Còn xa thực tế

Minh Hiếu thực hiện 16/10/2015 08:26

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu (LTT) năm 2016 là 12,4%, với tỷ lệ phiếu đồng thuận đạt tới 90%. Tuy nhiên, sau đó một tháng, một số hiệp hội doanh nghiệp và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã gửi công văn tới Thủ tướng đề nghị những mức tăng LTT mới, rất khác xa nhau. Tại sao lại như vậy và làm thế nào để cân bằng lợi ích giữa các bên? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam MAI ĐỨC CHÍNH và Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI PHÙNG QUANG HUY về nội dung này.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam MAI ĐỨC CHÍNH: 4 lý do để tăng lương tối thiểu vùng lên 14,4%

- Thưa ông, đại diện người lao động (NLĐ) là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong ba bên tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Vậy tại sao đến bây giờ Tổng Liên đoàn lại không đồng tình với mức chốt của Hội đồng?

- Dù Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thông qua phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4% nhưng thật sự chúng tôi chưa thỏa mãn với mức điều chỉnh đó. Mặt khác, những ngày vừa qua chúng tôi được biết Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI); Hiệp hội Dệt May Việt Nam (cũng là thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia) và một số hiệp hội khác đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 với mức 6 - 7%, vì vậy chúng tôi cũng phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của NLĐ.

- Trong công văn trình Thủ tướng đề nghị tăng mức LTT năm 2016, lập luận của TLĐLĐ Việt Nam về đề xuất này như thế nào, thưa ông?

- Ngày 5.10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tăng mức lương tối thiểu vùng lên 14,4%, bằng tỷ lệ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2015. Có 4 căn cứ để chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét.

Trước hết, tình hình kinh tế 9 tháng năm 2015 đã khởi sắc, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng cao, GDP đạt 6,5%. Dự báo kinh tế - xã hội 2016 có nhiều triển vọng và thuận lợi hơn năm 2015, mức tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,8%. Năm 2016 tình hình kinh tế - xã hội và doanh nghiệp khởi sắc hơn, không lẽ mức điều chỉnh lại thấp hơn năm 2015 là hoàn toàn không hợp lý.

Thứ hai, chúng ta phải thực hiện đúng Điều 91 Bộ luật Lao động quy định Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2016 lên 14,4% nhằm thực hiện nghiêm túc quy định đó và lộ trình đến 2017 tiền lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu và cũng là bước chuẩn bị cho việc thực hiện Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội vào năm 2018.

Thứ ba, đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam, 19,9% NLĐ cho biết tiền lương hiện nay không đủ sống; 72% NLĐ cho biết phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm mới đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ 8% NLĐ có tích lũy.

Thứ tư, theo tính toán của chúng tôi, các doanh nghiệp hoàn toàn có đủ khả năng để chi trả lương cho người lao động theo mức chúng tôi đề xuất. Qua báo cáo của các cơ quan thuế cho biết, chi phí tiền lương hợp lý để xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì tiền lương thực chi cho người lao động đã cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu.

- Phía chủ sở hữu lao động cho rằng năng suất lao động của nước ta còn thấp, nên mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu cũng phải thấp tương ứng, chứ không thể tăng như vậy?

- Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng ý kiến trên chưa đầy đủ, vì năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, quản trị doanh nghiệp và nâng cao trình độ kỹ năng, tay nghề cho NLĐ có tính chất quyết định. Thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp không đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị; sử dụng công nghệ lạc hậu... Tuy nhiên, một khi tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu thì rất khó có thể yêu cầu người lao động làm việc với năng suất cao và chất lượng tốt.

Vì vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu 2016 thấp nhất là 14,4% tương đương mức tăng năm 2015.

Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI PHÙNG QUANG HUY: Mới giải quyết phần ngọn

Còn xa thực tế ảnh 2- Thưa ông, với sự đồng thuận lựa chọn mức tăng lương tối thiểu lên đến 90% trong HĐTLQG, tại sao đến giờ lại xuất hiện những đề nghị thay đổi mức tăng này từ các hiệp hội doanh nghiệp, TLĐLĐ? VCCI có đứng sau các đề nghị này không?

- Thực ra các lý do nêu ra trong những đề nghị đó đều đã được thảo luận, bàn bạc trong các phiên họp của HĐTLQG. Vì thế tôi cho rằng cách làm hiện nay của HĐTLQG chỉ mới giải quyết được phần ngọn chứ chưa giải quyết được triệt để phần gốc chuyện LTT.

Quan điểm của chúng tôi về mức tăng LTT là phải theo đúng nguyên tắc, tức là tuân thủ quyết định của Hội đồng Tiền lương. Do đó, không nên quá tập trung vào phát biểu mang tính cá nhân hoặc một số ngành nhất định, điều đó không cần thiết. Quy tắc cũng như định chế, nội quy hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia rất rõ ràng. Năm 2016, VCCI sẽ đề nghị một cơ chế mới, cách hiệp thương giữa các bên để giải quyết tận gốc vấn đề tiền lương tối thiểu, không để chuyện này tái diễn.

- Ông muốn nói là cách tiến hành hiệp thương giữa giới chủ với người lao động chưa ổn lắm? Cần hiệp thương tạm ổn rồi mới đưa ra cho “trọng tài” là Chính phủ cùng bàn bạc đi đến thống nhất, đúng vậy không thưa ông?

- Đúng là phải tiến hành quá trình hiệp thương chặt chẽ hơn và Nhà nước nên thông báo về quy định tính đại diện của các bên. VCCI là đại diện cộng đồng doanh nghiệp thì các hiệp hội trong suốt 9 tháng đầu năm phải cùng với VCCI tổ chức các khảo sát, hội nghị và thống nhất quan điểm. Sau khi đã nghiên cứu, tranh luận, thương lượng, đối thoại qua nhiều vòng đàm phán, phải thống nhất trong nội bộ, đưa ra một con số để tiến hành đàm phán trong HĐTLQG.

Tương tự đối với công đoàn cũng vậy, khi Tổng Liên đoàn đã là người phát ngôn, thì các tổ chức khác, đơn vị khác cũng không nên có ý kiến trái chiều. Các ý kiến trái chiều chỉ có trong quá trình thảo luận, hiệp thương và thương lượng nội bộ. Còn khi có kết luận rồi thì nên có một tiếng nói thống nhất. Chúng ta hiện chưa đạt được điều này và sẽ phải xây dựng văn hóa đó trong tương lai.

- Nghĩa là VCCI vẫn ủng hộ sự lựa chọn của HĐTLQG? Còn cách làm để giải quyết tận gốc các ý kiến trái nhau, tạo sự đồng thuận cao là như thế nào, thưa ông?

- Quan điểm của chúng tôi về mức tăng LTT đã nói ở trên là phải theo quyết định của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Còn cách làm từ gốc, theo VCCI, là các bên phải ngồi với nhau, thống nhất phương pháp ngay từ đầu, đưa ra một nguyên tắc để khảo sát và các bên phải cùng nhau tiến hành khảo sát trong bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, thời gian kéo dài từ 3 - 6 tháng. Sau đó, các bên đưa ra kết quả khảo sát, kết luận và khuyến nghị. Khuyến nghị đó sẽ phản ánh nguyện vọng của các bên và có thống nhất. Hiện nay, chúng ta mới chỉ thảo luận ở phần ngọn, không cùng nhau nghiên cứu khảo sát và đưa ra tiêu chí để khảo sát, tiêu chí đánh giá ngay từ đầu. Từ đầu năm 2016, các bên sẽ phải cử chuyên gia tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia và có phiên họp thống nhất khảo sát. Kết luận của Hội đồng Tiền lương Quốc gia là kết luận chính thức cho các bên.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Còn xa thực tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO