Còn nhiều dư địa bình ổn tỷ giá
Trao đổi về tình trạng biến động tỷ giá USD/VNĐ vừa qua, ĐBQH, CHỦ TỊCH HĐQT NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM (VIETINBANK) NGUYỄN VĂN THẮNG nêu rõ, chưa có bất cứ áp lực đột biến nào. Với những bước đi chủ động về chính sách của Ngân hàng Nhà nước và dự trữ ngoại hối của nước ta đang đạt mức cao kỷ lục trên 40 tỷ USD, tình trạng thanh khoản thị trường ổn định. Theo ông Thắng, NHNN có nhiều dư địa trong việc triển khai các chính sách bình ổn tỷ giá trong thời gian tới. Điều này góp phần tạo niềm tin lớn cho các thành viên tham gia thị trường, theo đó làm giảm hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, góp phần ổn định tỷ giá trong nước.
Vẫn đang là dấu hỏi
- Theo ông, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tài chính thế giới?
Vietinbank luôn chủ động phân tích, theo dõi sát sao những diễn biến kinh tế - tài chính trên thị trường quốc tế, thị trường trong nước để có những phương án kinh doanh phù hợp với diễn biến thị trường. Vietinbank cũng đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá và rủi ro lãi suất USD tăng cho chính ngân hàng cũng như tư vấn cho khách hàng sử dụng các công cụ phù hợp để đảm bảo lợi ích trong những giai đoạn thị trường có biến động mạnh. Là một ngân hàng hàng đầu Việt Nam với nguồn ngoại tệ ổn định, Vietinbank luôn đảm bảo đáp ứng được đầy đủ nhu cầu ngoại tệ chính đáng của khách hàng. ĐBQH, Chủ tịch HĐQT Vietinbank Nguyễn Văn Thắng |
- Trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump đã tập trung vào một số vấn đề người dân Mỹ rất quan tâm bao gồm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giảm thuế thu nhập và chính sách tài khóa nới lỏng; thu hút các doanh nghiệp Mỹ chuyển lợi nhuận về nước; cải thiện cán cân thương mại của Mỹ bằng việc tăng cường bảo hộ mậu dịch, rút lui hoặc đàm phán lại một số hiệp định tự do thương mại đa phương; tăng thuế hàng nhập khẩu vào Mỹ; hạn chế nhập cư... Tuy nhiên, sau khi trúng cử, ông Donald Trump đã có những phát ngôn ôn hòa, thận trọng hơn nên liệu ông Trump có thực hiện tất cả các chính sách trên không, và nếu thực hiện thì ở mức độ nào vẫn đang là một dấu hỏi.
Trên phạm vi thế giới, các chính sách giảm thuế của ông Trump sẽ khiến doanh nghiệp Mỹ tăng cường chuyển lợi nhuận về nước, giảm đầu tư của Mỹ ra nước ngoài, qua đó làm thay đổi sự phân bổ dòng vốn đầu tư toàn cầu và khiến USD tăng giá. Do đó, nhiều khả năng các đồng tiền của một số quốc gia, đặc biệt tại khu vực châu Á, sẽ chịu áp lực giảm giá nếu các chính sách này của ông Trump đi vào thực tế. Các chính sách về lao động nhập cư sẽ làm suy giảm nguồn cung lao động. Điều này cải thiện tỷ lệ thất nghiệp đồng thời tạo áp lực tăng lương, cộng hưởng với các chính sách tài khóa nới lỏng sẽ đẩy lạm phát tăng nhanh, theo đó có thể khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất, hỗ trợ cho USD về mặt ngắn hạn.
Các chính sách về bảo hộ thương mại nếu được thực hiện sẽ khiến các nhà đầu tư tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn, ví dụ như vàng và các đồng tiền dự trữ như JPY (đồng yên Nhật Bản) hay CHF (đồng Frane Thụy Sĩ), đẩy vàng và các đồng tiền này lên giá so với một số đồng tiền khác. Việc tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc lên 45% sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình xuất khẩu của Trung Quốc, do Mỹ hiện là thị trường lớn nhất, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Đó là chưa kể đến việc một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Mỹ sẽ rút khỏi Trung Quốc. Điều này làm tăng gánh nặng lên nền kinh tế Trung Quốc, làm tăng áp lực giảm giá lên CNY (đồng nhân dân tệ của Trung Quốc).
![]() |
- Với thị trường tài chính Việt Nam thì sao, thưa ông?
- Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong 10 năm trở lại đây luôn đạt mức tăng trưởng cao, trên 19%/năm. Cán cân thương mại hàng hóa song phương luôn đạt thặng dư cao về phía Việt Nam, cụ thể từ mức 6,85 tỷ USD năm 2006 đã lên đến 25,67 tỷ USD năm 2015. Do đó việc Mỹ nâng hàng rào bảo hộ mậu dịch sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nếu Mỹ thực hiện chính sách thuế thu hút các doanh nghiệp Mỹ chuyển lợi nhuận về nước và rút lui khỏi các hiệp định tự do thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ gây ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Nguồn cung USD bị ảnh hưởng, cộng hưởng với những biến động của một số đồng tiền trong rổ tiền tệ tính tỷ giá trung tâm như USD, CNY, JPY,… sẽ khiến cho áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ trở nên rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi ông Donald Trump vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng các chính sách nêu trên, thì với sự phân định quyền hạn giữa Tổng thống và QH, việc triển khai và yêu cầu QH thông qua một số đạo luật, quy định trên không đơn giản, nếu những điều này gây rủi ro, bất ổn nghiêm trọng đến kinh tế Mỹ. Do đó, một số chính sách nếu được thực hiện thì có thể ở mức độ ôn hòa hơn nhiều so với tuyên bố trong quá trình tranh cử của ông Trump. Trong trường hợp đó, những tác động của chúng tới thị trường tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ không quá nghiêm trọng như những nhận định ban đầu.
Biến động ngoại tệ chỉ là tạm thời
- Việc tỷ giá USD/VNĐ tăng nóng vừa qua là do sự kiện này?
- Tỷ giá VNĐ/USD tăng nhanh vừa qua là phù hợp với diễn biến tăng mạnh của đồng USD trên thế giới. Sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, các nhà đầu tư kỳ vọng chính sách tăng chi tiêu công và giảm thuế của ông Trump sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn trong tương lai. Sự gia tăng kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 12 năm nay do những dữ liệu kinh tế vĩ mô tích cực của Mỹ thời gian qua cùng với những tuyên bố của một số quan chức Fed ủng hộ việc nâng lãi suất đã đẩy đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh đó, CNY - một đồng tiền khác trong rổ 8 đồng tiền tham chiếu tính tỷ giá trung tâm - tiếp tục đà giảm giá từ đầu năm, thậm chí đã có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Do đó việc tỷ giá USD trung tâm tăng khi hai đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn là USD và CNY biến động mạnh không có gì bất thường. Song song với đó, tỷ giá USD/VNĐ tăng phần nào đến từ yếu tố mùa vụ, vì cuối năm thường là thời điểm nhu cầu thanh toán USD cao hơn các thời điểm khác trong năm.
- Theo ông, hiện tượng này có kéo dài không?
- Những biến động này chỉ mang tính chất tạm thời. Bởi lẽ cung cầu ngoại tệ trong nước hiện vẫn rất ổn định. Về cung ngoại tệ, mặc dù nhập siêu quay lại nhưng tính chung tới thời điểm này cán cân thương mại vẫn thặng dư gần 2,7 tỷ USD. Dòng vốn FDI giải ngân vẫn đang duy trì trạng thái tích cực, tính đến hết tháng 10.2016 đạt 12,7 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ 2015. Các yếu tố khác như lượng kiều hối chuyển về nước tăng, dòng vốn vào do hoạt động mua bán sáp nhập cải thiện, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm nhờ chính sách trần lãi suất huy động USD ở mức 0%… đã hỗ trợ tích cực cho nguồn cung ngoại tệ.
Trong khi đó, cầu ngoại tệ mặc dù tăng nhưng vẫn ổn định, chưa có bất cứ áp lực đột biến nào. Đặc biệt, NHNN đã sớm có những bước đi chủ động về chính sách như ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN tiếp tục cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn đến hết năm 2017, từ đó ổn định tâm lý thị trường, tránh gây áp lực lên cầu ngoại tệ trong trường hợp các doanh nghiệp phải tất toán hợp đồng vay ngoại tệ vào cuối năm. Cùng với đó, với việc dự trữ ngoại hối của nước ta đạt mức cao kỷ lục trên 40 tỷ USD, tình trạng thanh khoản thị trường ổn định, có thể nói NHNN có nhiều dư địa trong việc triển khai các chính sách bình ổn tỷ giá trong thời gian tới. Điều này góp phần tạo niềm tin lớn cho các thành viên tham gia thị trường, theo đó làm giảm hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, góp phần ổn định tỷ giá trong nước.
- Xin cảm ơn ông!