Công khai danh sách tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ

Phương Thủy 05/05/2020 17:54

Cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) tại hội trường, chiều 21.5, các ĐBQH đã đi sâu phân tích về việc nên hay không nên xây dựng cơ sở dữ liệu nghĩa vụ quân sự; về các thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; trường hợp tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ trong dự thảo luật.

ĐBQH Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh): Cần phải bảo đảm dân chủ công khai, minh bạch hơn trường hợp công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ
 
Về nghĩa vụ quân sự, điều 4 dự thảo Luật quy định: nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam; thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong khi đó, khoản 2 điều 45 Hiến pháp quy định: công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia nền quốc phòng toàn dân. Vì vậy, việc quy định nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam là chưa đủ, chưa thống nhất cao với nội dung ràng buộc nghĩa vụ của công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự như trong quy định của Hiến pháp.
 
Về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ, tại khoản 4, điều 42 dự thảo luật quy định, danh sách công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ, được miễn gọi nhập ngũ phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã. Theo tôi, quy định này chưa thống nhất với điều 15 của dự thảo luật, cũng chưa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Vì vậy, cần bổ sung theo hướng: công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ phải được công khai tại trụ sở UBND cấp xã, trụ sở tổ chức nơi công dân công tác. 
 
ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình): Có cần thiết phải xây dựng một cơ sở dữ liệu nghĩa vụ quân sự hay không?
 
Điều 21 dự thảo Luật quy định: cơ sở dữ liệu nghĩa vụ quân sự là cơ sở dữ liệu chuyên ngành do Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý. Cơ quan, tổ chức đăng ký nghĩa vụ quân sự có trách nhiệm cập nhật thông tin của công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự vào cơ sở dữ liệu nghĩa vụ quân sự. Nên xem xét có cần thiết phải xây dựng một cơ sở nghĩa vụ quân sự hay không? Vì, hiện nay chúng ta đang có nhiều cơ sở dữ liệu về dân cư: cơ sở dữ liệu về hộ tịch; cơ sở dữ liệu về căn cước công dân; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Như vậy, 3 cơ sở dữ liệu này đều có liên quan đến cơ sở về nghĩa vụ quân sự. Nếu đặt ra một cơ sở dữ liệu chuyên ngành nữa thì sẽ tạo nên sự trùng lắp, gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước. Vì vậy, không nên có thêm cơ sở dữ liệu chuyên ngành này mà nên khai thác, chia sẻ cùng với các cơ sở dữ liệu về dân cư đã có hiện nay.
 
Về đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, các quy định ở đây dành phần lớn nghĩa vụ cho công dân, phía cơ quan nhà nước chưa chủ động tích cực, đặt ra khá nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà, phức tạp cho công dân, không phù hợp với xu hướng hiện nay và cũng không bảo đảm tính khả thi. Ví dụ khoản 1, điều 17 dự thảo Luật quy định: Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và các thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự phải đăng ký bổ sung tại cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự. Như thế nào là tình trạng sức khỏe ? Nhiều quy định thủ tục hành chính đặt ra trong đó có đăng ký di chuyển nghĩa vụ quân sự, đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng trùng lắp với quy định của Luật Cư trú. Như vậy, có thể cùng một lúc người dân phải thực hiện đến mấy đăng ký. Vì vậy, cần rà soát lại để giảm bớt các thủ tục hành chính đối với người dân trong các quy định này. 

ĐBQH Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên):
Cần quy định cụ thể trường hợp công dân được tạm hoãn do học hệ chính quy các trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân
 
Tạm hoãn gọi nhập ngũ đang áp dụng tại xã phường, thị trấn, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Hiện nay, có một số người cai nghiện không phải là họ cai nghiện ở những cơ sở bắt buộc, nhưng họ cai nghiện tại cộng đồng, tại gia đình. Như vậy, những đối tượng này có phải thuộc diện chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự hay không? Đề nghị xem xét để có quy định hợp lý hơn.
 
Đối với trường hợp tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ, cần quy định cụ thể trường hợp công dân được tạm hoãn do học hệ chính quy các trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Sau khi tốt nghiệp cần gọi nhập ngũ ngay, nếu họ đi làm rồi mà gọi thì sẽ gây khó khăn trong công việc của họ.
 
Dự thảo luật quy định những trường hợp tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình với công dân sau đây, đó là lao động trực tiếp nuôi người thân trong gia đình, không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động. Hiện nay, có nhiều trường hợp lách luật bằng cách tách hộ sang các hộ khác là người thân trong gia đình. Ví dụ, cháu ở với ông bà nội, ngoại chẳng hạn, khi đó, họ đang là lao động duy nhất. Quy định như vậy chưa chặt, cần quy định cụ thể hơn. Ví dụ, thời hạn khi tách hộ là bao nhiêu lâu thì phải được ghi nhận. Hoặc tuy người con trai đó là lao động duy nhất trong gia đình ở với ông bà nội ngoại, nhưng trong gia đình vẫn còn anh chị em hoặc cha mẹ trong độ tuổi lao động ở gần có thể chăm sóc, nuôi nấng được thì thanh niên này có nên xem xét để hoãn gọi nhập ngũ hay không? Như vậy cần phải có quy định cho chặt chẽ hơn, tránh tình trạng lách luật.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định): Đề nghị bổ sung quy định về phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ khi phục vụ trình độ chuyên môn kỹ thuật…
 
Để tạo tâm lý ổn định cho sinh viên trong thời gian học tập cũng như sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ được bố trí vị trí phù hợp với trình độ, đề nghị bổ sung một khoản trong điều 24 quy định về phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ khi phục vụ trình độ chuyên môn kỹ thuật với nội dung: khi xét thấy cần bổ sung nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn trong quân đội thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng cho phép tuyển quân theo nhu cầu thực tế. Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trước một năm để chuẩn bị cho việc gọi sinh viên mới tốt nghiệp nhập ngũ theo đúng số lượng, đúng chuyên môn. Ví dụ, cần bao nhiêu sinh viên của ngành cơ khí, bao nhiêu sinh viên của ngành y khoa… Như vậy, nếu sinh viên đã học đúng chuyên môn mà quân đội cần trong năm tốt nghiệp thì sau khi tốt nghiệp đại học sẽ được tuyển chọn và tham gia ngay trong quân đội theo đúng chuyên môn của mình. Đây cũng là giúp sinh viên vừa thực hiện nghĩa vụ của công dân, cũng vừa tạo điều kiện cho sinh viên phát huy được chuyên môn của mình. Chúng ta cũng nói nhiều đến việc nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không làm đúng ngành, nghề. Vì vậy, nếu được quân đội tuyển theo chuyên môn thì sẽ vừa tạo điều kiện để phát triển lực lượng quân đội vững mạnh, vừa góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng sau này cho xã hội.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Công khai danh sách tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO