KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN:

Công nghệ 4.0 giúp thông tin dự báo sớm và chính xác cao hơn

- Thứ Bảy, 03/10/2020, 11:03 - Chia sẻ
Hôm nay 3.10, là Ngày kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành khí tượng thủy văn (3.10.1945 – 3.10.2020). Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân Nhân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường HOÀNG ĐỨC CƯỜNG cho hay: “Ứng phó với thiên tai thực chất là bài toán khó, nhất là trong bối cảnh Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng, có tính chất cực đoan. Việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác dự báo thời tiết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phòng, tránh thiên tai, phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tổ chức khí tượng thế giới “tín nhiệm”

- Ông đánh giá tầm quan trọng của công tác dự báo thời tiết hiện nay thế nào khi mà Biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ rệt tới môi trường?

- Thông tin KTTV nói chung và thời tiết nói riêng và có vai trò rất quan trọng đối với đời sống. Dự báo, cảnh báo trước về các thiên tai và những tác động của nó giúp bảo vệ sự an toàn tình mạng, tài sản của người dân, của đất nước. Là thông tin đầu tiên và quan trọng nhất để Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống lụt bão (PCTT) và Ban chỉ huy PCTT các cấp chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn mỗi khi thiên tai có dấu hiệu xuất hiện. Bên cạnh đó, BĐKH tác động rõ rệt đến thời tiết, khí hậu làm gia tăng thiên tai về tần suất, cường độ và ngày càng trái quy luật. Chính vì vậy, thông tin dự báo sớm về thời tiết nguy hiểm và thiên tai KTTV càng cần thiết cho công tác ứng phó. Thông tin thời tiết cần thiết cho mọi người nhằm lặp kế hoạch lao động, sản xuất, du lịch và tham gia các hoạt động ngoài trời và đơn giản nhất là để trả lời câu hỏi hôm nay sẽ mặc gì, mang theo ô hay không của mỗi người sau mỗi sáng thức dậy.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường

- Với vai trò to lớn như vậy, công tác dự báo thời tiết của nước ta hiện đáp ứng được đến đâu, thưa ông?

- Công tác dự báo gần đây đã từng bước được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, kể cả trong phòng chống thiên tai và ứng dụng thông tin vào sản xuất hàng ngày của các bộ, ngành, địa phương. Ví dụ, trong dài hạn, các cảnh báo, dự báo về khả năng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn trước 2-3 tháng đã giúp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại ở Nam Bộ trong năm qua và chúng tôi tiếp tục cảnh báo diễn biến xâm nhập mặn cao trong năm nay ở ĐBSCL. Các dự báo, cảnh báo trước 3-5 ngày đối với bão, áp thấp nhiệt đới đã giúp công tác ứng phó trên biển tốt hơn. Thực tế, nhiều năm nay hầu như không có thiệt hại về người trên biển do bão, áp thấp nhiệt đới. Các dự báo mưa lũ lớn, nắng nóng gay gắt cũng đạt yêu cầu phòng chống. Minh chứng, ngành KTTV Việt Nam đã được Tổ chức Khí tượng thế giới tín nhiệm, giao nhiệm vụ thực hiện dự báo hỗ trợ hàng ngày cho các nước Đông Nam Á về các thiên tai như bão, mưa lớn, gió mạnh, lũ quét.

- Thực tế đã có một số dự báo chưa chính xác khiến công tác chuẩn bị của các địa phương như huy động nhân lực, vật lực, phương án sơ tán… trở nên quá mức, lãng phí, thưa ông?

Bản chất thiên tai là khó đoán như chúng ta đã phân tích ở trên. Ở đây tôi muốn chia sẻ thêm để các nhà báo, truyền thông thông tin đầy đủ cho người dân nắm được, tránh ứng phó bị động và sai lệch. Cụ thể, khi bão còn trên biển, chúng ta không có trạm quan trắc bề mặt, chỉ dựa vào duy nhất số liệu vệ tinh và dự báo của mô hình. Chỉ khi bão cách bờ 200-300km, khoảng 1-2 ngày trước khi đổ bộ thì chúng ta mới có số liệu quan trắc về bão và cho phép đưa ra dự báo tin cậy hơn. Quy mô của bão thường rất rộng và trong vùng hoàn lưu bão thì bất kỳ khu vực nào cũng có thể xảy ra gió mạnh, hoặc gió giật mạnh hoặc mưa lớn hoặc cả ba thiên tai này.

Ứng phó với thiên tai thực chất là bài toán quản lý rủi ro. Chúng ta cần đưa ra tất cả các khả năng có thể xảy ra, dù là ít % nhưng nếu xảy ra thì cũng có sẵn phương án ứng phó. Đây chính là phương châm “Chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất”.

