Cáo buộc tham nhũng nhằm vào Bộ Y tế Philippines

Cơn bão chính trị đối với Tổng thống Duterte?

- Thứ Tư, 01/09/2021, 08:00 - Chia sẻ
Cho đến nay, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã vượt qua được khá nhiều sóng gió, chẳng hạn những chỉ trích liên quan đến cuộc chiến chống ma túy quá khắc nghiệt của ông hay mối quan hệ quá mật thiết của ông với Bắc Kinh bất chấp việc Trung Quốc đang thúc đẩy các kế hoạch xây dựng ở Biển Đông. Tuy nhiên, cuộc điều tra tham nhũng đang được thúc đẩy tại Thượng viện hiện nay có thể sẽ trở thành trận bão làm lung lay nghiêm trọng Chính quyền của ông cũng như ảnh hưởng đến kế hoạch tái tranh cử của ông.

Một báo cáo kiểm toán mới đây của Ủy ban Kiểm toán (COA) đã chĩa mũi dùi về những hoạt động của Bộ Y tế và một số cơ quan chính phủ liên quan đến dịch Covid-19, trong đó người đặc biệt có dính líu là cựu Trợ lý Tổng thống, thượng nghị sĩ Bong Go.

Hai kết luận của Ủy ban Kiểm toán

Trong báo cáo của mình, COA đưa ra hai cáo buộc quan trọng. Thứ nhất, họ cho rằng Bộ Y tế đã không sử dụng hiệu quả các quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19, gây ảnh hưởng đến các chiến dịch phòng chống dịch trong năm 2020.

Cụ thể, COA cho rằng, Bộ Y tế đã hầu như không sử dụng Quỹ Quản lý và Giảm thiểu rủi ro thiên tai (DRRMF) khi chỉ chi hơn 330 triệu peso trong tổng số khoảng 7 tỷ peso được ủy thác vào năm 2020. Bộ cũng được cấp một Quỹ Chuẩn bị và Ứng phó khẩn cấp y tế (HEPR) trong khuôn khổ DRRMF trị giá 279,49 triệu peso, nhưng tính đến cuối năm 2020, Bộ cũng chỉ chi 69,59 triệu peso.

Bên cạnh đó, Bộ còn được phép sử dụng Quỹ Phản ứng nhanh (QRF) là 827,638 triệu peso, và Quỹ Phòng chống thiên tai lên tới 593,836 triệu peso. Tuy nhiên, COA cho biết Bộ Y tế chỉ chi 158,59 triệu peso cho Quỹ Phản ứng nhanh và 61 triệu peso cho Quỹ Phòng chống thiên tai.

Theo các kiểm toán viên, việc sử dụng ngân quỹ thấp đã tác động tiêu cực đến quá trình cung cấp các dịch vụ y tế mà Bộ Y tế lẽ ra phải cung cấp vào năm ngoái cũng như ảnh hưởng đến những hỗ trợ cần thiết cho các nhân viên y tế tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

COA lấy ví dụ về dự án ​​xây dựng Bệnh viện Đa khoa thành phố Marawi. Nhóm kiểm toán cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã phê duyệt dự án vào ngày 17.11.2020 và Bộ Ngân sách và Quản lý (DBM) đã ban hành lệnh phát hành phân bổ đặc biệt (SARO) 10 ngày sau đó. Tuy nhiên, dự án đã không được tiến hành vì Bộ Y tế không sử dụng ngân sách 62 triệu peso cho phát triển trụ sở và các công trình cảnh quan.

COA cho biết: “Không có nghĩa vụ nào được thực hiện liên quan đến các khoản tiền này, do đó, khoản ngân sách mất hiệu lực và được hoàn trả cho ngân khố quốc gia”. “Chúng tôi quan điểm rằng sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 phải là động lực để Bộ Y tế hành động nhiều hơn nữa. Các dịch vụ y tế đóng một vai trò quan trọng trong việc cứu sống người dân Philippines”, COA cho biết.

COA cũng đặt câu hỏi về việc Bộ Y tế sử dụng không đúng mức các khoản quyên góp từ Đại sứ quán Trung Quốc. Từ các khoản viện trợ của Trung Quốc, Bộ Y tế chỉ chi ra 4,45 triệu peso để mua một chiếc xe tải chở hàng hạng nhẹ và một chiếc xe tải giao hàng nhỏ. 42,67 triệu peso còn lại đã được hoàn trả vào kho bạc quốc gia. “Điều đó chứng tỏ rằng không có đủ chương trình và dự án được thực hiện trong năm để giảm thiểu rủi ro liên quan đến dịch bệnh. Nó cũng cho thấy Bộ Y tế không sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính mặc dù đã trích lập và phân bổ một nguồn quỹ khổng lồ”, báo cáo của COA nêu rõ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Francisco Duque III đã bác bỏ cáo buộc Bộ của ông đã xử lý sai hàng tỷ peso, và đổ lỗi việc sử dụng quỹ thiếu hiệu quả này là do công việc phức tạp và nguy hiểm, các hạn chế đi lại khiến hoạt động mua sắm gặp khó khăn, thiếu nhân lực và không tìm được nhà thầu hay nhà cung cấp quan tâm.

