Công giáo - cứu chuộc tội lỗi của loài người

- Thứ Hai, 26/07/2021, 17:14 - Chia sẻ
Nguồn: thinkstockphotos
Nguồn: thinkstockphotos

Công giáo ra đời vào thế kỷ thứ I sau công nguyên tại vùng Palestine, do Chúa Giêsu sáng lập. Công giáo tin Chúa Giêsu xuống trần gian làm người, rao giảng Tin mừng, chữa lành mọi bệnh tật, trừ quỷ và cuối cùng chết trên thập giá để hoàn tất công cuộc cứu chuộc tội lỗi của loài người.

Công giáo là tên gọi xuất phát từ chữ Catholique, nghĩa là tôn giáo chung, tôn giáo phổ quát, phổ biến cho toàn thế giới. Công giáo tôn thờ Thiên Chúa Ba ngôi gồm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy là Ba ngôi vị riêng biệt, nhưng cùng một Thiên Chúa duy nhất đồng bản thể và uy quyền trong màu nhiệm Chúa Ba ngôi (Tam vị nhất thể).

Giáo lý Công giáo thể hiện tập trung trong Kinh thánh (Cựu ước và Tân ước). Hệ thống giáo lý này được hình thành, bổ sung trong nhiều thế kỷ.

Cựu ước là bộ dã sử và cũng là kinh thánh của đạo Do Thái, gồm 46 quyển, chia thành 3 loại: Sách lịch sử; sách văn thơ; sách tiên tri. Nội dung kinh Cựu ước nói về sự tạo dựng vũ trụ và con người của Chúa trời; về sự tích dân Do Thái, luật pháp, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa của Do Thái; về các Vua và dân Do Thái từ khi lập quốc đến tan rã.

Tân ước gồm 27 quyển, nội dung kể về cuộc đời, sự nghiệp, những lời răn dạy, chỉ bảo về đạo lý của Chúa Giêsu và các Thánh Tông đồ đối với con người. Kinh Tân ước chia làm 4 loại: Sách Tin mừng (hay còn gọi là Phúc âm); sách Công vụ; Thánh thư và sách Khải huyền, được ghi lại bởi các tác giả là Luca, Máccô, Mathêô và Gioan.

Kinh thánh hiện được dịch ra khoảng 750 ngôn ngữ khác nhau và là cuốn sách được xuất bản với số lượng nhiều nhất thế giới (gần 1 tỷ bản). Ngoài ra, Công giáo còn một số văn bản khác như các án văn của Giáo hoàng, nghị quyết của các Công đồng, về nguyên tắc có giá trị như giáo lý. Trong sinh hoạt, từ Cựu ước và Tân ước, Công giáo biên soạn thành hai loại kinh: Kinh nguyện và Kinh bổn để mọi tín đồ cầu nguyện.

Trong giáo lý của đạo Công giáo có 5 tín điều cơ bản sau: Thiên Chúa và sự sáng tạo thế giới của Thiên Chúa; Con người và sự sa ngã của con người; Chúa Giêsu và công cuộc cứu chuộc; Chúa Giêsu trở lại và sự phán xét cuối cùng; Thiên đường và địa ngục, thiên thần và ma quỷ.

Công giáo truyền vào Việt Nam chủ yếu do các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha từ những thập niên đầu của thế kỷ XVI và sau đó là các thừa sai Pháp, các giáo sĩ thuộc Hội Thừa sai Paris.

Ngọc Hà theo http://btgcp.gov.vn/