Côn Đảo - trường học lớn về chí khí cách mạng

Thái Bình 28/04/2019 10:40

Cảnh đẹp mang trong mình khúc tráng ca bi hùng và những linh hồn bất tử như Côn Đảo, hiếm quốc gia, dân tộc nào có được. Ở đó, gian khổ và nỗi căm hờn đã tôi luyện những người dân yêu nước vững như bức thành đồng! Ở đó, máu, nước mắt đã hóa vào lòng biển, thấm trên từng thớ đất trở thành nơi ươm mầm cho dòng chảy cách mạng lớn mạnh…

Bất diệt ngay cả khi ngã xuống!

Cuộc gặp mặt giữa các cựu tù Côn Đảo và lão thành cách mạng qua các thời kỳ nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Đảo (29.4.1979 - 29.4.2019), do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hôm 26.4, một lần nữa làm nghẹn lòng tất cả những người tham dự. Vẫn câu chuyện cũ, vẫn người kể cũ nhưng mỗi lần nghe là mỗi lần bàng hoàng, xót xa và bội phần cảm phục.

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Trương Mỹ Hoa mở đầu dòng ký ức với những ngày đấu tranh chống lăn tay, chụp hình, bẻ gãy âm mưu thâm độc của kẻ thù nhằm đánh đồng những người tù chính trị với tù trộm cướp; khiến những người yêu nước không có cơ hội trở về. Bà kể rằng, để chống lại âm mưu này, mỗi ngày bà và các bạn tù đều thấm ướt các đầu ngón tay, mài xuống nền xi măng đến độ chảy máu để làm mòn dấu vân tay. Việc chụp hình cũng được phá bằng cách “lè lưỡi, há họng… đến biến dạng khuôn mặt, khiến bọn địch không thể chụp được hình thật của chúng tôi” - bà Trương Mỹ Hoa nói.

Cầu Tàu 914, nơi ghi dấu những ký ức bi hùng Ảnh: Đức Kiên
Cầu Tàu 914, nơi ghi dấu những ký ức bi hùng  Ảnh: Đức Kiên

Những người tù Côn Đảo luôn tâm niệm hai việc: Chống và xây. Chống là chống lại những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù; xây là xây dựng tổ chức vững mạnh. Để rồi, trước cuộc sống khắc nghiệt trong nhà giam, các chiến sỹ cùng nhau phát động cuộc đấu tranh trên diện rộng, đòi địch chấm dứt đàn áp tù chính trị; cải thiện đời sống tù nhân như cải thiện bữa ăn, chăm sóc sức khỏe, mở cửa cho tù nhân tắm nắng - tắm nước hàng ngày, chuyển các tù thường phạm đầu gấu đi nơi khác. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh đã bị đàn áp vô cùng dã man. Chúng “lùa” tất cả những tù nhân chính trị bị tra tấn đến què quặt, không đi, đứng được ra trại Dù (thực chất là dựng những tấm dù vải ven bờ biển) trong suốt 29 ngày đêm hòng làm lung lạc ý chí đấu tranh của anh em. Trước tình hình đó, có 5 đồng chí xin được mổ bụng tự sát, để nâng cao tính đấu tranh. Cuối cùng, địch đã phải nhượng bộ giải quyết một số đòi hỏi của anh em tù nhân.

Khó có bút nào tả xiết sự tàn ác và âm mưu quỷ quyệt hành hạ người tù cả về thể xác lẫn tinh thần đến kiệt cùng sức lực của địch. Nhưng những người tù yêu nước vẫn nêu cao tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất, thà chết chứ không chịu đầu hàng. Như hình ảnh của Nữ Anh hùng Võ Thị Sáu - vẫn ngẩng cao đầu, bảo vệ khí tiết cách mạng khi cận kề với cái chết. Để rồi, khi hy sinh, hình ảnh chị làm kẻ thù khiếp đảm và mãi mãi bất diệt trong tâm thức người Việt.

… cho một Côn Đảo tươi đẹp

Khép lại một chương sử dài bi tráng, Côn Đảo - “địa ngục trần gian” trước đây, giờ đã hồi sinh mạnh mẽ và đang vươn mình phát triển không ngừng. Hệ thống đường giao thông trên đảo được đầu tư khang trang sạch đẹp, sạch bóng với những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng mọc lên ngày càng nhiều. Mỗi ngày 24 chuyến bay và các chuyến tàu du lịch ra, vào đảo đã mang theo từ 1.500 - 3.000 khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. 3 năm trở lại đây, sức hút của Côn đảo với du khách trong và ngoài nước tăng lên rất nhanh, mức tăng từ 37% đến gần 50%/năm. Huyện Côn Đảo đặt mục tiêu đến năm 2020, đạt 183 nghìn lượt khách, nhưng năm 2018, con số này đã đạt trên 268 nghìn, tăng 17% so với năm 2017, đồng thời cũng vượt hơn 50% so với mục tiêu của năm 2020. Năm 2019 dù chưa bước vào mùa du lịch chính nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm đã có hơn 64 nghìn lượt khách đến với Côn Đảo với doanh thu đạt trên 327 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2018.

