Công cụ phái sinh có thể là con dao hai lưỡi

VŨ DŨNG thực hiện 07/10/2008 00:00

“Công cụ phái sinh thường được coi là biện pháp tránh rủi ro trong thị trường tài chính tiền tệ. Tuy nhiên, chính các công cụ phái sinh cũng có nguy cơ làm nảy sinh những rủi ro” - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ của Chính phủ Nguyễn Thị Mùi nhận định.

   

   PV: Cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra ở Mỹ được phân tích là do sự phát triển quá mạnh các công cụ phái sinh trong lĩnh vực bất động sản. Bà  nhận định thế nào về vấn đề này?

     

 Bà Nguyễn Thị Mùi: Đó là nhận định đúng. Cùng với rất nhiều nguyên nhân khác thì sự phát triển quá nóng của các công cụ phái sinh tiềm ẩn “sức công phá” lớn. Các loại cho vay bất động sản dưới chuẩn đã làm nảy sinh các công cụ chứng khoán hóa bất động sản. Các công cụ chứng khoán hóa nếu không được kiểm tra giám sát chặt chẽ trong quá trình lưu thông thì ngay lập tức sẽ bùng phát khi nền kinh tế có biểu hiện bất thường. 

      Công cụ phái sinh như con dao hai lưỡi. Một mặt, nó là công cụ phòng chống rủi ro để kiếm lời, nhưng đồng thời nó cũng lại làm nảy sinh rủi ro. Cuộc khủng hoảng tài chính lần này của Mỹ chính là do sự phát triển quá nóng của các công cụ phái sinh và trong đó có công cụ của thị trường bất động sản là chứng khoán hóa bất động sản. Khi công cụ quản lý các hàng hóa phái sinh không được quản lý chặt dễ dẫn đến rủi ro có hệ thống. 

      

PV: Theo nhận định thì ở Việt Nam chưa phát triển chứng khoán hóa bất động sản nên vẫn còn nằm trong vòng an toàn. Tuy nhiên cũng đã xuất hiện nhiều công cụ phái sinh khác và nhiều nguồn vốn cho vay đổ vào bất động sản. Theo đánh giá của Bà thì liệu đã xuất hiện yếu tố rủi ro?

     

 Bà Nguyễn Thị Mùi: Ở Việt Nam, các công cụ phái sinh đã có và đang được triển khai nhưng mới ở mức độ khởi đầu và ở mức độ nhất định đối với hợp đồng lãi suất, ngoại tệ, hợp đồng tương lai đối với một số loại hàng hóa. Còn đối với chứng khoán hóa bất động sản, đã có nhiều chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này, nhưng thực tế vẫn chưa chính thức được lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, cũng cần có phương án đề phòng vì các công cụ phái sinh là hàng hóa bậc cao của thị trường tiền tệ và chứng khoán, do vậy đi đôi với việc từng bước nghiên cứu để khai thác lợi ích của các công cụ phái sinh này trong phòng chống rủi ro cho ngân hàng và doanh nghiệp thì cũng phải tính đến việc chính những công cụ này cũng có nguy cơ làm nảy sinh rủi ro. Có thể cảnh giác bằng việc nâng cao những chính sách và biện pháp quản lý để tránh những nảy sinh rủi ro không đáng có.

      Kinh doanh bất động sản là loại đầu tư trung và dài hạn, độ rủi ro cao. Kinh nghiệm thế giới cho thấy chỉ những ngân hàng có năng lực tài chính tốt, bền vững và dư thừa vốn mới đầu tư vào bất động sản, vì thẩm định cho vay bất động sản không hề đơn giản, rất khó xác định được giá chuẩn nhất là theo tín hiệu thị trường. Đặc biệt, nếu cơ chế quản lý bất động sản chưa bảo đảm chặt chẽ và minh bạch thì rất dễ bị đầu cơ, lũng đoạn thị trường, như vậy việc thẩm định giá sẽ không thể chính xác. Hơn nữa, không phải cứ khi có nhu cầu bán để trả nợ ngân hàng là có thể bán được ngay với giá cao. Đây chính là điểm gây rủi ro cho hệ thống tài chính. 

      

PV: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phát triển công cụ phái sinh ví dụ như chứng khoán hóa bất động sản ở Mỹ có liên quan đến hàng loạt thị trường tài chính khác trên thế giới. Điều này có nghĩa là rủi ro từ chứng khoán hóa ở thị trường Mỹ lan tỏa ra khắp các thị trường?

    

  Bà Nguyễn Thị Mùi: Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa phái sinh hay dịch vụ do một tổ chức tài chính của bất kỳ một quốc gia nào phát hành cũng đều có thể lưu thông toàn cầu, nhất là khi hàng hóa phái sinh phát triển như hiện nay. Do vậy, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ sẽ có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng dây chuyền cho các nước khác. Nguy cơ này sẽ lớn tương đương với mức độ chi phối của nền kinh tế Mỹ với kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, động thái của chính phủ Mỹ thể hiện rất rõ trong việc cứu ngân hàng nào, không cứu ngân hàng nào. Và trong cuộc khủng hoảng này các ngân hàng thương mại đã được cứu cánh chứ không phải là các ngân hàng đầu tư vào bất động sản.

      

PV: Theo Bà, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ lần này có những khác biệt gì so với cuộc khủng hoảng của châu Á năm 1997? 

      

Bà Nguyễn Thị Mùi: Mọi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ luôn để lại hậu quả nặng nề. Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ lần này có nhiều khác biệt về nguyên nhân, mức độ, hậu quả tác động đến nền kinh tế, do vậy cần có đánh giá đúng mức để có biện pháp khắc phục kịp thời. Đơn cử như cuộc khủng hoảng năm 1929 – 1933, hay khủng hoảng những năm 70 – 80, thì đi đôi với gói giải pháp của chính phủ không cần một lượng tiền lớn như trong cuộc khủng hoảng hiện nay cũng đủ khắc phục được hậu quả. Trong khi đó, những nguyên nhân làm nảy sinh cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Mỹ lần này rất phức tạp, đòi hỏi xử lý cùng lúc nhiều vấn đề nên chỉ gói giải pháp của chính phủ Mỹ thôi chưa đủ mà còn phải kèm theo cả một đạo luật với số tiền khổng lồ lên tới 700 tỷ USD. Dự báo, phải với số tiền lớn như vậy mới có thể giúp nền kinh tế tránh khỏi tình trạng trì trệ, thất nghiệp gia tăng...

      

PV: Và bài học rút ra cho Việt Nam từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ lần này là gì, thưa Bà?

    

  Bà Nguyễn Thị Mùi: Thứ nhất, bất kỳ quốc gia nào thì cũng cần có một hệ thống tài chính đủ mạnh. Hệ thống tài chính mà yếu kém thì cho dù đó là một nước rất phát triển cũng sẽ bị “rung chuyển” mỗi khi có khủng hoảng. Thứ hai, cần nhìn nhận đánh giá đúng nguyên nhân khi hệ thống tài chính nảy sinh “sự cố”, để từ đó đưa ra các gói giải pháp đồng bộ, phù hợp cho tất cả các mảng thị trường, tập trung đánh trúng điểm nảy sinh. Thứ ba, trong mọi trường hợp, với mọi nguyên nhân, bài học Việt Nam cần lưu tâm chính là tâm lý các nhà đầu tư, tâm lý các ngân hàng, tâm lý người dân. Sự hoảng loạn đôi khi lại chính là tác nhân đẩy tình trạng khủng hoảng sụt sâu ngoài sức tưởng tượng. 

     

 PV:

Xin cám ơn Bà!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Công cụ phái sinh có thể là con dao hai lưỡi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO