Công bằng xã hội, nhìn từ mô hình tăng trưởng kinh tế

Bình Nguyên 02/09/2010 00:00

Sau gần 25 năm thực hiện chủ trương của Đảng về kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể: tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục tăng; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo; chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục tăng... Song, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội đang có xu hướng doãng rộng trong thời gian gần đây khiến một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, việc thực hiện mục tiêu kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hệ số chênh lệch về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất năm 1992 là 5,6 lần nhưng đến năm 2006 đã tăng lên 8,4 lần. Mặc dù hệ số này không quá lớn so với các nước trong khu vực nhưng lại đang có xu hướng tăng lên khiến khoảng cách giàu nghèo có nguy cơ ngày càng doãng rộng. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này có nguyên nhân sâu xa từ mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, tăng trưởng dựa vào vốn. Yếu tố năng suất tổng hợp còn hạn chế, nguồn lao động dồi dào chưa được khai thác triệt để. Trong khi đó, việc phân bổ nguồn lực lại chưa gắn với mô hình tăng trưởng, mới chỉ chú trọng đầu tư vào những ngành và dự án sử dụng nhiều vốn, ít sử dụng lao động cho các vùng kinh tế trọng điểm. Điều này mặc dù tạo ra tốc độ tăng trưởng cao nhưng lại ít tạo ra việc làm mới nên chỉ một bộ phận dân cư có được thu nhập mới còn phần đông dân cư hầu như ít nhận được thu nhập từ tăng trưởng khiến mức độ chênh lệch về khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng nông thôn và thành thị ngày càng tăng. Bên cạnh đó, theo mô hình kinh tế hiện nay, kết quả tăng trưởng còn được phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh nên trong quá trình tăng trưởng, những người may mắn được làm việc trong khu vực thuận lợi như lĩnh vực dầu khí, than, điện lực, thông tin, ngân hàng, bảo hiểm, xuất khẩu thì có thu nhập cao. Bộ phận dân cư còn lại, nhất là dân cư ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa chỉ có điều kiện tiếp cận các nguồn lực hạn chế nên mức thu nhập thấp và cũng ít được hưởng lợi từ kết quả tăng trưởng.

Theo một chuyên gia, mô hình tăng trưởng hiện nay đang làm cho nền kinh tế bị nóng dần lên, tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục bị đẩy lên cao nhưng hiệu quả đầu tư lại thấp. Chỉ tính riêng năm 2009, tổng mức đầu tư toàn xã hội đã lên tới hơn 40%. Mặt tích cực là đã góp phần khơi thông một số điểm nghẽn phát triển về hạ tầng cơ sở để mở đường cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng, quy mô tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng cũng đã làm phát sinh những yếu tố không tích cực và tiềm ẩn nguy cơ bất bình đẳng gia tăng trong thời gian tới như: thiếu cân đối trong sử dụng vốn đầu tư; đầu tư quá mức vào hình thành vốn vật chất nhưng lại chậm và thiếu đầu tư vào vốn con người và tiến bộ công nghệ... Đặc biệt, việc thu hút và triển khai ồ ạt các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn ở các địa phương đã dẫn đến việc phải thu hồi một  diện tích đất nông nghiệp khá lớn. Nông dân bị mất đất sản xuất, nhưng việc chuyển đổi nghề nghiệp lại chưa được bảo đảm một cách chắc chắn dẫn đến nguy cơ tái đói nghèo gia tăng trong một bộ phận dân cư nông nghiệp. Trong khi đó, cơ cấu đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế và có xu hướng giảm dần. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp trong tổng đầu tư toàn xã hội năm 2000 chỉ chiếm 14% và giảm xuống còn 7,5% năm 2005, còn 6,4% năm 2008. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khu vực này khó có bước phát triển mang tính đột phá sau hơn 20 năm đổi mới. Đa phần nông dân vẫn là những người nghèo... Và tất nhiên, nông dân vẫn khó có thể đạt được sự công bằng về thu nhập, về mức sống so với các cư dân thành thị.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần bắt đầu từ việc điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, mô hình tăng trưởng nhanh đạt tới mục tiêu công bằng xã hội cần giải quyết tốt các mối quan hệ giữa định hướng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu; giữa kinh tế nhà nước nước và kinh tế ngoài nhà nước, giữa phát triển công nghiệp và dịch vụ với phát triển nông nghiệp; giữa công nghệ sử dụng nhiều vốn với công nghệ sử dụng nhiều lao động, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở tiến bộ khoa học và công nghệ. Việc điều chỉnh mô hình tăng trưởng cần được tiến hành một cách đồng bộ từ đổi mới tư duy, thống nhất quan điểm đến hành động kiên quyết trong việc cụ thể hóa cơ chế chính sách, nhất là trong cơ chế phân bổ nguồn lực.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng mới cần chú trọng đến sự đóng góp của khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong đó, tăng cường đầu tư nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn và thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn được xem là giải pháp hữu hiệu để đạt hai mục đích: tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Các chính sách về giao đất cho nông dân sản xuất, tự do hóa thương mại và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, ứng dụng công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo cần được thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.  Cần có chính sách chuyển đổi mạnh mô hình sản xuất nông nghiệp từ chú trọng đất đai và lao động, năng suất và hiệu quả thấp sang mô hình sản xuất dựa trên nguyên tắc tập trung ruộng đất, áp dụng phổ biến các hình thức trang trại, các tổ hợp tác để tiến hành cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Từ đó nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho 70% dân số đang sinh sống ở khu vực nông thôn.

Một số ý kiến cũng cho rằng, cần nâng cao chất lượng quy hoạch và kế hoạch nhằm phân bổ hợp lý mức đầu tư cho các vùng lãnh thổ khác nhau theo nguyên tắc thị trường. Kiên quyết chống tư tưởng bảo thủ, níu kéo cơ chế xin - cho hoặc độc quyền nhà nước trong phân bổ nguồn lực. Cần thiết phải dành mức đầu tư cao hơn cho các vùng kinh tế động lực nhằm tạo ra các cực tăng trưởng kéo nền kinh tế đi lên song cần đầu tư thích đáng cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nhằm giảm dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng. Đồng thời, cần có quy định về trách nhiệm hỗ trợ từ các ngành và vùng có lợi thế cho các vùng bất lợi trên nhiều phương diện và được thực hiện bằng các định chế cụ thể. Mặt khác, để ngăn chặn các tác động xấu của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đến việc thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, cần giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giữa phát triển công nghiệp với phát triển nông nghiệp, giữa phát triển cơ sở hạ tầng với phát triển sản xuất kinh doanh. Cần sớm rà soát, phân tích để chọn lọc cả về quy mô vốn, ngành, lĩnh vực và địa bàn đầu tư, thị trường tiêu thụ, trình độ kỹ thuật và công nghệ, tác động đến môi trường trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Không vì chạy theo số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư mà đánh đổi đất nông nghiệp và sự xuống cấp nhanh chóng của môi trường. Trong xét duyệt và cấp giấy phép đầu tư các dự án, không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế đơn thuần mà phải xem xét một cách toàn diện hiệu quả KT-XH, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc làm, thu nhập và những tác động đến đời sống của người dân...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Công bằng xã hội, nhìn từ mô hình tăng trưởng kinh tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO