Còn không nỗi ám ảnh thiếu vốn?

Hồng Loan 17/04/2010 00:00

Từ 1.6 tới, cơ hội tiếp cận nguồn vốn của nông dân sẽ rộng mở hơn khi Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, do Chính phủ ban hành giữa tuần này, chính thức có hiệu lực. Vậy nhưng nhiều người vẫn nửa mừng nửa lo...

Còn không nỗi ám ảnh thiếu vốn? ảnh 1

Chưa trả nợ vẫn được vay vốn mới

Nguồn vốn cho vay:

- Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng và các tổ chức cho vay khác

- Vốn vay, vốn nhận tài trợ, ủy thác của các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước

- Nguồn vốn ủy thác của Chính phủ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

- Vốn vay Ngân hàng Nhà nước

Trước Tết Nguyên đán vừa qua, anh Nguyễn Ngọc Sơn, 35 tuổi, chủ một trang trại ở xã Hùng Tiến, Mỹ Đức, TP. Hà Nội gom góp vốn liếng gây dựng vườn phong lan. Dẫn khách đi xem vườn lan rộng hơn trăm mét vuông, rễ lan đã bắt đầu bén gốc, anh cho biết đã “đổ” vào đây gần 200 triệu đồng. “Sắp tới, tôi tính vay thêm tiền để mở rộng vườn lan và phát triển đàn lợn rừng. Lời lãi thì trông thấy rồi, chỉ lo không chạy được vốn”, anh Sơn nói.

Nếu chờ được tới tháng 6.2010, thời điểm Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn có hiệu lực, vấn đề của anh Sơn sẽ trở nên đơn giản hơn. Bởi theo Nghị định này, chủ trang trại (và hợp tác xã) được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa là 500 triệu đồng. Không riêng những đối tượng như anh Sơn mà các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn cũng được nâng mức cho vay, tối đa lên tới 50 triệu và 200 triệu đồng. Định mức như vậy vừa phù hợp với mặt bằng giá cả hiện nay, vừa giúp nông dân tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu bình luận trong một cuộc họp lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định này. Việc các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh hoặc cung ứng các dịch vụ nông nghiệp ở nông thôn đều được hưởng các chính sách theo Nghị định (đối tượng mở rộng hơn so với Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg về cho vay khu vực nông thôn ban hành chục năm trước), cũng được cho là sẽ có tác động lớn, thúc đẩy tích cực việc đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo Nghị định 41, có 4 nguồn vốn và 8 lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (xem box). Lãi suất cho vay, tùy trường hợp sẽ do Chính phủ quy định, hoặc theo cơ chế tín dụng thương mại hiện hành, hoặc theo thỏa thuận với bên ủy thác, với khách hàng. Đặc biệt, Chính phủ khẳng định, các ngân hàng, tổ chức tài chính thực hiện cho vay các đối tượng chính sách, các chương trình kinh tế của Chính phủ ở nông thôn, sẽ được bảo đảm nguồn vốn cho vay từ ngân sách chuyển sang hoặc cấp bù chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng. 

Một điểm đáng chú ý nữa của Nghị định 41 là nông dân có thể vẫn được xem xét vay vốn mới khi chưa trả được nợ cũ. Cụ thể, Điều 10 về cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới quy định: trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn cho tổ chức tín dụng do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh...) thì tổ chức tín dụng căn cứ dự án, phương án kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả được nợ của khách hàng để xem xét cho vay mới, mà không phụ thuộc vào dư nợ cũ của khách hàng chưa trả nợ đúng hạn. Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc triển khai chính sách tín dụng với nông nghiệp, nông thôn.   

Vẫn lo

Mặc dù đánh giá cao Nghị định 41 có các ưu đãi phù hợp và đã yêu cầu các đơn vị liên quan tạo điều kiện tốt nhất để nông dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, rõ ràng và minh bạch,  song nhiều ý kiến vẫn lo ngại nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận nguồn vốn này vì nhiều lý do.

8 lĩnh vực cho vay phục vụ

phát triển nông nghiệp, nông thôn:

 

- Cho vay các chi phí sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp

- Cho vay phát triển ngành nghề tại nông thôn

- Cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn

- Cho vay chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối

- Cho vay để kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản

- Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn

- Cho vay tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn

- Cho vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ

“Thiếu vốn là nỗi ám ảnh thường xuyên đối với nông dân”, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ nói. Rồi ông kể về trường hợp một người bà con ở quê, có máy xay xát gạo và muốn vay ngân hàng vài ba chục triệu mua lúa trữ để sau này xay xát và bán dần; nhưng đất chưa được cấp sổ đỏ, ngân hàng lại không xem máy xay xát gạo là tài sản thế chấp nên đành... thôi. Vị chuyên gia này cho rằng, những trường hợp như vậy không hiếm. Lãnh đạo một quỹ tài chính của Thụy Sỹ đang hoạt động tại Việt Nam có cùng suy nghĩ. Ông nói: có hộ gia đình đất chưa có sổ đỏ thì không thể vay dạng thế chấp tài sản, họ đã nghèo, làm ăn thất bát nhiều năm, nợ nần tùm lum thì đoàn thể nào dám đứng ra bảo lãnh cho họ vay? Chưa kể, món vay của nông dân nhiều khi nhỏ lẻ chỉ vài trăm một triệu, việc tiếp cận vốn ngân hàng lại phức tạp, nên nhiều người chấp nhận “vay nóng” bên ngoài, lãi suất cao hơn nhưng nhanh chóng, đơn giản.

Lâu nay, các ngân hàng thương mại, dù được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích và ưu đãi, vẫn không mặn mà với nông dân mà lý do đơn giản là: nông dân là những đối tượng rủi ro cao. Khó trách ngân hàng, bởi doanh nghiệp luôn hướng đến lợi nhuận. Vả lại, đến giờ, nói đến tài trợ vốn tín dụng cho người nghèo, đa phần người dân, doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước cho rằng đó là trách nhiệm của nhà nước hoặc các tổ chức đoàn thể xã hội và các tổ chức quốc tế. Vì thế, xóa bỏ sắc màu bao cấp của tín dụng nông nghiệp, nông thôn và khơi thông dòng vốn chảy vào lĩnh vực này sẽ góp phần đưa Nghị định 41 tiến nhanh vào cuộc sống.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Còn không nỗi ám ảnh thiếu vốn?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO