Thay đổi sâu sắc cấu trúc việc làm
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là một lĩnh vực của khoa học máy tính nhằm thiết lập và phát triển các hệ thống máy tính có khả năng thực hiện các nhiệm vụ mà bình thường cần tới trí thông minh của con người. AI có khả năng học hỏi, phân tích dữ liệu, nhận dạng hình ảnh, giọng nói, giao tiếp tự nhiên và đưa ra quyết định…
Theo các chuyên gia, AI được phân loại gồm: AI hẹp, hay còn được gọi là AI yếu (Narrow AI-Weak AI), được thiết kế để thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể mà nó được lập trình hoặc huấn luyện để thực hiện; AI phổ quát (Artificial General Intelligence - AGI) là loại AI có khả năng tư duy, học hỏi tương tự như con người; có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp và có thể hiểu biết, học hỏi từ thông tin mới và tự định hình kiến thức của mình. Cuối cùng là siêu trí tuệ AI (Superintelligent AI), là loại AI vượt xa khả năng của con người trong mọi khía cạnh. Nó có thể hiểu và giải quyết các vấn đề rất phức tạp mà con người không thể hiểu và giải quyết được.
Trí tuệ nhân tạo, với khả năng học hỏi và phân tích dữ liệu, đang dần được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực từ y tế, giáo dục, giao thông, tài chính, nông nghiệp và sản xuất...Các dự báo cho thấy, AI cũng sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới trong tương lai, đặc biệt là trong các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn hóa và kỹ năng cao như phân tích dữ liệu, bảo mật mạng và phát triển phần mềm. Các công việc mới này có thể tạo ra cơ hội cho những người muốn học hỏi và phát triển kỹ năng mới, và có thể giúp giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.
Bên cạnh những cơ hội do AI mang lại, một số người lo ngại rằng sự phát triển của công nghệ này có thể dẫn đến việc mất việc làm đối với con người. Trong các lĩnh vực như sản xuất, logistics và dịch vụ, sự kết hợp giữa AI và robot đã dẫn đến việc tự động hóa nhiều công việc truyền thống của con người. Các hệ thống AI được lập trình để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể một cách chính xác và hiệu quả, giúp giảm thiểu sai sót và tăng năng suất. Ví dụ, trong ngành sản xuất ô tô, các robot có thể lắp ráp linh kiện với độ chính xác cao và tốc độ nhanh hơn nhiều so với con người. Trong lĩnh vực logistics, hệ thống AI có thể tối ưu hóa quy trình vận chuyển hàng hóa, từ việc lập kế hoạch định tuyến đến quản lý kho hàng.
Thêm vào đó, có một mối lo ngại rằng AI có thể tạo ra sự không cân bằng trong việc phân phối công việc và thu nhập. Các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp và làm công việc lặp đi lặp lại có nguy cơ cao bị thay thế bởi robot và hệ thống AI.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành toàn cầu của Công đoàn Công nghiệp và Sản xuất toàn cầu (IndustriALL) được tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (diễn ra từ ngày 20-22.11), các đại biểu và lãnh đạo Công đoàn đến từ khắp nơi trên thế giới đã cùng nhau phân tích các xu thế hiện nay những thuận lợi và thách thức của trí tuệ nhân tạo AI đối với người lao động và tổ chức Công đoàn. Qua đó, cho rằng AI dự kiến sẽ làm nhiều việc biến mất hơn là tạo ra trong tương lai gần; 23% công việc có thể thay đổi, dẫn đến giảm 14 triệu việc làm. AI còn tạo ra các vấn đề như xâm phạm quyền riêng tư, thành kiến và thiếu minh bạch..
Trang bị những kỹ năng phù hợp
Mặc dù mới xuất hiện, nhưng AI đang phát triển với tốc độ vũ bão và đã có mặt trong rất nhiều ngành nghề. Trên cơ sở nhận định và phân tích thấu đáo xu hướng, cùng với những thời cơ cũng như thách thức mà AI đem lại, tại hội nghị Công đoàn Công nghiệp và Sản xuất toàn cầu, các đại biểu đại diện cho tổ chức Công đoàn từ khắp nơi trên thế giới nhấn mạnh: Trong bối cảnh này, vai trò của tổ chức Công đoàn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nhằm bảo vệ quyền lợi, thúc đẩy phát triển của người lao động và bảo đảm thị trường lao động công bằng, nhân văn. Tổ chức Công đoàn cũng phải có những thích ứng và sáng tạo để vượt qua các thử thách mà kỷ nguyên AI đặt ra. Đồng thời người sử dụng lao động và Công đoàn được khuyến khích tham gia vào đối thoại cởi mở để xây dựng lòng tin và hợp tác, nhằm bảo đảm quá trình chuyển đổi công bằng trong kỷ nguyên AI.
