Công nghệ làm nền cho sáng tạo

- Thứ Năm, 29/10/2020, 07:04 - Chia sẻ
Nỗ lực thu hút công chúng đến với sân khấu truyền thống thời gian qua chưa có được nhiều thành quả. Theo nhiều nhà chuyên môn, một trong những nguyên nhân quan trọng là do sân khấu Việt vẫn chưa vượt ra khỏi giới hạn về mặt kỹ thuật. Cần hiện đại hóa không gian biểu diễn, đi kèm là những sáng tạo đột phá về mặt nghệ thuật, tránh ỷ lại vào công nghệ khiến sân khấu đơn điệu và lặp lại.

Cũ kỹ, đơn điệu

Thiết kế sân khấu được coi là một trong những yếu tố làm nên vẻ đẹp và sự chân thực của một tác phẩm, thu hút ánh nhìn và tạo cảm xúc, ấn tượng cho khán giả. Trước sự phát triển của khoa học - công nghệ, sân khấu tại nhiều quốc gia đã có sự thay đổi lớn: Sân khấu quay nhiều chiều, nhiều tầng lớp, có thể mở rộng hay thu hẹp không gian; hệ thống ánh sáng, âm thanh hiện đại, tạo điều kiện tối đa cho nghệ sĩ sáng tạo, biến hóa; hình thức phong phú, bộc lộ được hết nội dung, làm nên vở diễn hấp dẫn khán giả.

Sáng tạo để đổi mới sân khấu truyền thống
Nguồn: ITN

So với sân khấu các nước tiên tiến, theo nhiều người trong nghề, hầu hết rạp hát ở Việt Nam hôm nay cũ kỹ, nghèo nàn, đơn điệu và lạc hậu về mọi phương diện kỹ thuật, từ ánh sáng, âm thanh đến công tác hậu đài, chuyển cảnh. Đặc biệt, sân khấu truyền thống vẫn không khác cách đây mấy chục năm, với những sàn diễn cố định vài chục mét vuông, được trang trí bằng những tấm phông rèm, cánh gà cố định, bục, bệ, pano đưa vào kéo ra thủ công... dùng chung cho các loại hình nghệ thuật từ chèo, cải lương, kịch... Với điều kiện sân khấu lạc hậu như vậy, khó có thể phát huy hết sức sáng tạo của nghệ sĩ.

Thực tế, ứng dụng công nghệ hiện nay vẫn là khoảng trống của nghệ thuật sân khấu, khiến lĩnh vực này đang dần tụt hậu trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật khác đang đổi mới không ngừng. Theo thống kê, cả nước có vài chục nhà hát, công trình có chức năng tương đương đang hoạt động, rất ít đơn vị có thể áp dụng thành tựu của công nghệ. Cơ sở rạp hát là vấn để cần quan tâm của sân khấu hiện nay. NSND Trần Quốc Chiêm cho rằng: “Đó là nơi thỏa sức cho ê kíp dàn dựng, sáng tạo, đặc biệt là đạo diễn. Nếu có một nhà hát, sàn đủ tiêu chuẩn như sân khấu quay, sân khấu nâng và các phương tiện hỗ trợ như âm thanh, ánh sáng và các kỹ thuật cho sân khấu, thì chắc chắn còn có nhiều tác phẩm sân khấu chất lượng nghệ thuật cao hơn...”.

Với mong muốn thay đổi diện mạo sân khấu, những năm gần đây, một vài sân khấu đã được trang thiết bị hiện đại, với công nghệ mới, như hệ thống âm thanh, ánh sáng được đầu tư lớn, màn hình LED thay cho phông nền giúp giảm thiểu thời gian chuyển cảnh, khiến các cảnh diễn liền mạch hơn, tạo dấu ấn cho khán giả. Thế nhưng, nhiều họa sĩ cũng nhận ra, các thiết kế không gian cho tác phẩm đang bị cắt xén, màn ảnh LED lấn át cảnh trí, không gian mỹ thuật là đặc trưng của sân khấu truyền thống vốn mang tính tượng trưng, ước lệ là chính; trang trí sân khấu không có đột phá mà đơn điệu và lặp lại...

Không để công nghệ lấn át

Thiết kế mỹ thuật là một bộ phận không thể tách rời của nghệ thuật sân khấu, cùng với kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, múa, ánh sáng, âm thanh... Nghệ thuật xử lý không gian sân khấu với các thủ pháp gợi tả, hiện thực, ước lệ, tượng trưng... làm cho vở diễn đạt hiệu quả về nội dung và hình thức. Trong bối cảnh khán giả đến với sân khấu ngày một suy giảm như hiện nay, nhiều sân khấu truyền thống nỗ lực để tồn tại và thu hút khách, và để sân khấu trở nên hấp dẫn hơn, yếu tố mỹ thuật càng cần được quan tâm.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay được chỉ ra là đội ngũ họa sĩ thiết kế sân khấu quá mỏng “chỉ đếm trên đầu ngón tay”. NSND Nguyễn Dân Quốc cho biết: “Tôi dạy ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, số lượng sinh viên ra làm họa sĩ thiết kế sân khấu ít. Lĩnh vực này dường như không được quan tâm, ít được coi trọng, đất làm việc của họa sĩ sân khấu rất hạn chế. Một số nhà hát bao năm nay còn không có họa sĩ thiết kế sân khấu”.

Nếu không được đổi mới một cách đồng bộ, từ cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ của các nhà hát, sân khấu Việt Nam sẽ tụt hậu so với sân khấu thế giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, kỹ thuật công nghệ như vậy nhưng mấu chốt của sáng tạo vẫn là con người, và nếu áp dụng công nghệ không khéo sẽ lấn át sự sáng tạo của đội ngũ họa sĩ. Từng đạo diễn hơn 120 vở chèo và một số vở cải lương, kịch nói, NSND Nguyễn Dân Quốc nhận định: Thiết kế mỹ thuật sân khấu ngày nay, giới trẻ lợi dụng công nghệ hiện đại, nhưng thiếu ý tưởng. Nhiều người ỷ lại vào công nghệ, ăn sẵn. Ví như một vở diễn xưa, phông rất lớn tới hơn 70m2, họa sĩ vẽ bằng tay, thì hiện nay, nhiều họa sĩ chụp ảnh thật, in 3D căng lên, hoặc chiếu lên màn hình LED. Có họa sĩ không chịu tìm tòi, lười suy nghĩ, lặp lại những gì đã làm, khiến người xem thấy không có gì mới mẻ... Trong khi đó, thế giới áp dụng công nghệ, tìm ra cái mới chứ không nhặt nhạnh từ hiện thực. Chẳng hạn, trong sân khấu truyền thống, vẫn là cây đa bến nước sân đình, nhưng họa sĩ có thể tả để gợi cho người xem, tạo hiệu quả sân khấu, không nhất thiết phải in hẳn hình cây đa lên, hay làm như thật, nổi khối...

NSND Trần Bảng từng cho rằng: “Đừng nhân danh đưa công nghệ hiện đại vào sân khấu mà dùng tia chớp điện nhấp nháy đến mức không còn nhìn thấy diễn viên đang thể hiện gì. Những người làm kiểu đó đã quên rằng, sân khấu chúng ta độc đáo chính là vì mọi hình thức thể hiện đều nằm ở ngôn ngữ cơ thể diễn viên là chủ yếu. Các nghệ thuật khác như trang trí, âm nhạc, ánh sáng là để phục vụ chứ không thể chiếm vị trí của nghệ thuật biểu diễn, khiến diễn viên mất đi tính tổng thể khi trình diễn và vì thế, làm mai một nghệ thuật truyền thống”.

Để phát triển sân khấu hội nhập chung với thế giới, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của truyền thống, NSDN Nguyễn Dân Quốc cho rằng, các họa sĩ thiết kế sân khấu phải công phu, nghiêm túc, tìm tòi và đặc biệt, cần có sự phối hợp của cả ê kíp sáng tạo mới có thể tạo nên những vở diễn chất lượng.

Thảo Nguyên