Thế giới 24h

Con đường thương mại của Canada đến ASEAN cần thêm sự linh hoạt

Quỳnh Vũ

Để có được quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường ASEAN, Canada cần cân bằng tinh tế giữa Chương trình Nghị sự thương mại tiến bộ của mình, vốn đang đặt ra thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển, với một cách tiếp cận linh hoạt về tự do hóa thương mại có tính đến các mức độ phục hồi kinh tế khác nhau giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Cách tiếp cận của Canada

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương 2024 tại Lima, Chile, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto và Thủ tướng Canada Justin Trudeau khi đó đã cùng nhau công bố “hoàn tất quá trình đàm phán thực chất” đối với Thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện Canada – Indonesia (CEPA), được kỳ vọng giúp GDP của Indonesia tăng thêm 1,4 tỷ USD và tăng 851 triệu USD kim ngạch xuất khẩu sang Canada trong trung hạn. Thỏa thuận này dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay, nhấn mạnh bước tiến của Canada với tư cách là quốc gia đến sau trên “sân khấu kinh tế” Đông Nam Á chỉ 3 năm sau khi nước này thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình.

img_0064.jpeg

Cách Ottawa tiếp cận thị trường Đông Nam Á là sự kết hợp của phương pháp tiếp cận song phương và khu vực. Trong nhiều năm, Canada đã đàm phán một hiệp định thương mại tự do khu vực với 10 quốc gia thành viên ASEAN, bao gồm cả Indonesia.

Trước Canada, Liên minh châu Âu đã cố gắng đạt được thỏa thuận liên khu vực với ASEAN. Nhưng tầm nhìn đầy tham vọng của EU đã gặp khó khăn khi vấp phải tính không đồng nhất thực tế của các quốc gia thành viên ASEAN. Năm 2009, Liên minh châu Âu đã chọn cách tiếp cận hợp tác tập trung vào các thỏa thuận song phương.

Trong khi Liên minh châu Âu lựa chọn cách tiếp cận khu vực trước, song phương sau, Canada đang theo đuổi cả hai cùng một lúc. Nhưng đàm phán với ASEAN không hề dễ dàng.

Canada là quốc gia phát triển, ngay cả trong thương mại quốc tế. Chương trình Nghị sự thương mại tiến bộ (PTA) của Canada, được đưa ra vào năm 2017, đặt ra các tiêu chuẩn rất cao trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, quyền lao động và bình đẳng giới thông qua các điều khoản thỏa thuận thương mại của mình. Các thỏa thuận “thế hệ mới” này đang gia tăng, nhưng lại tỏ ra không thực tế khi vấp phải các trở ngại về tài chính, thể chế hoặc chính trị trong quá trình thực thi, đặc biệt là đối với các nền kinh tế đang phát triển, cần tập trung vào khả năng cạnh tranh. Với một số quốc gia thành viên ASEAN được xếp vào nhóm các nền kinh tế kém hơn trong khối, họ có thể sẽ không chấp nhận các yêu cầu tiến bộ của Canada.

Phạm vi của thỏa thuận có thể cần phải được điều chỉnh cho các nền kinh tế này. Nông nghiệp là một ví dụ điển hình. Việc giảm bớt các rào cản thuế quan trong lĩnh vực nông nghiệp khiến những người nông dân phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt mặt kinh tế, chưa kể đến những hậu quả xã hội nghiêm trọng khác. Và xét đến hệ thống quản lý nguồn cung của Canada đối với các sản phẩm như sữa, gia cầm và trứng - dựa vào hạn ngạch và thuế quan cao để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước - thì việc tự do hóa nông nghiệp hoàn toàn có lẽ cũng không nằm trong chương trình nghị sự của Canada. Có thể mong đợi những trường hợp loại trừ.

Cần sự điều chỉnh linh hoạt và phù hợp

Xem xét các nền kinh tế kém phục hồi này, Canada có thể phải cân nhắc những điều chỉnh hoặc ngoại lệ cần thiết. Khi khu vực thương mại tự do của ASEAN được thành lập vào những năm 1990, các nước tiên tiến hơn như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore được quy định thời gian áp dụng ngắn hơn so với các nước kém phát triển hơn như Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên ASEAN đã “về đích” vượt quá mong đợi khi hoàn thành quá trình tự do hóa trước thời hạn. Một mô hình tự do hóa tương tự là hoàn toàn khả thi đối với quan hệ đối tác Canada-ASEAN.

Hiệp định thương mại tự do mang tính biểu tượng của ASEAN, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), là một ví dụ điển hình về một hiệp định thương mại được thiết kế phù hợp với thực tế kinh tế của các bên tham gia. Quyền tự chủ của các quốc gia thành viên về một số mặt hàng đã đưa đến việc loại trừ đabgs kể các sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa sản xuất thâm dụng lao động, các sản phẩm chiến lược như xe cộ và hàng hóa có tác động tiêu cực bên ngoài khỏi danh sách miễn thuế. RCEP cũng đặt ra mức trần 20 năm để giảm thuế quan, tạo điều kiện về lộ trình giảm thuế dần dần cho các nền kinh tế kém phục hồi nhất của Đông Nam Á. Thiết kế linh hoạt này cho phép các quốc gia lựa chọn một danh sách nhượng bộ duy nhất cho tất cả hoặc danh sách riêng cho từng quốc gia.

Một thỏa thuận linh hoạt theo kiểu RCEP có thể là cách tiếp cận được ưa chuộng đối với các nền kinh tế kém phục hồi hơn trong ASEAN vì thỏa thuận này cho phép các quốc gia kiểm soát đối với danh sách nhượng bộ, loại trừ các lĩnh vực nhạy cảm và thời hạn thực hiện dài. Nhưng nó không phục vụ lợi ích trước mắt của các quốc gia thành viên ASEAN phát triển hơn như Indonesia hoặc Singapore.

Mặt khác, một thỏa thuận ASEAN-Canada có tiêu chuẩn cao và tiến bộ là một kịch bản đáng cân nhắc khi xét đến cam kết của Ottawa đối với Chương trình Nghị sự thương mại tiến bộ của mình. Tuy nhiên, để có được sự ủng hộ của các nền kinh tế kém phát triển hơn đối với cách tiếp cận này, Canada có thể sẽ phải đề xuất các biện pháp bù đắp như cung cấp chuyên gia, sáng kiến xây dựng năng lực hoặc hỗ trợ tài chính, có thể thông qua các kênh hỗ trợ phát triển chính thức. Trên thực tế, chủ nghĩa khu vực cởi mở của ASEAN cho phép một quá trình hội nhập linh hoạt và dễ thích nghi hơn. Để đảm bảo quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường ASEAN, Chính quyền mới ở Ottawa nên áp dụng cách tiếp cận linh hoạt và hòa giải, đặc biệt là khi nước này đang đứng trước cơn bão thương mại sức tàn phá khủng khiếp từ nước láng giềng phương Nam thổi tới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Con đường thương mại của Canada đến ASEAN cần thêm sự linh hoạt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO