Sợ thi trượt, phụ huynh chủ động "phân luồng" cho con
Có con năm nay thi vào lớp 10, phụ huynh Nguyễn Minh Châu (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, giờ mới thật sự thấm thía nỗi ám ảnh: ăn - ngủ - học bài cùng con. Để chọn trường phù hợp với con, chị phải cân nhắc kỹ từng trường, dựa vào điểm chuẩn các năm trước và tư vấn của giáo viên.
"Kỳ thi THPT năm nay tỷ lệ chọi cao, áp lực còn hơn cả thi đại học. Phụ huynh nào giờ cũng như đang "ngồi trên đống lửa". Con đăng ký thi trường THCS Việt Đức, nhưng tôi nhận thấy nguyện vọng này khá xa vời, quá sức với năng lực của con. Nhiều lần khuyên con đổi nguyện vọng nhưng không thành, bởi con khẳng định đó là mục tiêu riêng và sẽ cố gắng hết sức", chị Châu cho biết.
Theo chị Châu, nếu không đỗ vào các trường THPT công lập, học sinh vẫn còn nhiều lựa chọn khác từ trường ngoài công lập, đến các trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường nghề. Tuy vậy, trường công lập vẫn là lựa chọn tốt nhất, về cả chi phí lẫn chất lượng.
"Nhiều gia đình lựa chọn phương án an toàn bằng cách đăng ký cho con vào THPT dân lập. Nhưng tôi không đăng ký, bởi không muốn tạo cho con tâm lý ỷ lại mà phải cố gắng đạt được mục tiêu đề ra", chị Châu chia sẻ thêm.
Tương tự như phụ huynh Minh Châu, chị Mỹ Thương (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng con gái đã thống nhất ưu tiên đặt nguyện vọng một ở một trường công lập, tuy cách nhà đến hơn 10km. Sở dĩ có quyết định này bởi trường học khá phù hợp với năng lực của con. Gia đình không muốn tạo áp lực hay sức ép thi cử để ảnh hưởng đến cảm xúc con trẻ.
"Tôi thấy kỳ thi THPT bây giờ như đã trở thành một "cuộc đua" may rủi với tỷ lệ chọi cao hơn, đề thi khó hơn. Dù con học tốt nhưng chỉ cần thiếu tỉnh táo và may mắn vẫn có thể rớt nguyện vọng. Nếu gia đình đặt kỳ vọng quá cao, muốn con đỗ vào trường cấp 3 danh tiếng có thể vô tình tạo khủng hoảng cho trẻ", chị Thương nhìn nhận.
Tuy vậy, chị Thương vẫn ưu tiên trường công lập, bởi đây là môi trường tốt và đáp ứng được điều kiện kinh tế của gia đình. Có nhiều trường dân lập tốt, nhưng lại tốn kém hơn so với các trường công lập. Đặc biệt, ngoài chương trình học chính, con còn phải học thêm phụ đạo và ngoại khóa. Nếu bố mẹ không có thu nhập tốt sẽ khá áp lực.
Bên cạnh nhóm ưu tiên trường công lập, cũng không ít phụ huynh chủ động nộp hồ sơ trường dân lập hoặc trường nghề cho con. Chị Lê Thị Mai (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tâm lý không quá nặng nề trong việc con thi cử. Bởi chị xác định, con không thi vào trường công thì vào trường tư thục hoặc học nghề.
"Tôi định hướng con học xong cấp 3 sẽ học tiếng để đi nước ngoài. Do đó, học trường nghề sẽ tiết kiệm được kha khá chi phí. Nhiều gia đình xác định cho con học trường tư từ cấp 1, cấp 2 thì không áp lực khi con thi cử vào cấp 3", chị Mai nói.
Đồng tình với phụ huynh Lê Thị Mai, anh Quang Chính (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã xác định xin cho con vào một trường dân lập. Anh đánh giá năng lực học của con chỉ tầm trung bình, khó để "đọ" được với các bạn thí sinh khác. Tuy vậy, anh vẫn để con đăng ký thi tuyển sinh vào lớp 10, với tâm lý thi để biết sức mình, "vào thì tốt, mà không vào cũng chẳng sao".
Theo anh Chính, trẻ nhỏ ở độ tuổi hiện tại chỉ cần một môi trường học tập tốt, chưa phải áp lực xác định ngành nghề tương lai như lớp 12. Hiện nay cũng có nhiều con đường để lựa chọn nên gia đình không quá tạo áp lực cho con. Miễn con cảm thấy thoải mái sẽ phát huy hết khả năng.
