Con hươu sao (Phần 1)
Truyện ngắn của Nguyễn Thế Hùng

Tôi lên Trại Hươu đúng vào mùa tình.
Buổi đi làm đầu tiên với tư cách là công nhân Trại Hươu tôi thực sự ngạc nhiên vì Hương cũng đã lên đây làm việc. Gặp tôi ngay đoạn cua vào trại, em reo lên thảng thốt:
- Trời! anh Thiên, anh cũng lên đây à?
- Lên chứ, anh lên... tìm em...
- Anh thì... khi nào cũng đùa được.
Vừa nói Hương vừa nhìn tôi, hai má ửng lên như trái đào chín. Lạ thật sau những biến cố tang tóc của gia đình, sau một mùa đông đói rách oan ức vậy mà mùa tình đến, Hương trổ mã phô phang sắc đẹp đầy thách thức của con gái tuổi dậy thì. Mùa đông trước, Hương có vẻ đẹp lành lạnh, buồn buồn ne nép để hợp với cảnh tang biến của gia đình. Vẻ đẹp đó của em đã bắt tôi bao lần khi không có việc cũng cố tình đi ngang trước ngõ nhà em. Giờ đây, giữa núi đồi trang trại, bạt ngàn rừng rú trong miên man gió mùa tình, em làm tôi chóng mặt. Đứng gần em, trong tôi có cảm giác y như cái lần đầu tiên được làm anh thợ bắt đầu, lần đầu tiên chứng tỏ với mọi người sự trưởng thành và sức mạnh đàn ông. Tôi mạnh dạn nhìn lại Hương, em ngoảnh mặt đi, hơi thở lỗi nhịp làm cho hai cái chóc hươu trên cặp ngực thanh tân cứ phập phồng như đang cựa quậy.
- Sau cái đận ấy, nhà Hương thế nào?
- Người ta chia quả thực hết anh ạ, thôi nhắc lại làm chi mà buồn, em ở tổ chăn nuôi.
- Anh mới lên không biết họ phân công ở tổ nào, chắc là tổ kỹ thuật thôi. Thế ai là trại trưởng? Dễ sống không?
- Anh cu Tỉn.
- Trời... cu Tỉn...
- Làm gì mà anh thảng thốt vậy, người làng thì dễ sống hơn, em thấy anh ấy cũng quan tâm đến em... à không, quan tâm đến người làng lắm...
- Thì cứ nói là quan tâm đến em cũng có sao đâu.
Lạ thật, mới nghe Hương nói lỡ lời có vậy mà máu trong người tôi đã bốc lân tận mặt. Tôi nói mát với Hương một câu rồi đi về dãy nhà của chỉ huy trại. Đúng là anh cu Tỉn làm trại trưởng, khi thấy tôi bước vào phòng, điệu bộ của anh rất lạ, nửa khệnh khạng, nửa khúm núm, chắc thời gian đổi đời ngắn ngủi quá nên chưa thể biến được một anh đầy tớ thành một ông chủ. Có sao đâu, khổ khó chịu, sướng mau quen. Khi tôi chào đến tiếng thứ hai anh mới giật mình mời tôi ngồi xuống ghế hắng giọng hỏi:
- Tình hình nhà cửa ổn cả rồi chứ. Thôi, người làng với nhau cả, tôi cũng phải lên đây huống hồ là nhà anh, chúng ta đều đi xây dựng một vùng kinh tế mới. Rồi đây cả nước, cả thế giới sẽ biết đến chúng ta nhờ những con hươu đang ở trong chuồng kia. Gia đình anh có nhiều kinh nghiệm nuôi hươu, anh về tổ kỹ thuật được không?
- Tùy các anh thôi, nhưng tôi sợ cách nuôi cũ của chúng tôi không còn hợp với thời đại mới.
- Mới gì cũng phải đi từ cái cũ, anh cứ yên tâm, rồi đây sẽ có các kỹ sư học hành bài bản về làm quản lý cái tổ kỹ thuật của anh, không phải lo.
- Thế cụ thể tôi phải làm gì?
- Anh thấy đó, mùa tình đến rồi, anh chuẩn bị cho lứa cắt nhung mới, cưa và người cắt thì tôi đã điều bên tổ thợ mộc. À mà này, không bắt bộ đâu nhé, mạng người là vốn quý, đã có người bắt dây, khi con hươu phục xuống rồi anh mới nhảy vào ôm đầu.
- Được thôi, còn ngoài việc đó ra.
