Điều tra, xét xử vụ án xâm hại trẻ em

Còn nhiều vướng mắc

- Thứ Ba, 26/01/2021, 05:38 - Chia sẻ
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xét xử nghiêm các vụ xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục thường gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Khi cán bộ… thiếu kỹ năng

Kết quả khảo sát của Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, trong quá trình điều tra các vụ án xâm hại trẻ em, một số cán bộ công an và cán bộ cấp xã chưa được đào tạo, tập huấn, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng tâm lý, kỹ năng làm việc với trẻ em trong quá trình tiếp nhận khi họ thông báo, tố giác về tội phạm xâm hại trẻ em. Từ đó, dẫn đến việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo còn chậm trễ, để kéo dài, có trường hợp do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng nên lúng túng, không nhanh chóng xử lý được tài liệu chứng cứ ban đầu từ nguồn tin báo. Thậm chí, còn gây phiền hà cho người dân, không có sự hướng dẫn giải thích phù hợp khiến họ chưa tin tưởng vào cơ quan công an, từ đó chưa tích cực cộng tác trong quá trình xác minh, giải quyết vụ việc.

Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ xét xử một vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Ảnh: Xuân Mai

Các vụ dâm ô trẻ em hầu như không để lại hoặc rất ít để lại dấu vết, nên không có chứng cứ vật chất, nếu không có người làm chứng hoặc không có kỹ năng điều tra thân thiện, lấy lời khai, hình ảnh từ camera thì rất khó để xử lý nguồn tin báo, tố giác. 

Trong khi đó, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, tâm lý xấu hổ, mặc cảm… nên khi vụ việc xảy ra họ thường ngại tố giác, trình báo hoặc trình báo không đầy đủ, khách quan. Đặc biệt là các vụ đối tượng và nạn nhân là người thân, người có quan hệ huyết thống, nhiều trường hợp cam chịu dẫn đến trình báo muộn hoặc chấp nhận việc dàn xếp, giải quyết nội bộ, sau một thời gian do việc dàn xếp không đạt được mới tố giác nên khó khăn cho việc tiếp nhận và xử lý.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết thêm, các vụ xâm hại tình dục trẻ em nam hầu như không có trình báo, tố giác về tội phạm. Do mặc cảm, tự ti nên nạn nhân trẻ em thường né tránh không muốn hợp tác, không muốn nhận mình là nạn nhân, chỉ khi cơ quan công an tích cực phối hợp với các cán bộ trẻ em, cán bộ tâm lý, pháp lý, các em mới dám trình báo, cộng tác. Nhiều vụ việc do trình báo muộn nên dấu vết sinh học, dấu vết trên thân thể không thu thập được, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý, khởi tố.

Khó xác minh, thu thập chứng cứ

Trong quá trình khởi tố, điều tra tội phạm xâm hại trẻ em gặp khó từ khâu xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ bởi hầu hết vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi vắng vẻ, hoặc biệt lập như trong gia đình, trong lớp học, cơ sở trông giữ trẻ… Đặc biệt tại các vùng nông thôn sông nước, miền núi hẻo lánh thường được phát hiện muộn nên rơi vào tình trạng thiếu chứng cứ hoặc chứng cứ nhanh bị phân hủy nên rất khó thu thập. Trong khi đó, nạn nhân còn nhỏ tuổi, lại bị sang chấn tâm lý bởi hành vi xâm hại nên lời khai thường không đầy đủ, thiếu chính xác, thậm chí hay thay đổi lời khai, hoặc khai theo ý của người đại diện (cha, mẹ) nên khó thu thập tài liệu chính xác.

Có trường hợp trình báo muộn, hoặc có sự dàn xếp, thỏa thuận tự xử lý nội bộ giữa gia đình nạn nhân và đối tượng nên vụ việc không được trình báo. Hoặc sau một thời gian khi việc dàn xếp, thỏa thuận không thành mới tố giác nên khó khăn cho việc xác minh điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ. Cũng có những trường hợp đối tượng và gia đình đối tượng mua chuộc, gây áp lực, đe dọa thách thức nạn nhân hoặc những người biết việc khác ngại việc cộng tác, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc.

Đại diện Bộ Công an cho hay, quá trình xử lý cho thấy, hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em không có người làm chứng trực tiếp do đối tượng lựa chọn thời gian, địa điểm kín đáo mới thực hiện hành vi phạm tội, hoặc đối tượng đe dọa nạn nhân phải giữ kín nên hầu hết chỉ được phát hiện khi người thân tiếp xúc, phát hiện các dấu hiệu như: Hoảng loạn hoặc có dấu vết tổn thương, tấy sưng, xước bộ phận sinh dục hoặc các bộ phận khác trên cơ thể, nhiều trường hợp khi nạn nhân có thai mới được phát hiện.

Thực tiễn công tác đấu tranh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cho thấy, không ít đối tượng triệt để lợi dụng các phương tiện công nghệ cao, các trang mạng xã hội để tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt nên chứng cứ điện tử dễ bị tiêu hủy. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu điện tử nhằm giám định, sử dụng làm chứng cứ mới được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nên quá trình tổ chức triển khai còn không ít bỡ ngỡ.

Xuân Mai