Công đoàn Việt Nam đại diện người lao động ở cấp quốc gia
Tham gia thảo luận tại tổ sáng nay, 21.5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, một số đại biểu nhất trí cao với quy định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động; đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn...
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Đình Khang (Ninh Thuận) tán thành sự cần thiết của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc sửa đổi này nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Đề án sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã.
Theo đại biểu, hiện, Công đoàn gồm 4 cấp: cấp Trung ương (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); cấp tỉnh, ngành trung ương (liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công đoàn ngành trung ương và tương đương); cấp trên trực tiếp cơ sở (liên đoàn lao động cấp huyện; công đoàn ngành địa phương; công đoàn các khu công nghiệp; công đoàn tổng công ty; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác) và cấp cơ sở.
Vì vậy, với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bắt buộc Công đoàn phải điều chỉnh hệ thống tổ chức. Theo dự thảo luật này, các cấp công đoàn được quy định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất bao gồm các cấp sau đây:
a) Cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
b) Công đoàn cấp trên cơ sở gồm liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp tỉnh); công đoàn ngành trung ương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn cấp trên cơ sở đặc thù do cấp có thẩm quyền cho phép thành lập phù hợp với tổ chức công đoàn.
c) Công đoàn cấp cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở."
Tuy nhiên, trong quy định của dự thảo luật không bao gồm các công đoàn khác tại xã, phường. Đối với cấp xã, phường, đại biểu cho biết đang đề xuất với Bộ Chính trị: ở những cấp xã, phường có đông doanh nghiệp, có thể sẽ cử cán bộ công đoàn chuyên trách cấp tỉnh xuống để theo dõi, thực hiện nhiệm vụ công đoàn và sẽ không hình thành cấp công đoàn.

Cũng tham gia góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ, đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) thống nhất cao việc việc sửa đổi Luật Công đoàn với nội dung: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động… đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn...”. Để bảo đảm thống nhất với dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Đại biểu cũng kiến nghị làm rõ tính chất “trực thuộc” của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam. Với nội dung này, cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp với dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.