Nhiều phụ huynh dù biết con học lực không tốt nhưng vì tham dự kỳ thi lớp 10 là quyền lợi và cũng là dịp thử sức, tăng cơ hội nên gia đình thống nhất nộp hồ sơ dự tuyển cho con. Mặt khác, họ cũng lập hồ sơ dự phòng cho con vào một trường tư để làm tấm vé an toàn.
Chọn trường phù hợp chứ không phải trường tốt nhất
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Hiệu trưởng Trường TH, THCS & THPT FPT Bắc Giang Đinh Đức Hiền cho biết, thực tế, tỉ lệ chọi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn cao, đặc biệt là ở 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nguyên nhân đến từ áp lực dân số lớn, số lượng trường công lập không đủ đáp ứng, thêm nữa sự lựa chọn của phụ huynh và học sinh góp phần không nhỏ làm tăng áp lực.
Áp lực vào lớp 10 còn lớn hơn vào Đại học, bởi lẽ học sinh không có nhiều sự lựa chọn. Chính vì thế mà phụ huynh, học sinh phải tìm giải pháp tối ưu, chắc suất vào lớp 10 dẫn đến chỉ tiêu vào một số trường điểm có phần giảm. Một tín hiệu đáng mừng là phụ huynh và học sinh không mạo hiểm đánh cược, không kỳ vọng quá lớn so với sức học của học sinh, phần nào đó giảm áp lực cho gia đình và chính học sinh.
Cũng theo thầy Đinh Đức Hiền, phụ huynh và học sinh có quyền được lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp, giảm áp lực gia đình và học sinh, giảm gánh nặng thi vào 10 công lập, trường lớp ngày càng mở rộng, đa dạng về hình thức, học phí, chương trình đào tạo càng gia tăng cơ hội học tập cho học sinh. Bên cạnh đó việc phân luồng học sinh sau THCS cũng là điều cần thiết, đáp ứng nguồn nhân lực khác nhau trong tương lai, phù hợp với điều kiện đào tạo, kinh tế, xã hội hiện nay.
Tuy nhiên để phân luồng được hợp lý đòi hỏi rất nhiều yếu tố như hệ thống dân lập đa dạng và chất lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế khác nhau của người dân; hệ thống đào tạo nghề thực chất cả về chương trình đào tạo lẫn nhu cầu xã hội; hướng nghiệp tại các trường THCS phải được thực hiện bài bản, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên có chuyên môn tốt về hướng nghiệp và cuối cùng là nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh, hiểu đúng mới quyết định đúng.
Thầy Hiền cho rằng, áp lực thi cử hiện nay chủ yếu đến từ sự kỳ vọng cao của phụ huynh đối với con trẻ. Ai cũng muốn con có một môi trường tốt nhất cho học tập, nhưng tất cả phải dựa trên: năng lực học sinh, điều kiện kinh tế gia đình, môi trường giáo dục.
"Phụ huynh cần phải nhớ rằng, chọn trường phù hợp chứ không phải trường tốt nhất. Khi kỳ thi đến gần, áp lực tăng cao, bên cạnh việc động viên các con, tạo điều kiện cho các con được ôn tập tốt nhất thì phụ huynh cũng cần chuẩn bị sẵn tâm thế và phương án nếu như kì vọng không được như ban đầu. Và quan trọng hơn cả, hãy biến kì vọng, sự ưu tiên đơn giản là sự lựa chọn, hãy cho mình và con em mình nhiều lựa chọn khác nhau thì tự khắc áp lực được san sẻ", Thầy Đinh Đức Hiền nhấn mạnh.
Mới đây, TP. Hà Nội đã công bố số lượng thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 THPT công lập năm 2024. Theo đó, toàn thành phố có 11.191 thí sinh dự thi 4 trường THPT chuyên thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội, 106.492 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào 117 trường THPT công lập trên địa bàn thành phố.
Năm 2024, tuy TP. Hà Nội tuyển hơn 77.000 học sinh vào lớp 10 THPT công lập, tổng chỉ tiêu tăng khoảng 1.500 song một số trường khu vực nội thành lại giảm chỉ tiêu. Cụ thể như THPT Cầu Giấy, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Yên Hòa, THPT Hoàng Văn Thụ, THPT Trương Định, THPT Việt Nam – Ba Lan, THPT Thạch Bàn, THPT Phúc Lợi, THPT Đa Phúc…