Công nghệ đưa bảo tàng đến gần công chúng

- Thứ Năm, 16/09/2021, 05:11 - Chia sẻ
Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa ngày càng cao của công chúng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, xác định xu hướng phát triển bảo tàng hiện đại, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa hoạt động để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, mang lại trải nghiệm khác biệt cho khách tham quan.
Trưng bày ảo giới thiệu 20 bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Cận cảnh 20 bảo vật quốc gia online

Tại họp báo trực tuyến sáng 15.9, TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ trong bảo tàng là hoạt động quan trọng và có ý nghĩa, đã được Bảo tàng thực hiện trong nhiều năm qua. Gần đây, trước sự thay đổi của thực tiễn, nhu cầu thưởng lãm của công chúng với hoạt động bảo tàng ngày càng cao và tác động của dịch bệnh là cú hích cho ứng dụng công nghệ số ngày càng nhanh hơn. Trên cơ sở kinh nghiệm và hiệu quả bước đầu, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp tục đẩy mạnh, nâng cấp, cập nhật ứng dụng công nghệ và từng bước hoàn thành một số sản phẩm, đưa vào hoạt động và giới thiệu tới công chúng”.

Là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D (tương tác thực tại ảo) trong giới thiệu trưng bày từ năm 2013, với các trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”, “Đèn cổ Việt Nam”, “Văn hóa Óc Eo”... năm 2020, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và hoàn thiện giới thiệu trưng bày ảo chuyên đề “Bảo vật quốc gia” tại địa chỉ https://baovatquocgia.baotangso.com. Trưng bày giúp khách tham quan, dù ở bất cứ đâu, cũng có thể chiêm ngưỡng cận cảnh 20 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại Bảo tàng.

Trong lần nâng cấp này, nội dung trưng bày được nghiên cứu kỹ lưỡng, cập nhật, bổ sung, đổi mới cách thức tiếp cận. Theo đó, thông tin được giới thiệu với các cấp độ khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng, phù hợp với điều kiện thời gian, nhu cầu tra cứu thông tin từ khái quát đến trải nghiệm, tương tác 3D hoặc khai thác tư liệu, tìm hiểu, nghiên cứu sâu (cấp độ giới thiệu chi tiết với các tài liệu, hình ảnh, clip, bài nghiên cứu liên quan một cách sâu sắc, phong phú). Việc cập nhật ứng dụng 3D và đổi mới hình thức giới thiệu mang lại cho công chúng sự tương tác, trải nghiệm khác biệt, mới lạ và sâu sắc hơn.

Ứng dụng công nghệ trong trưng bày là xu hướng tất yếu, mang lại tiện ích quan trọng với sự phát triển của bảo tàng, hướng tới xây dựng di sản số cho di sản văn hóa Việt Nam (E-Heritage).

Duy trì tiếp cận khách tham quan

Ngoài ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn có nhiều hoạt động trực tuyến nhằm giới thiệu giá trị của các tài liệu, hiện vật, sưu tập hiện vật quý giá đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng, tăng cường kết nối bảo tàng với khách tham quan.

Cuối tuần qua, chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online) đã được Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện với chủ đề “Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần”. Sau chưa đầy 24 giờ mở link đăng ký trên Fanpage facebook.com/BTLSQG.VNMH, sự kiện đã có gần 100 khách tham dự.

Trưởng phòng Truyền thông, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Tô Thị Thủy Lâm cho biết, Tourday là cơ hội tham quan bảo tàng miễn phí, được Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng thực hiện từ nhiều năm qua. Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động này tạm dừng. Nhằm duy trì việc tiếp cận lịch sử văn hóa của khách tham quan, Câu lạc bộ nghiên cứu hình thức tham quan trưng bày bảo tàng trên nền tảng ứng dụng Zoom có hỗ trợ tính năng chia phòng họp nhỏ (breakout room) thuận tiện cho công tác tổ chức và quản lý.

Đến với chương trình, khách tham quan được nghe tình nguyện viên giới thiệu về sự hình thành, phát triển, vai trò của các triều đại Lý, Trần trong lịch sử dân tộc; được ngắm nhìn các hiện vật đang trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng thông qua không gian trưng bày ảo 3D trên website của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, với hiện vật trưng bày rõ nét đem lại hiệu ứng cao, kết hợp cùng các hình ảnh hỗ trợ được trình chiếu trên phần mềm power point, video; tham gia giao lưu trực tiếp với hướng dẫn viên... Bà Tô Thị Thủy Lâm cho biết, chương trình bước đầu được công chúng hưởng ứng; và nếu hiệu quả sẽ tiếp tục thực hiện ngay cả khi hết dịch bệnh, cùng với Tourday tham quan bảo tàng trực tiếp.

Để phục vụ rộng rãi khách tham quan và đáp ứng nhu cầu học lịch sử của học sinh, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn tổ chức nghiên cứu, xây dựng các chương trình Giờ học lịch sử online phù hợp với tình hình mới. Trên cơ sở nội dung trưng bày, sưu tập hiện vật, cán bộ giáo dục Bảo tàng đã nghiên cứu, xây dựng nội dung chương trình học lịch sử online phù hợp với từng nhóm học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Qua các bài giảng, hình ảnh, phim tư liệu, phim hoạt hình sinh động, kết hợp với phương pháp truyền đạt qua chuyện kể và tổ chức trò chơi bằng câu hỏi, hoạt động tương tác, đã tạo hứng thú học tập cho các em.

Theo TS. Nguyễn Văn Đoàn, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là bước khởi đầu, vừa làm vừa hoàn thiện, bổ sung, cập nhật nội dung, tư liệu phong phú hơn. Bảo tàng đang tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, người làm công nghệ, đánh giá nhu cầu của khách tham quan để xây dựng những sản phẩm mới như hệ thống thuyết minh tự động, clip giới thiệu trưng bày... Thông qua đó, mong muốn giới thiệu, phát huy giá trị khối di sản to lớn mà Bảo tàng đang lưu giữ. Đây cũng là nỗ lực nhằm thực hiện thông điệp mà Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế (ICOM) đưa ra trong Ngày Quốc tế Bảo tàng (18.5.2021): “Tương lai của các bảo tàng: Phục hồi và đổi mới”.

Ngọc Phương