhà khoa học được Nhà nước tạo điều kiện nghiên cứu là niềm hạnh phúc lớn nhất của họ. Công nghệ nano là công nghệ tiên tiến, Việt Nam tuy chỉ mới tiếp cận với công nghệ nano trong những năm gần đây nhưng cũng có những bước chuyển tạo ra sức hút mới đối với lĩnh vực mới mẻ, thử thách này. Nhà nước cũng đã dành một khoản ngân sách khá lớn cho chương trình nghiên cứu công nghệ nano cấp quốc gia, xây dựng chương trình, đầu tư kinh phí để các nhà khoa học có thể nghiên cứu và thực hiện các công trình. Đấy có lẽ là hạnh phúc nhất của những người làm khoa học. Sau này trên cơ sở những kết quả nghiên cứu đó, Nhà nước tạo điều kiện để họ có thể triển khai ứng dụng vào thực tiễn.
Xin cám ơn Thứ trưởng!