Nhưng các kiểm toán viên lập luận rằng, với nhiệm vụ của bộ trong việc điều phối các chương trình và dịch vụ y tế của chính phủ, Bộ Y tế có nhiệm vụ “ bảo đảm cung cấp hiệu quả các dịch vụ y tế cần thiết”. Trong bối cảnh dịch bệnh đang là vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay. Cáo buộc này thực sự là mồi lửa châm ngòi lên phản ứng giận dữ của công chúng cũng như làm dấy lên những lời kêu gọi Bộ trưởng Bộ Y tế Francisco Duque III từ chức.

Thượng nghị sĩ Christopher Bong Go và Tổng thống Rodrigo Duterte

Nguồn: Philippines News Agency

Thứ hai, báo cáo của COA cũng đặt nghi vấn về các chi phí đáng ngờ của Chính phủ. Những giao dịch bất thường này bao gồm việc Chính phủ mua sắm khẩu trang và mặt nạ chống giọt bắn với mức giá quá cao. Một cuộc điều trần ở Thượng viện tiết lộ rằng, quan chức phụ trách vụ mua sắm đáng ngờ trước đây từng làm việc dưới quyền của Thượng nghị sĩ Bong Go khi ông vẫn là Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Duterte.

Ông Go không chỉ là một thượng nghị sĩ hay Trợ lý Tổng thống đơn thuần, trên thực tế, ông là cố vấn thân cận nhất của Tổng thống, người vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của ông Duterte ngay cả sau khi đắc cử thượng nghị sĩ vào năm 2019. Một cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông Go có thể làm tổn hại đến uy tín của tổng thống.

Lung lay trong cơn bão

Đây là lý do khiến Tổng thống Duterte đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích báo cáo của COA là phiến diện và mang mục đích chính trị, ngụ ý rằng các kiểm toán viên nhà nước không độc lập trong việc đưa ra các ý kiến ​​bất lợi đối với các cơ quan chính phủ; bảo vệ sự liêm chính của các thành viên nội các của mình, đặc biệt là Bộ trưởng Duque và từ chối yêu cầu ông Duque từ chức. Ông cũng bác bỏ cuộc điều tra đang diễn ra của Thượng viện và khuyến cáo công chúng không nên tin vào sự "bảo kê" của một số nhà lập pháp.

Tuy nhiên, những phát biểu của Tổng thống có thể sẽ chỉ giống như đổ thêm dầu vào lửa bởi trong phiên điều trần mới đây nhằm xem xét trách nhiệm giải trình của Bộ Y tế, có những bằng chứng tiết lộ rằng một quan chức có liên hệ với Thượng nghị sĩ Go đã trao một hợp đồng kếch xù cho một công ty nhỏ có quan hệ với cựu cố vấn của tổng thống.

Bên cạnh đó, những cáo buộc cho rằng COA làm việc thiếu sự liêm chính và vì mục đích chính trị hoàn toàn không nhận được sự đồng tình của dân chúng. Bởi COA là một trong ba ủy ban hiến pháp (hai ủy ban còn lại là Ủy ban Dịch vụ Dân sự và Ủy ban Bầu cử). Hiến pháp đã trao cho COA một quy chế hoạt động độc lập, nằm ngoài sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan nào trong chính phủ, bao gồm cả Tổng thống nhằm bảo đảm cho công việc của cơ quan này hoàn toàn nằm ngoài những áp lực chính trị.

Có những dấu hiệu cho thấy Bộ trưởng Duque sẽ đứng trước áp lực từ chức nhưng điều đó không có nghĩa là vụ việc này sẽ nhanh chóng lắng xuống vì mùa bầu cử sẽ sớm bắt đầu. Ông Duterte chắc chắn nhận thức được tác động chính trị của vụ việc lần này. Một vụ án tham nhũng liên quan đến hàng tỷ peso mà Thượng viện gọi là hành động “lợi dụng đại dịch” có khả năng đưa đến một cơn bão phẫn nộ trong công chúng. Ông Duterte hẳn còn nhớ những gì đã xảy ra với cựu Tổng thống Joseph Estrada, người bị lật đổ bởi một cuộc nổi dậy của người dân vào năm 2001; hay Tổng thống Noynoy Aquino quá cố, người tiền nhiệm của ông Duterte, cũng là một tổng thống nổi tiếng cho đến khi một chương trình giải ngân mà ông phân phối cho các nhà lập pháp bị tuyên bố là vi hiến.

Cũng có thể với uy tín chính trị cao của mình và bằng nhiều biện pháp, ông Duterte có thể sống sót qua sóng gió lần này nhưng ông sẽ không thể tiếp tục tuyên bố chống tham nhũng là một thành tựu trong nhiệm kỳ của mình. Trong khi đó, phe đối lập đã tìm thấy vũ khí để sử dụng trong các cuộc bầu cử 2022.

Đạt Quốc
Theo The Diplomat, Rappler, Philstar