Không nên hình sự hóa hành vi lũng đoạn thị trường bất động sản
Liên quan đến đấu giá đất, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) chất vấn: Cử tri nêu việc đấu giá đất ở nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm, có hiện tượng nhà đầu tư đấu giá trên trời rồi bỏ cọc, kết quả giá đấu giá cao hơn nhiều so với khởi điểm, như tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP, Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Việc này làm nhiễu loạn thị trường, sốt đất ảo, tạo mặt bằng giá đất mới, khiến công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, gây bất ổn an ninh xã hội. Trước hiện tượng này, đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Về vấn đề được đại biểu Quốc hội đưa ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hoạt động đấu giá đất thời gian vừa qua không chỉ nổi lên hiện tượng thổi giá mà còn có dìm giá; "quân xanh quân đỏ" rất bức xúc. Đẩy giá làm biến động thị trường bất động sản, thất thoát tài sản của Nhà nước, tạo giá ảo và rút ruột tiền ngân hàng nếu tiền đó là đặt cọc. Giá đất bị đẩy lên cao, xa giá trị thật sẽ khiến dẫn tới nhiều hệ lụy. "Trong nền kinh tế, đất đai là đầu vào mọi dự án đầu tư mà bị đẩy giá lên cao thì sẽ không hiệu quả. Đây là điều không mong muốn. Chúng ta mong muốn giá tốt, mang hiệu quả xã hội trên đất đai, chứ không phải có đủ đất để bán, để tiêu dùng", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định.
Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng, làm biến động thị trường, thất thoát tài sản nhà nước; tạo mặt bằng giá đất mới, gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế. "Đằng sau việc thổi giá đất còn có nhiều hệ lụy là giá đất đấu giá cao có thể là ảo, nhưng lại dùng để thế chấp vay tiền ngân hàng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia và nhiều vấn đề khác", ông Trần Hồng Hà nói.
Khẳng định đã nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này, Bộ trưởng cũng cho biết một số nguyên nhân của tình trạng được đại biểu Quốc hội đưa ra. Cụ thể, thứ nhất là việc đấu giá đất đang được điều chỉnh bởi Luật Đấu giá, Luật Đất đai, các quy định về thuế, tài chính. Vì có nhiều luật điều chỉnh nên quy định thiếu cụ thể, kể cả trình tự, phương thức, trong khi đất đai là một tài nguyên có giá trị đặc biệt, không giống với các vật thể giá trị khác. Vì vậy, theo Bộ trưởng, phải có quy định về phương thức, trình tự đấu giá với tài sản đất đai chặt chẽ hơn so với hiện nay.
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện Luật Đất đai có quy định về điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu giá đất, nhưng chưa quy định cụ thể về năng lực, trách nhiệm, việc chấp hành kỷ cương, pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, tiền đặt cọc, như thế nào là giá bình thường, không bình thường… Ông Trần Hồng Hà cho rằng, phải có chế tài mạnh mẽ hơn, nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá xong rồi bỏ cọc thì phải bị xử lý, để lần sau họ không tham gia được, vì như vậy mới đủ sức răn đe. Đối với tình trạng "quân xanh, quân đỏ", Bộ trưởng cho rằng, cần nghiên cứu trong Luật Đất đai để quy định cụ thể điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tiếp, trực tuyến; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ quan công quyền và doanh nghiệp lợi dụng hoạt động đấu giá.
Cũng về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhấn mạnh, dấu hiệu của bong bóng bất động sản đang làm rung lắc thị trường và hiện tượng trốn thuế trong thực hiện giao dịch bất động sản đang đòi hỏi phải có giải pháp chấn chỉnh nhanh chóng. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng đề nghị, Bộ trưởng có quan điểm như thế nào với đề xuất nên hình sự hóa hành vi lũng đoạn thị trường bất động sản?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, với đấu giá đất, có cả hiện tượng dìm giá và dìm giá cũng nguy hiểm như đẩy giá. Đẩy giá làm biến động thị trường, tạo ra giá ảo và làm cho chỉ số đầu vào kinh tế tăng cao, không hiệu quả. Đẩy giá có thể rút ruột tiền của ngân hàng nếu như tài sản đó là đặt cọc với một giá không thật. Đất đai đang là đầu vào của mọi dự án đầu tư mà đẩy giá lên cao sẽ không còn hiệu quả, “là điều chúng ta không mong muốn”.
Để khắc phục các hiện tượng bất cập nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, sửa đổi, bổ sung để đưa quy trình đấu giá chặt chẽ hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Hơn nữa, cần tiến hành bảo vệ những người tham gia đấu giá, vì hiện nay có chuyện gây sức ép, đe dọa và các nơi đấu giá hết sức lộn xộn mất trật tự, có cả chuyện vướng mắc giữa người tham gia với người quản lý đấu giá.