Tổng cục khí tượng thủy văn họp trực tuyến về công tác dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trên biển

Trong hai năm gần đây, thời hạn dự báo bão, áp thấp nhiệt đới đã được nâng lên thêm 1-2 ngày. Trong bản tin dự báo bão đã đưa các chi tiết về vùng gió mạnh, thời gian có gió mạnh và tổng lượng mưa cho các tỉnh có thể bị ảnh hưởng trực tiếp của bão. Các đối tượng bị tác động cũng được liệt kê như tàu cá trong vùng nguy hiểm (gió mạnh trên cấp 6), lồng bè vùng ven bờ, nhà cấp 4, tháp truyền hình, thông tin, cây xanh, cột điện vùng gần tâm bão và vùng có khả năng có gió giật mạnh, vùng có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện,… Các thông tin này liên tục được cập nhật với tần suất 3giờ/lần và khi bão vào gần bờ thì tăng lên thành 1giờ/lần.

Tiếp tục tăng cường công tác dự báo theo hướng hiện đại

- Để phục vụ hiệu quả cho đời sống dân sinh, sự phát triển kinh tế-xã hội công tác dự báo thời tiết cần có giải pháp gì trong giai đoạn tới ?

- Chúng tôi xác định Ngành KTTV cần thực hiện vấn đề cốt lõi là tăng cường công tác dự báo theo hướng hiện đại, tiếp cận định hướng của Tổ chức Khí tượng thế giới, thực hiện dự báo tác động của các hiện tượng và thiên tai KTTV đến các ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.

Định hướng chung trong dự báo KTTV là sớm hơn, chi tiết hơn và tin cậy hơn. Như vậy các thiên tai sẽ được cảnh báo sớm hơn, mức chi tiết trước mắt cần đạt đến cấp quận/huyện sau đó cần chi tiết đến cấp xã trên phạm vi toàn quốc và đảm bảo độ tin cậy đối với tất cả các dự báo, đặc biệt là đối với các loại thiên tai có thể thiệt hại về người. Để đạt được điều này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tăng mật độ trạm, tăng cường trang thiết bị tính toán, siêu máy tính, ứng dụng công nghệ tiên tiến thông qua nghiên cứu trong nước và hợp tác quốc tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực của ngành đủ năng lực, kinh nghiệm vận hành trang thiết bị, công nghệ mới. Đồng thời cần đổi mới hình thức bản tin phù hợp với các phương thức, công nghệ truyền tin hiện nay: bản đồ, đồ thị, số liệu, video,…phù hợp với hình thức tiếp cận thông tin dự báo thời tiết của cộng đồng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ trong công tác dự báo KTTV tại Trung tâm KTTV Quốc gia

- Chúng ta đang bước vào thời kỳ công nghệ 4.0, vậy ngành KTTV sẽ ứng dụng công nghệ và chuyển đổi thế nào để công tác dự báo thời tiết đạt hiệu quả cao nhất, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước?

Trước đây, cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành KTTV còn lạc hậu, chủ yếu là dữ liệu thô chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, công nghệ 4.0 đã và đang được triển khai mạnh mẽ trong lĩnh vực KTTV từ lĩnh vực quan trắc tự động và truyền số liệu thời gian thực, quản lý cơ sở dữ liệu tới các hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì nhu cầu về tư liệu ngày càng đa dạng, đa dạng về hình thức, đa dạng về nội dung và yêu cầu được đáp ứng nhanh chóng kịp thời. Tổng cục KTTV đang dần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung. Đây là hệ thống cơ sở dữ liệu rất lớn, hiện đại, số hóa toàn bộ quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, số liệu mô hình số tính toán từ siêu máy tính, số liệu hồ chứa, dữ liệu rủi ro và thiệt hại, dữ liệu bản đồ, quy hoạch sông suối, hạ tầng… của các địa phương. Mục tiêu tạo thành thành hệ thống CSDL lớn (Big Data) và CSDL tập trung để không chỉ phục vụ cho mục tiêu dự báo, cảnh báo thiên tai mà còn phục vụ chung, kết nối với CSDL ngành tài nguyên môi trường và CSDL quốc gia. Triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong bài toán dự báo KTTV, nhất là đối với các hiện tượng xảy ra do tổng hợp của nhiều nguyên nhân và không có quy luật thống kê rõ ràng,…

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển đa dạng dưới nhiều hình thức thông tin dự báo, cảnh báo hàng giờ trong ngày và cung cấp cho người dân, xã hội theo các hình thức khác nhau, phù hợp với các đối tượng khác nhau như qua các kênh truyền thông báo nói, báo viết, báo hình, báo mạng, mạng xã hội, phần mềm trên điện thoại thông minh…

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhật Anh