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà tổ chức Công đoàn cần tập trung là đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động. Để duy trì sức cạnh tranh và vị trí việc làm, người lao động cần được trang bị những kỹ năng phù hợp. Công đoàn có thể đứng ra tổ chức các chương trình đào tạo liên tục nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho thành viên của mình. Những khóa học này không chỉ giới hạn ở việc làm quen với công nghệ mới như kỹ thuật lập trình, phân tích dữ liệu hay điều hành hệ thống tự động hóa, mà còn mở rộng ra các kỹ năng mềm thiết yếu như quản lý thời gian, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm trong môi trường số hóa…
Đồng tình với ý trên trên, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thuỳ Lan cho rằng: bên cạnh nội dung đào tạo, việc bảo đảm an toàn và bảo mật lao động trong bối cảnh AI cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Công đoàn. Sự hiện diện ngày càng nhiều của AI trong giám sát công việc và đánh giá năng suất có thể dẫn đến những lo ngại về quyền riêng tư và an toàn dữ liệu cá nhân. Công đoàn cần phải bảo đảm rằng việc áp dụng công nghệ không xâm phạm đến quyền lợi cơ bản của người lao động. Điều này bao gồm việc đàm phán với doanh nghiệp để xây dựng các quy định rõ ràng về quyền riêng tư, bảo đảm rằng dữ liệu cá nhân của người lao động được bảo vệ và sử dụng một cách minh bạch, hợp pháp.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ quyền lợi cá nhân, Công đoàn còn phải thúc đẩy đối thoại xã hội để định hình chính sách và khuôn khổ pháp lý liên quan đến AI. Điểm mấu chốt khác là bảo đảm phân chia lợi ích công bằng từ việc tăng năng suất và lợi nhuận do AI mang lại. Nếu AI giúp doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và hiệu quả, Công đoàn cần lên tiếng để đảm bảo người lao động cũng được hưởng những thành quả xứng đáng. Điều này có thể thực hiện thông qua các cuộc đàm phán về tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, hoặc thông qua một hệ thống chia sẻ lợi nhuận hợp lý như chia cổ phần cho người lao động. Những bước đi này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn tạo động lực để người lao động gắn bó hơn với công việc và doanh nghiệp.
“Ngành Dầu khí đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ dưới tác động của AI, và điều này đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội cho người lao động. AI có khả năng tự động hóa nhiều công việc tay chân và lặp lại, như kiểm tra thiết bị và giám sát quy trình, dẫn đến giảm nhu cầu lao động trong những vai trò này. Do đó, người lao động cần nâng cao kỹ năng và tìm kiếm các vị trí mới để thích nghi. Đồng thời, nhu cầu về các kỹ năng công nghệ như phân tích dữ liệu, lập trình và quản lý hệ thống tự động đang gia tăng. AI cũng có thể cải thiện an toàn lao động bằng cách giám sát và phát hiện sớm các nguy cơ, nhưng điều này đòi hỏi người lao động phải được đào tạo để sử dụng hiệu quả công nghệ mới. AI đang thay đổi cách thức quản lý và vận hành các dự án dầu khí, từ tối ưu hóa chuỗi cung ứng đến dự báo nhu cầu năng lượng, và người lao động cần thích nghi với các quy trình mới này. Mặc dù có những thách thức, AI cũng mở ra cơ hội mới cho người lao động trong ngành, đặc biệt là trong các vai trò phát triển, triển khai và quản lý hệ thống AI. Để đối phó với những thay đổi này, tổ chức và công đoàn cần chủ động hỗ trợ người lao động thông qua các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc linh hoạt và công bằng”, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan nhấn mạnh.
Được thành lập tháng 12.1991, với khoảng 10 công đoàn cơ sở và hơn 6.000 đoàn viên, sau 33 năm hình thành và phát triển, đến nay Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với 158 công đoàn cơ sở, 9 công đoàn cấp trên cơ sở, với gần 60.000 đoàn viên. Công đoàn Dầu khí Việt Nam không chỉ là một tổ chức công đoàn đoàn kết mà còn tiên phong trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới, sáng tạo và hội nhập khu vực, quốc tế.