Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi):

Còn nhiều ý kiến khác nhau

- Thứ Năm, 12/11/2020, 06:06 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội nêu rõ, quy định về phạm vi điều chỉnh thu hẹp so với Luật hiện hành. Cho rằng Tờ trình của Chính phủ đưa ra lập luận chưa thuyết phục, một số ý kiến đề nghị cần lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai dự án luật.

Tách thành hai luật sẽ có tác động như thế nào?

Theo Tờ trình dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), so với Luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật có điều chỉnh khi chỉ quy định các nội dung liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Nội dung về quy tắc giao thông đường bộ, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được chuyển sang điều chỉnh tại dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) phát biểu thảo luận tại tổ
Ảnh: Quang Khánh

Ủng hộ đề xuất của Chính phủ, ĐBQH Ngô Minh Châu (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ hiện hành và xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ bảo đảm tính thống nhất của pháp luật liên quan. Việc đồng thời trình hai dự án Luật tại Kỳ họp thứ Mười này sẽ tạo điều kiện để ĐBQH đánh giá sâu hơn cả về hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo đại biểu Ngô Minh Châu, Ban soạn thảo của hai dự án Luật cần nghiên cứu kỹ để bảo đảm sự hỗ trợ giữa dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, qua đó sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

Phân tích việc chuyển nội dung về quy tắc giao thông đường bộ, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sang điều chỉnh tại dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Ngô Minh Châu cho rằng, việc điều chuyển hai nội dung này sẽ giúp Bộ Giao thông Vận tải có điều kiện bảo đảm diện tích cho giao thông động và tĩnh ở các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn. Ví dụ, tại TP Hồ Chí Minh đang chịu áp lực lớn từ giao thông tĩnh (nơi đỗ xe công cộng, nơi đỗ xe của cơ sở kinh doanh và nơi ở). Nhiều lái xe ô tô "đi khắp nơi" có khi vẫn chưa tìm được chỗ đỗ xe. Tương tự, cơ quan chức năng cấp phép thành lập nhiều hãng taxi nhưng không bố trí chỗ đỗ nghỉ, gây nhiều bất cập khi vận hành loại hình giao thông này.

Dẫn lại thực tế khi số lượng người thiệt mạng vì tai nạn giao thông tăng cao trong năm 2007, đại biểu Ngô Minh Châu phân tích, khi đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó quy định người đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Việc thực hiện quy định này đã giúp giảm khá nhiều số lượng người thiệt mạng và bây giờ đã thành thói quen thường xuyên "không thể thiếu" của người điều khiển phương tiện giao thông gắn máy.

Nhận định “khi quy định pháp luật được ban hành đúng thời điểm và thực hiện kiên quyết sẽ tác động tích cực cho thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn giao thông”, đại biểu Ngô Minh Châu tán thành với việc xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bên cạnh Luật Giao thông đường bộ. Điều này sẽ tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.

Cần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn

Dẫu vậy, đề xuất của Chính phủ chưa làm an lòng các ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh)… Lý lẽ, theo đại biểu Đặng Thuần Phong, là bởi với đề xuất của Chính phủ, phần kết cấu hạ tầng giao thông là phần tĩnh, còn trật tự an toàn giao thông (gồm người điều khiển phương tiện) là phần động sẽ được hai luật khác nhau điều chỉnh và giao hai bộ quản lý. Song, không khó để thấy, tĩnh và động là hai mặt của vấn đề, có quan hệ chặt chẽ, không thể tách bạch một cách cơ học.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nhận thấy, giao thông đường bộ là một thể thống nhất của 4 yếu tố: Kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông và quy tắc giao thông đường bộ. Nếu tách kết cấu giao thông đường bộ ra khỏi 3 yếu tố còn lại sẽ không còn là đường bộ, thay vào đó sẽ chỉ là phần diện tích đất được nối liền, có thể thực hiện nhiều hoạt động khác, không chỉ dành cho di chuyển phương tiện giao thông như quy định hiện hành. Nếu tách phương tiện giao thông ra thì chỉ là tài sản có kết cấu và có thể di chuyển được theo sự điều khiển con người. Nếu tách người điều khiển phương tiện giao thông ra khỏi Luật này, thì người điều khiển phương tiện giao thông chỉ còn là con người nói chung. Và, nếu tách phần quy tắc giao thông đường bộ sẽ chỉ là quy định "trên giấy", vì không có đối tượng điều chỉnh trên thực tế, đại biểu Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn.

Luật Giao thông đường bộ là đạo luật chuyên ngành điều chỉnh giao thông đường bộ, bao gồm 4 nhóm chế định không thể tách rời về kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người điều khiển và quy tắc giao thông đường bộ. Nếu phá vỡ 4 chế định này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ e ngại, kết cấu của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ khó chặt chẽ. Hơn nữa, việc bảo đảm an toàn, trật tự giao thông đường bộ là mục đích hướng đến khi xây dựng pháp luật, không thể trở thành đối tượng điều chỉnh của một dự án luật (cụ thể ở đây là dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ).

ĐBQH Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) nhấn mạnh, về mặt lý luận, bảo đảm trật tự, an toàn trong giao thông đường bộ không phải là một lĩnh vực, chỉ là một nội dung trong các nhiệm vụ được phân giao cho Bộ Công an. Trên thực tế, không có luật riêng quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì Bộ Công an vẫn phải thực hiện nhiệm vụ này. Hơn nữa, nếu xác định bảo đảm trật tự, an toàn là một lĩnh vực thì tất cả các luật hiện hành đều cần được... tách thành hai luật. Do vậy, xét về lý luận, đại biểu Nguyễn Văn Quyền cho rằng, lý lẽ thu hẹp phạm vi điều chỉnh so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành và chuyển một số nội dung sang điều chỉnh tại dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Chính phủ đưa ra chưa đủ sức thuyết phục.

Do cả cơ sở lý luận và thực tiễn của việc thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ hiện hành và tách thành hai dự án Luật đều chưa thực sự thuyết phục, trong phiên thảo luận tại tổ sáng qua, nhiều đại biểu đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tổ chức lấy ý kiến ĐBQH về việc này. Hơn nữa, theo một số đại biểu, tuy tai nạn giao thông đường bộ đang chiếm phần lớn trong số các vụ tai nạn giao thông ở nước ta, trở thành vấn nạn quốc gia, nhưng không lẽ khi vi phạm pháp luật ở một lĩnh vực nào nổi lên, chúng ta lại tách luật chuyên ngành...? Tình trạng này có lẽ không nên xảy ra, vì pháp luật phải đặt trong chỉnh thể thống nhất và tuân thủ nguyên tắc, nguyên lý trong quá trình xây dựng.

Thanh Hải