Còn bất bình đẳng giới, còn bạo lực gia đình
Mặc dù đã có các quy định, ngăn cấm, định tội cho hành vi bạo lực gia đình (được thể hiện trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Hình sự…), nhưng thời gian qua, nhiều nơi vẫn xảy ra những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân là do chưa xóa được bất bình đẳng giới.
Nỗi ám ảnh…
Từ năm 2012 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 130.000 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, nam giới chiếm hơn 83% đối tượng gây bạo lực gia đình. |
Chưa có thống kê cụ thể về số vụ việc bất bình đẳng giới gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng từ những vụ án mạng mà thủ phạm lại chính là những người thân, hàng ngày “tay ấp má kề” xảy ra trong thời gian gần đây tại một số địa phương cho thấy, bất bình đẳng giới là nguyên nhân gây bạo lực gia đình và nhiều hệ lụy đáng buồn.
Bàn về vấn đề bạo lực gia đình, không ít người chủ quan cho rằng “bạo lực gia đình chỉ là vài cái tát, vài câu chửi” chẳng có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, sâu xa hơn, nếu cái tát, lời đe dọa không bị xử lý, không được phát giác và ngăn chặn kịp thời thì rất có thể nó chính là nguyên nhân dẫn tới những tội ác kinh hoàng. Không chỉ các vụ chồng đánh vợ “leo thang” thành tội ác, đã có không ít vụ “tức nước vỡ bờ” mà những nạn nhân bị hành hạ trong thời gian dài - những người vợ - đã không kìm chế nổi. Vụ án “vợ giết chồng chặt xác phi tang” diễn ra cuối năm 2017 tại Sóc Trăng là một ví dụ điển hình.
Nhiều vụ bạo lực gia đình bắt nguồn từ bất bình đẳng giới, người nam trong gia đình coi thường phụ nữ dẫn đến bạo lực, hệ quả là những người thân, con cái bị gây ám ảnh. Nhớ về hành vi bạo lực của người chồng vũ phu, chị Nguyễn Thị Ánh ( huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) không khỏi ngậm ngùi cho biết: Chồng chị là người vốn hào hoa, ăn nói có duyên nên anh ta có đến 3 đời vợ. Do bản tính ăn chơi, làm ít tiêu nhiều nên nợ nần chồng chất, không những không mang tiền về cho vợ con, anh ta còn bắt vợ phải cho tiền để tiêu sài. Chỉ vì các bà vợ trước không đáp ứng được nên đã bị anh ta đánh đập liên tục, nhẹ thì sưng mặt mày, nặng thì chấn thương sọ não phải nằm viện. Bản thân chị, do không ở cùng quê nên không rõ gốc tích của chồng, khi nghe những lời thủ thỉ đường mật chị đã bùi tai đồng ý làm vợ thứ 3 của anh ta. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chị cũng bị rơi vào cảnh tương tự như các bà vợ trước, mỗi khi không hài lòng điều gì là anh ta lôi ra túm tóc, đánh cho đến bất tỉnh. Sau mỗi sự việc, chị đều báo chính quyền, công an xã, huyện, hội phụ nữ, nhưng kết cục tình hình không những không được cải thiện mà sau mỗi lần có sự can thiệp của cơ quan chức năng, các trận đòn anh chồng dành cho chị ngày càng dã man hơn. Có lần, trong cơn say, anh còn dọa chém, dọa bán sang Trung Quốc lấy tiền để trả nợ. Quá hoảng loạn và sợ những lời nói đó, chị đã phải bỏ trốn khi chồng đang trong cơn say…
![]() |
Tuyên truyền để nâng cao nhận thức
Nhận định về vấn đề này trên Báo An ninh Thủ đô với bài viết “Bạo lực gia đình: Đốt cháy hạnh phúc” ra ngày 20.3, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) Trịnh Hòa Bình cho biết: Mâu thuẫn gia đình không được giải quyết, bạo lực gia đình diễn ra trong thời gian dài có thể khiến nạn nhân bị u uất, trầm cảm và nung nấu căm hờn, giận dữ với người gây bạo lực. Đến một ngày, giận dữ có thể bùng phát thành những tội ác. Đó là lý do khiến nhiều chị em sau một thời gian dài bị chồng đánh đập, bỗng một ngày phản kháng và giết chồng.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS Khuất Thu Hồng cũng cho biết: Hiện nay Việt Nam có hàng chục luật có các quy định, ngăn cấm, định tội cho hành vi bạo lực gia đình như Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Hình sự… Tuy nhiên, các luật này vẫn còn hạn chế, việc xử phạt hành vi bạo lực gia đình không nghiêm minh, đa số thường được hòa giải, hòa giải không bao giờ dập tắt được bạo lực. Nhận thức của người dân cũng còn nhiều hạn chế, tâm lý “đóng cửa bảo nhau”, chứ không muốn “vạch áo cho người xem lưng”…
Với sự phát triển của xã hội ngày nay, nhận thức của người dân về xã hội ngày càng phải được nâng cao. Thế nhưng thực tế, hàng ngày ở đâu đó vẫn xảy ra các vụ bạo lực gia đình. Tất cả là do vẫn chưa xóa bỏ được bất bình đẳng giới. Ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng trọng nam khinh nữ, đàn ông được quyền đàn áp phụ nữ, “dạy vợ”. Ngay cả các bà vợ nhiều khi cũng chấp nhận việc cam chịu để chồng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Do đó, để chấm dứt tình trạng này, bên cạnh thực hiện nghiêm những chính sách nêu trên, các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới. Bởi khi một xã hội không có bất bình đẳng giới, tự thân các vụ việc đau lòng từ bạo lực gia đình sẽ bị đẩy lùi.