Công diễn nhạc kịch “Không gia đình” mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi
Vở nhạc kịch “Không gia đình”, chuyển thể từ kiệt tác văn học cùng tên của nhà văn Pháp Hector Malot, sẽ được Nhà hát Tuổi trẻ công diễn tối 25/5 và phục vụ khán giả nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và mùa hè tới.
Không gia đình là tác phẩm nổi tiếng nhất của Hector Malot, lần đầu xuất bản năm 1878. Từ khi ra đời, tiểu thuyết nhanh chóng trở thành hiện tượng văn học tại Pháp và nổi danh toàn thế giới.
Vở nhạc kịch Không gia đình do biên kịch Bùi Hồng Quế chuyển thể, NSƯT Lê Ánh Tuyết đạo diễn; ê kíp sáng tạo chắt lọc những tinh túy từ nguyên tác, tái hiện bức tranh nghệ thuật sống động, đậm chất nhân văn; qua đó, đưa khán giả bước vào hành trình của Remi - cậu bé mồ côi bị cha nuôi bán cho một gánh xiếc rong do cụ Vitalis - một nghệ sĩ lang bạt giàu lòng nhân hậu làm chủ.

Trong quá trình lưu diễn khắp nơi, từ một đứa trẻ không nhà, không tên tuổi, Remi đã trải qua gian khổ, nghèo đói, mất mát để rồi dần trưởng thành, học cách kiếm sống, cuối cùng tìm được người thân đích thực. Dù bị cuốn vào hành trình đói rét, lạc lối và chia ly, Remi vẫn hát để sống và hy vọng, để yêu thương và hơn hết, để tìm về cội nguồn.
Tác phẩm dẫn dắt người xem qua khung cảnh mùa đông châu Âu buốt giá nhưng vẫn ấm áp tình người, hòa vào không khí tưng bừng của gánh xiếc cùng những người bạn bốn chân đáng yêu như chó Capi hay khỉ Joli-Ceur...

NSƯT Lê Ánh Tuyết, đạo diễn vở Không gia đình, là người có niềm say mê lớn với nghệ thuật nhạc kịch, đã khẳng định mình với những tác phẩm được đông đảo khán giả yêu mến trong thời gian qua như Trại hoa vàng (Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc năm 2021), Bầy chim thiên nga, Rồi tôi sẽ lớn, Giấc mơ của Bờm...
Chị chia sẻ, trong nhiều năm đã ấp ủ dàn dựng nhạc kịch Không gia đình, đưa tác phẩm đã truyền cảm hứng sống cho biết bao thế hệ độc giả nhỏ tuổi lên sân khấu Việt.
Vở nhạc kịch giữ đúng tinh thần của bản gốc là bản hùng ca về nghị lực sống, lòng nhân ái, tinh thần tự lập. Hành trình của Remi giúp mỗi người cảm nhận sâu sắc về khát khao được yêu thương, được thuộc về, ý nghĩa của hai chữ “gia đình” không chỉ là quan hệ huyết thống, mà còn là nơi trái tim ta được chở che.
Điểm nhấn của vở diễn là phần âm nhạc được làm mới từ những tác phẩm cổ điển, mang hơi thở hiện đại, gần gũi nhưng vẫn giữ chiều sâu cảm xúc; đó không đơn thuần là vở diễn mà còn là lời nhắn
nhủ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: “Dù cuộc đời có ra sao, chỉ cần
không bỏ cuộc, ta sẽ luôn tìm được ánh sáng”.
Ca từ tiếng Việt của vở nhạc kịch được thể hiện qua phần trình bày của dàn diễn viên: Nam Anh, Hoàng Sơn, Trung Thạch, Tôn Sơn, Chí Huy, Anh Thơ, Thu Nga, Phi Long, Thanh Nhàn, Minh Anh, Thành Công, Bảo Cương, Khánh Linh...

Sau đêm công diễn 25/5 tại Nhà hát Tuổi trẻ, số 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội, vở nhạc kịch sẽ có nhiều suất diễn đặc biệt nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6 và mùa hè 2025.
Bên cạnh đó, các vở diễn khác như Chú mèo dạy hải âu bay, Vị vua không ngai, Giấc mơ của Elsa, Zorba - Chú mèo thám tử, Đứa con của yêu tinh sẽ tiếp tục đến với khán giả nhỏ tuổi trong khuôn khổ các hoạt động trình diễn dành cho thiếu nhi của Nhà hát Tuổi trẻ với tên gọi Mùa hè yêu thương 2025.