- Là canh cho phối giống, trước mắt thì cứ cho hươu với hươu đã, sau này anh và tôi phải nghiên cứu kỹ việc này, tôi thấy con dê cũng giông giống con hươu, lại... máu lắm... hề hề... khoản đó thì con dê là phải biết. Sừng dê lại chả có ích quốc lợi gia gì, cho mấy chú dê cụ làm cái khoản ấy với hươu là hợp nhất... Còn hươu đực nghỉ cho khỏe, còn lên nhung chứ.
- Anh nói thật hay đùa vậy? Cho dê phối hươu... liệu rồi nó ra cái con gì...
- Thì cứ cho nó ra cái gì đã rồi tính, có nhiều thứ cứ ngồi mà nghĩ thì có thấy nó hình thù gì đâu, cứ làm rồi sửa, sai rồi lại sửa. Sai thì sửa có sao đâu.
- Tùy anh vậy, tôi là lính anh sai thì tôi làm.
Buổi đầu tiên đến trại nhận công tác như thế là tạm ổn. Chiều đó, thấy tôi vừa về đến nhà, cha đã hỏi ngay:
- Thế nào, họ cho con làm việc gì?
- Con vẫn là thợ bắt đầu cha ạ.
Nghe tôi nói vậy, mắt cha sáng rỡ lên, cha hỏi dồn:
- Thế cha vẫn là thợ cắt nhung chứ? Ừ họ cũng không đến nỗi nào con nhỉ.
Không muốn dập tắt đi mối hy vọng mới nhen lên trong mắt cha, nhưng không thể nào khác được, tôi muốn cha đừng có hy vọng quá, tuổi già mà thất vọng thì tủi nên tôi nói:
- Không cha ạ, bây giờ họ trọng người hơn, họ sợ con bắt bộ có sơ sẩy nên sẽ có người đưa thòng lọng vào chân sau của hươu, giật cho ngã sau đó con chỉ vào tóm lấy đầu đè xuống.
Nghe tôi nói, mặt cha ban đầu đỏ tía lên, sau đó chuyển sang tái nhợt. Khi tôi nói xong, cha lẩm nhẩm trong miệng.
- Nhưng hươu là linh vật, đối xử với linh vật bằng cách xỏ lá vậy sao...
- Ở đây không có linh vật cha ạ...
- Ừ... vô thần mà... Nhưng còn cưa nhung thì sao... cha vẫn làm việc đó chứ...?
- Không họ nói mấy anh thợ mộc làm việc này tốt hơn cha, thợ mộc chỉ cần lấy cái bút chì, vanh một cái quanh cội đế, thế là cứ theo đó mà cưa, chả cần nửa hạt gạo chồng đứng hay trước mỏng sau dày, lấy tay làm khấc cho nó rách việc.
Nghe đến đó, cha tôi không còn đứng vững được nữa, ông vuốt cột nhà ngồi xuống bên mấy cái đầu đày vừa thiến ra từ mấy cái chân cột nhà còn tươi, phóng mắt vô hồn về phía ngọn Ba Mụ, nơi đó chỉ có sớm mấy bước mà đàn hươu của nhà tôi đang thung thăng đùa giỡn với đại ngàn, với suối, với cỏ, với cây. Chúng đã tìm được cuộc sống của chính tổ tiên chúng đã từng sống. Cũng có thể bây giờ đàn hươu đã có hàng trăm con và những con hươu đực trưởng thành đã lại tách đàn, đem theo bên mình mấy con hươu cái làm thê thiếp. Nhưng cũng có thể do lệ thuộc vào con người quá lâu, khó thích nghi với tự nhiên, bản năng hoang dã mất dần nên không phát triển, đàn cứ cùn mòn dần rồi đi đến tuyệt diệt. Nhưng dù gì thì trước khi chết, trước khi tan nhòa vào với cỏ cây, những chú hươu từng là hươu nhà cũng một lần biết đến đại ngàn, biết đến tự do.
Ngồi nhìn hút về phía núi Ba Mụ một lúc, cha hỏi tôi mà như tự hỏi mình:
- Hay con xin họ đừng bắt đầu nữa được không con?
- Sợ không được cha ạ, trước đây hươu của mình muốn làm thì làm không làm thì thôi, giờ của tập thể, con đang là công nhân, người của tổ chức.
- Nhưng cha sợ, chúng ta không công bằng với linh vật, đối xử không đúng với linh vật. Hươu là linh vật của làng con ạ, chưa khi nào hươu là hàng hóa cả. Cắt nhung mà cưa bằng cưa thợ mộc, động óc hươu chịu sao thấu.