Trò chuyện với quân và dân huyện đảo nhân 40 năm thành lập Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Côn Đảo, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, “địa ngục trần gian” trước đây, giờ đã hồi sinh mạnh mẽ và đang vươn mình phát triển không ngừng, trở thành hòn đảo bình yên, giàu tiềm năng, lợi thế, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư và du khách trong, ngoài nước. Theo Phó Chủ tịch Nước, với mục tiêu đến năm 2030, sẽ đưa Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, mang đậm văn hóa truyền thống gắn liền với phát huy các giá trị của Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Côn Đảo; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành đô thị du lịch… Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Côn Đảo cần tiếp tục triển khai tốt các quyết định của Trung ương đối với Côn Đảo; có chiến lược phát triển đặc thù “gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam”.

Đặc biệt quan tâm phát huy giá trị của Khu di tích để tạo nên một Côn Đảo đặc sắc, riêng có; trở thành viên ngọc xanh quý, hiếm của cả nước; thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước cũng như thu hút nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho tỉnh và huyện trong thời gian tới. Phấn đấu xây dựng Côn Đảo như lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói cách đây 43 năm khi về thăm Côn Đảo: “Xây dựng Côn Đảo chẳng những thành một hòn đảo giàu đẹp về kinh tế, mạnh mẽ về quốc phòng mà còn phải giữ gìn những di tích lịch sử ấy trở thành tài sản của nhân dân, một thứ tài sản vô giá lưu truyền cho đến nghìn đời cho con cháu mai sau”. Để nơi đây, mãi là trường học lớn về chí khí cách mạng quật cường của dân tộc! 

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh: Tuân thủ nghiêm ngặt không gian bảo tồn

Ngày 17.6. 2015, tại Quyết định 870/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Với mục tiêu đến năm 2030, đưa Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống gắn liền với phát huy các giá trị của Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Côn Đảo. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Côn Đảo trở thành đô thị du lịch.

Ảnh: Đức Kiên
Ảnh: Đức Kiên

Theo đó, có 19 điểm Chính phủ cho phép đầu tư theo từng phân khu: Trung tâm thị trấn Côn Sơn; khu phố Pháp tại thị trấn Côn Sơn; khu vực lịch sử - văn hóa - tâm linh; cảng Bến Đầm; dải bờ biển hoang sơ; dải bờ biển cảnh quan; vùng núi Côn Đảo (bao gồm cả vườn quốc gia Côn Đảo) và hệ thống các đảo nhỏ. Ngoài 19 điểm này, các không gian còn lại là bất khả xâm phạm. Như vậy, quy hoạch cho Côn Đảo - khâu quan trọng nhất trong lộ trình phát triển đã rõ. Vấn đề còn lại là Tỉnh ủy, UBND tỉnh phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch của Thủ tướng.

Như bạn đã biết, Côn Đảo có hai điểm hấp dẫn: Hệ sinh thái, biển, rừng còn hoang sơ; và là nơi lưu giữ chứng tích đọa đày tàn khốc của hai cuộc chiến tranh vĩ đại chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ - điều ít nơi trên thế giới có được, thậm chí là không có. Tuy nhiên, diện tích của Côn Đảo không lớn; hạ tầng chưa thực sự bảo đảm; nhất là nguồn nước sinh hoạt thiếu… nhưng mỗi ngày, huyện đảo này đón trung bình 1.500 khách du lịch trong và ngoài nước đến chiêm bái, mùa cao điểm, lên tới 3.000 lượt khách. Bên cạnh đó, mỗi tháng, biển Côn Đảo bị hàng trăm tấn rác đại dương trôi vào các bãi tắm, các hòn đảo nhỏ xung quanh, đòi hỏi phải có nguồn lực cả về con người và tài chính để xử lý.

Trước thế mạnh và thách thức mà Côn Đảo đang đối diện, một mặt, tỉnh tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư các dự án du lịch; kêu gọi xã hội hóa một số lĩnh vực trong bảo tồn, phục chế di tích. Mặt khác, tranh thủ nguồn lực của Trung ương để xây dựng hạ tầng du lịch, tăng hiệu quả quản lý và phát huy giá trị của các di tích. Đối với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian sinh thái, tỉnh vận động người dân trên đảo không sử dụng túi nilon, để từ đó lan tỏa tinh thần “nói không với túi nilon” tới khách du lịch. Đối với vấn đề nước sinh hoạt, tỉnh đang nghiên cứu phương án lấy nước ngọt từ độ ẩm không khí và nước biển theo công nghệ Israel. Xét về điều kiện tự nhiên thì đây là phương án khả thi, bởi độ ẩm không khí của Israel đạt 47% trong khi Côn Đảo là 72%. Tuy nhiên, để sản xuất nước ngọt theo phương án này, Israel phải bỏ 2 USD cho 1m3 nước; trong khi với khối lượng đó, người dân Việt Nam mới chỉ mất hơn 1 USD. Do đó, về mặt chi phí, chúng tôi phải tính toán!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Côn Đảo - trường học lớn về chí khí cách mạng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO