Hội thảo Giáo dục năm 2019: Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập Quốc tế

Cộng hưởng nội lực quốc gia

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 08:42 - Chia sẻ
Trong khi giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đang loay hoay với nhiều vấn đề trước mắt thì giáo dục nghề nghiệp các nước đã tiến những bước dài. Vì một nền kinh tế không bị lạc hậu, đón bắt xu thế toàn cầu, lĩnh vực đào tạo nghề càng phải được nhìn nhận đúng đắn, đổi mới trên cơ sở cộng hưởng các nguồn nội lực. Đây là quan điểm chung của các đại biểu tại Hội thảo Giáo dục 2019.

Khoảng trống không nhỏ

Thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam còn để lại khoảng trống không nhỏ trong vấn đề chất lượng lao động hiện nay. Theo kết quả nghiên cứu nhiều năm của Ngân hàng Thế giới (WB), 6/10 công việc ở Việt Nam đòi hỏi lao động cần phải qua đào tạo, rất nhiều công việc hiện không còn phù hợp trong một vài năm tới, phần lớn lao động Việt Nam chưa đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu, do đào tạo không bắt kịp xu hướng phát triển. Việt Nam có cơ cấu lao động trẻ chiếm đa số nhưng đáng ngại là hơn 50% trong số này chỉ tốt nghiệp THCS, trình độ nghề và năng suất lao động tương đối thấp so với Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia... Theo chuyên gia của WB Wendy Cunningham: “Tăng trưởng của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào tỉ trọng lao động đã qua đào tạo. Nền kinh tế trong tương lai, nội hàm tri thức trong từng công việc tăng rất nhiều. Một yếu tố để thu hút đầu tư nước ngoài là nhìn vào năng suất lao động. Những điều này tạo áp lực đối với GDNN và càng áp lực hơn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam”.

Các đại biểu dự hội thảo Ảnh: Khánh Duy

Áp lực đối với GDNN Việt Nam đến từ nhiều thách thức bên trong, trong đó có vấn đề hệ thống. Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh Đỗ Văn Dũng chỉ ra, nhiều trường cao đẳng, trung cấp đang chật vật tuyển sinh, GDNN như bị tách rời hệ thống giáo dục quốc dân, dẫn chứng là Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ sở dữ liệu tuyển sinh nội bộ, trường đại học thường được ưu tiên trong tư vấn tuyển sinh... Một khi cơ sở giáo dục phổ thông và dạy nghề còn phân tách như “hai đường thẳng song song” thì thách thức của GDNN còn lớn. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên Bùi Trần Ngọc đồng tình: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn độc lập với nhau trong sự phối hợp về hoạt động GDNN. “Có người bảo rằng cả hai Bộ đều mạnh, nhưng là bộ nào mạnh bộ nấy, nguy cơ là các trường cao đẳng, trung cấp bị bỏ rơi, bị tụt hậu. Định hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng đơn cử trong tuyển sinh, trường cao đẳng vô tình bị “cướp” đi quyền tự chủ vì các trường đại học đã tuyển sinh gần hết”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên nêu thực tế.

Những khoảng trống kéo lùi sự phát triển của GDNN là câu chuyện nhãn tiền nếu không có tác động. Nhìn thực tế để đối chiếu tính hiệu quả của hệ thống thể chế chính sách, song cũng là cơ sở đánh giá năng lực các trường. Ông Bùi Phương Việt Anh, chuyên gia nghiên cứu quản trị cho rằng, từ sự chênh lệch chất lượng nói lên thực trạng đào tạo nghề. “Ra nước ngoài, tay nghề của học viên Việt Nam không thua kém nhưng kỹ năng nghề khá tệ. Đi thực tế các trường mới thấy đào tạo còn hình thức, nếu đổ lỗi cho các trường đại học tuyển quá nhiều là thiếu trách nhiệm. Vấn đề là GDNN thời gian qua như thế nào? Nếu cung cấp cho xã hội lao động có chất lượng, thu nhập tốt thì niềm tin vào học nghề sẽ tăng lên, song thực tế không được như vậy”, ông Việt Anh nói.

Cầu nối giữa giáo dục và việc làm

Tính đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở GDNN, trong đó có 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp, 1.032 trung tâm GDNN. Mạng lưới này trải đều trên cả nước, tính ra trung bình mỗi tỉnh có hơn 30 cơ sở GDNN. Đây là nền tảng quan trọng chuẩn bị nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển. Nhiều năm trở lại đây, theo hướng thế giới, Việt Nam coi GDNN không đơn thuần là sự tiếp nối chương trình giáo dục mà là cầu nối giữa giáo dục và việc làm. Các xu thế GDNN toàn cầu như: tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình; phân bổ ngân sách theo kết quả; hợp tác với doanh nghiệp; tự học với sự trợ giúp của công nghệ... ngày càng được bàn nhiều. Thế nhưng, trước đòi hỏi và diễn biến phức tạp của thị trường lao động trong tương lai, chuyển biến về nhận thức cũng như đổi mới GDNN thích ứng với bối cảnh mới còn khá chậm, nhiều bất cập, tồn tại về thể chế, liên kết nhà trường - doanh nghiệp, tâm thế hội nhập...

Vấn đề liên quan trực tiếp đến chất lượng GDNN là liên kết nhà trường - lao động. Hiện nay, doanh nghiệp và nhà trường vẫn rơi vào trạng thái “đồng sàng dị mộng”. Cùng hướng tới chất lượng lao động nhưng các trường đa phần đào tạo dựa trên cái mình có, doanh nghiệp thà đào tạo lại còn hơn là phối hợp với nhà trường. Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam Cao Văn Sâm phân tích, nhiều văn bản luật đề cập nhưng lại đặt nặng vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, chỉ rải rác vấn đề quyền lợi. Theo ông Sâm, nếu không chỉ rõ thì sự phối hợp này không thiết lập được quan hệ ràng buộc, không khuyến khích hợp tác đôi bên cùng có lợi”. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai Lê Anh Đức thì ví von: “Như may mặc, không có số đo mà bắt có bộ quần áo vừa người thì rất khó. Các trường muốn, doanh nghiệp muốn nhưng chưa gặp nhau, kết quả là đến giờ mới 7,5% doanh nghiệp tham gia đào tạo với nhà trường”.

Không thể phủ nhận trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực về lĩnh vực GDNN được hội nhập ngày càng sâu rộng, GDNN nước ta đã tích cực triển khai các hoạt động đạt hiệu quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng, từng bước tiếp cận, thu hẹp khoảng cách với GDNN của các nước có nền GDNN phát triển trong khu vực và thế giới. Tuy vậy, GDNN đặt trong hệ thống giáo dục nói chung còn nhiều bất cập, tồn tại, nhất là sự phân tán nội lực như hiện nay. Chủ động đổi mới, hội nhập, tạo sự đồng thuận, liên kết chặt chẽ giữa các bên là hướng đi cần thiết trước những khó khăn, thách thức đặt ra, nhằm mục tiêu cao nhất là phát triển GDNN trong bối cảnh đất nước đang tiến hành chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Lê Thư