- Con cũng biết điều đó, nhưng...
Nghe tôi nói và bỏ lửng giữa câu, cha không hỏi gì thêm nữa, mái tóc cha mới qua mấy biến cố đã không con một sợi đen giờ đang rũ xuống lòa xòa trước mặt. Nhìn cha, dù ai giỏi tưởng tượng đến mấy thì cũng không thể nghĩ trước đây cha đã từng là thợ bắt đầu, đã từng là đô vật số một của làng. Nhìn cha, tôi chợt rùng mình, cha có cái nét gì đó rất giống ông nội những ngày cuối đời, chả lẽ điều đó đến sớm vậy sao? Không thể, qua biến cố này rồi cha sẽ trở lại phong độ như xưa thôi. Tôi đang tính, có một ngày nào đó rảnh, cha con tôi sẽ đi vào tận núi Ba Mụ để xem đàn hươu giờ sinh sống ra sao.
*
* *
Đoàn cán bộ xuống kiểm tra Trại Hươu đúng vào giữa mùa tình, mùa cắt nhung hươu. Khi anh cu Tỉn dẫn đoàn Kiểm tra xuống khu vực thả hươu thì bất ngờ một sự kiện hy hữu xảy ra. Khi thấy ông trưởng đoàn kiểm tra lại gần, như có một mệnh lệnh không lời, cả đàn hươu bỗng đứng phắt dậy giương những cặp mắt ngày thường vốn ngơ ngác giờ đây đỏ đòng đọc nhìn chằm chằm. Rồi cũng bất ngờ như hành động đứng dậy, con hươu đực đầu đàn toác lên một tiếng đanh như xé vải rồi bất thần lao thẳng về phía ông trưởng đoàn. Nhung non sao đọ được với lim già, nó bị gióng chuồng lim hất bật trở lại làm cho bổ chửng. Cặp nhung ba tuần tuổi trên đầu nát choe choét máu phun phùn phụt ra cả nền chuồng, phun ướt áo, ướt mặt ông trưởng đoàn. Sau cái hành động bất ngờ của con đầu đàn, cả đàn hươu như có mệnh lệnh ngầm lại lồng lên, con đầu đàn mặc cho máu phun đầy mặt vẫn cứ tiếp tục lùi ra rồi lại lao thẳng vào gióng chuồng phía ông trưởng đoàn đang đứng. Trong chuồng một vài con hươu đực nữa đang lùi lại lấy đà. Trưởng đoàn thấy thế vội vã rút khỏi chuồng hươu. Tôi nhìn họ rồi lại nhìn đàn hươu và giật mình, sao biểu hiện của đàn hươu này giống đàn hươu nhà tôi mấy năm về trước vậy, cái ngày vì không nghe lời cha dặn trong lần bắt đầu đầu tiên, tôi đã há mồm đớp những sợi huyết nóng phụt ra từ vết cắt nhung của con đực cồ, sau đó con thú bản năng trong tôi gào thét, cắn xé vật vã đòi được thỏa mãn chuyện ái ân. Không thể nhốt được con thú bản năng lại trong lòng, buộc tôi phải chiều theo nó. Chỉ một lần thôi mà tôi đã mang bệnh. Nguy hại hơn là tôi không nghe lời cha mà nỡ phạm vào điều cấm kỵ nhất của người thợ bắt đầu trong cái làng nghề nuôi hươu. Kể từ lần đó, mỗi khi thấy bóng tôi, đàn hươu trong chuồng cũng có biểu hiện như thế này. Việc chẳng đặng đừng cha tôi đã phải thả cả đàn hươu vào rừng, tôi phải trả lại cái thiên chức làm thợ bắt đầu cho người có thiên lương hơn tôi. Chả lẽ? Tôi lại nhìn đàn hươu một lần nữa, nhìn con hươu đầu đàn mắt đang long lên sòng sọc vác hất cái mặt đầy máu lên như đang thách thức và sẵn sàng đâm sầm vào ông trưởng đoàn nếu ông ta quay lại. Tôi nhìn nó và như không tin vào mắt mình, đứng trước tôi là con đực cồ, cái bờm cước đang dựng ngược lên và cần cổ như cái áo tơi mà tôi đã từng một lần được ôm vào lòng trong cái lần bắt đầu đầu tiên. Tôi đang đứng mê mẩn nhìn cho ký ức xưa quay về thì Hương đến bên khẽ nói:
- Có cách gì cầm máu cho nó không anh? Trông thảm quá.
- Ừ thảm quá. Phải vào bắt thôi, nhưng giờ không có nhung, bắt rất khó.
- Nhưng thương nó quá, ngày nghe ba tiếng súng bắn cha em ngoài bãi soi, nó cũng đã toác lên ba tiếng và cũng đâm giập cặp nhung đang non như thế này.
- Hóa ra nó là hươu của nhà em à?
- Nó tên Rừng, một nửa đàn hươu trong trại là của nhà em.
- Vậy thì em lên gặp giám đốc trại liền đi, kêu người bắt rồi còn cưa cho gọn để cầm máu cho nó.
- Nhưng em sợ anh ấy đang tiếp khách quan trọng, không để ý gì đến hươu đâu.
- Khách đến đây cũng vì đàn hươu, thế thì khách quan trọng hay hươu quan trọng? Đi nhanh đi kẻo không kịp, chỉ có em nói may ra anh Tỉn mới nghe.
Tôi vừa nói vừa đẩy vào lưng Hương, trước khi chạy đi em còn quay lại nguýt tôi một cái sắc lẻm.
Hương chạy được một lúc thì đoàn người lúc nãy quay lại. Mới thấy họ đằng xa, đàn hươu đồng thanh ngửa cổ lên trời toác những tràng ai oán, tuyệt vọng. Con Rừng toác kép một hồi và lại nghênh cái mặt máu lên. Tức giận làm cho máu con Rừng vọt mạnh hơn, những tia máu mảnh như sương li ti đậu trên mặt, trên áo những người đứng xung quanh chuồng. Tôi chạy lại nói với ông trưởng đoàn:
- Ông đừng lại gần chuồng nữa, chúng vật nài mà chết mất.
- Tôi muốn đến để xem các anh bắt cầm máu cho nó.
- Máu đang chảy mà tức giận thì không thể cầm được, tôi xin ông.
Trưởng đoàn nhìn tôi một lượt từ đầu tới chân rồi hỏi anh Tỉn:
- Anh này là...
- Dạ, nó tên Thiên, thợ bắt đầu có tiếng một thời, gia đình nhiều kinh nghiệm nuôi hươu ạ.
- Thôi được… thật chả ra làm sao cả, có ai phá không? Kinh nghiệm, kinh nghiệm mà không biết bảo con hươu nó đứng yên được à.
Nói xong trưởng đoàn ngoảy một cái rồi đi vào nhà khách của trại ngồi chờ. Trại trưởng Trần Văn Tỉn hô mọi người tách con Rừng vào chuồng cắt. Nhưng nhìn nó đang lên cơn điên, không ai dám xông vào. Trại trưởng hô hào khản cả cổ mà mọi người vẫn cứ đứng nhìn nhau, con Rừng vẫn đứng chính giữa chuồng thả, mặt gườm gườm, máu vẫn phun như sương bay nhuộm đỏ hết mặt mũi quần áo của những người đứng xung quanh. Thấy mọi người chần chừ, nóng ruột quá, Hương nói to: “Để tôi!” Mọi người chưa kịp phản ứng gì thì Hương đã mở cửa chuồng lách vào. Khi đó, anh cu Tỉn mới kịp định thần, khẩn nài:
- Em ra ngay đi, nó đang điên đấy!
- Kệ tôi.
Thấy Hương vào, con Rừng cúi nhanh đầu xuống, triển cơ cổ làm cho cái bờm cước dựng đứng lên, miệng nó méo vẹo sang một bên, lưỡi thè ra phun phì phì phì như rắn hổ mang. Đám đàn ông nín thở. Máu vẫn phun như những vòi sương lên người Hương. Máu nhuộm cái áo phin trắng những chấm li ti hồng, máu đọng trên làn da mặt trắng mịn của Hương. Hương vẫn thận trọng đi từng bước nhón nhỏ tới trước mặt con Rừng. Bỗng con Rừng lùi nhanh một bước rồi cất cao cái đầu và hai chân trước lên. Mọi người đều nín thở thất kinh, tôi dợm bước tính mở cửa xông vào cứu Hương. Nhưng thoảng như một hơi thở nhẹ, Hương nài nỉ: “Rừng... ngoan nào... muốn thoát thì ngoan nào...” Nghe Hương gọi đến tên, con Rừng bỗng khựng lại, hai chân trước rơi xuống tại chỗ.
(Số sau đăng hết)