Bên cạnh giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra như lâu nay đã áp dụng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, cần đề xuất thêm chế tài mạnh mẽ hơn cả về chế tài hình sự lẫn kinh tế. Song, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, chế tài về kinh tế quan trọng hơn, phải làm thế nào để thấy rằng nếu có động tác này, động tác kia thì sẽ không còn hiệu quả kinh tế. Làm sao để minh bạch nguồn tiền sử dụng để đấu giá đất khiến đẩy giá đất lên cũng là một vấn đề cần đặt ra. Việc thẩm định phải đi trước một bước, thời gian thẩm định hồ sơ đất chỉ 15 ngày thì không ổn. Khâu thẩm định cũng phải làm rất căn cơ, tức là thông qua ngân hàng, thông qua các hồ sơ đất đai, thông qua lý lịch của các nhà đấu giá.
Thừa nhận hiện tượng thổi giá, đầu cơ đất đai rõ ràng là có thật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, người dân và doanh nghiệp đã gửi tài sản của mình vào đất và khi đất lên giá phi mã ai cũng nghĩ là thành công. Nhưng, theo Bộ trưởng, khi đầu tư toàn bộ tài sản của người dân vào đất đai là hiện tượng không nên, rất không tốt với nền kinh tế. Do vậy, Nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề thổi giá; đưa ra chính sách phải kiểm soát được tính khả thi của các dự án đầu tư, xác định lộ trình tiến hành các dự án để phục vụ cho phát triển kinh tế. Phải phân biệt các phân khúc về thị trường, phải lấy nhu cầu của bất động sản nhà ở làm cơ sở để quyết định đầu tư phát triển đô thị và bất động sản chứ không phải mục tiêu thu được tiền trong nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia. Nói cách khác, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, phải đảm bảo tính toán cân bằng cung - cầu của thị trường về bất động sản để chấn chỉnh hiện tượng đẩy giá.
Bộ trưởng cũng cho rằng, không thể hình sự hóa hành vi này, vì đây là hành vi do cá nhân lợi dụng sơ hở pháp luật để thực hiện. Muốn hình sự được, phải bổ sung chế tài pháp luật để xem xét cụ thể hành vi nào là lợi dụng, cố tình lũng đoạn thị trường, khi có đủ điều kiện xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, "quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không nên hình sự hóa, chỉ cần sử dụng công cụ kinh tế là thừa sức chấn chỉnh".
Làm gì để tránh "vết xe đổ" Thủ Thiêm?
Tranh luận với Bộ trưởng, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu giải pháp xử lý dứt điểm việc phát triển đô thị không theo quy hoạch (đô thị tự phát), làm ảnh hưởng đến kết nối hạ tầng và an ninh trật tự. ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) tranh luận về đấu giá ở khu đô thị Thủ Thiêm. "Có hiện tượng thổi giá để nâng giá trị cổ phiếu, đánh võng giá trị tài sản để vay ngân hàng không? Thực trạng sốt đất hiện nay là sốt ảo hay thật, và vi phạm thì có xử lý hình sự không?".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm Chính phủ đang giao cơ quan có trách nhiệm điều tra. Phương án mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là người đấu giá xong phải trả tiền ngay trong 10 ngày, thay vì 90 ngày như trước đây, để cá nhân, tổ chức đấu giá thắng không đủ thời gian để trục lợi. Tiền đặt trước, đặt cọc hiện chỉ 5-10%, Bộ cũng sẽ xem xét tăng lên, đơn vị đấu giá phải chứng minh tài chính thông qua thẩm định của cơ quan có trách nhiệm...
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đặt vấn đề xác định giá khởi điểm đấu giá đất bất cập, có hiện tượng trục lợi. Giải pháp nào để xử lý vấn đề này? Gửi câu hỏi tới Bộ Tư pháp, ông cho rằng, quy định tiền đặt cọc tham gia đấu giá trong luật đấu giá tài sản, chỉ 20% là thấp. Chưa có chế tài nếu doanh nghiệp bỏ cọc. Thời gian nộp tiền đấu giá khá dài, khác nhau dẫn tới chuyện doanh nghiệp bỏ cọc. Bộ trưởng bình luận gì?
ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) chất vấn về thực trạng đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua cho thấy có sự đầu cơ, găm hàng, trục lợi, dẫn đến sau đấu giá có nhiều khu đất bỏ hoang; đấu giá xong bỏ cọc. Cử tri cho rằng cần xác định giá khởi điểm đấu giá đất và quy định chặt chẽ hơn về năng lực tài chính của người tham gia; chế tài mạnh mẽ với người đấu giá xong đất thì bỏ. Bộ có giải pháp như thế nào?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nếu nói về chính sách thì cần ngồi lại nghiên cứu, làm thế nào để quy định điều kiện, có thêm chế tài, tiền đặt cọc đúng, bổ sung thời gian thẩm tra, kiểm tra doanh nghiệp tiền có thật hay không... Vấn đề liên quan đến đấu giá, dìm giá, tạo ra thế lực ngầm trong vấn đề đấu giá đất thì cần có các lực lượng tham gia, trong đó có lực lượng công an.
Để khắc phục hạn chế này, Bộ trưởng cho rằng, cần tăng cường năng lực các tổ chức đấu giá, và quan trọng hơn là hoàn thiện phương pháp định giá, đấu giá. "Đất đai là tài nguyên đặc biệt, nhưng lại được quy định bởi 4-5 luật, thì sẽ theo luật nào? Vấn đề quan trọng như đất đai phải có quy định đồng bộ trong một bộ luật, bởi đất đai là kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.