Cơm nhà ngày bão

- Chủ Nhật, 22/03/2020, 07:45 - Chia sẻ
Nhìn cảnh người người nhà nhà lo tích trữ đồ ăn thời Covid, tôi bỗng lại nhớ những bữa cơm mùa mưa bão một thời xa, cũng những bà những mẹ suốt ngày lo con mình thiếu cái ăn, ăn không đẫy miệng... mà chi chút nghĩ gần, lại tới lo xa...

Những năm 60 của thế kỷ XX, khi tôi bắt đầu lớn thì Hà Nội chưa có truyền hình, chỉ có Đài truyền thanh và báo viết. Nhưng mẹ tôi, người chủ của một đại gia đình mười mấy nhân khẩu, thì luôn kết hợp cả việc trông trời đất lẫn nghe đài, xem báo. 

Nhà tôi ở mé đông khu phố cổ, giáp bờ đê sông Hồng khá thanh thoáng. Chiều chiều, hễ cứ nhìn thấy bầu trời trên sông Hồng có gì khang khác, hoặc mây đổi màu, gió đổi hướng, mẹ tôi lại che tay lên mắt nhìn ngắm, rồi lẩm bẩm một câu thành ngữ, tục ngữ gì đó, kiểu như: “Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa”. Hay: “Chớp thừng chớp chão/ Chẳng bão thì mưa”. Vào bữa cơm tối, thể nào mẹ tôi cũng hỏi bố tôi: 

- Thế ông nghe đài xem báo thấy nói thời tiết thế nào?

- Bà cần gì phải hỏi tôi. Sớm mai lại đầy nhà bầu bí với vừng lạc. Bố con tôi ăn cả tuần phát chán.

Thời ấy, các chợ Hà Nội vẫn họp thường ngày. Nhưng cứ hễ mưa bão là hầu như nghỉ hết. Nhịp sống phố phường chậm rãi. Phương tiện giao thông đi lại không thuận tiện như bây giờ. Bà con nông dân ngoại thành cứ mưa to bão lớn là nghỉ ở nhà, không hái rau, đánh cá, bắt cua đem ra phố chợ nữa. Một phần là vì cũng đã quá quen với tập quán tích trữ đồ ăn phòng mưa bão của các bà nội trợ Hà Nội từ lâu đời.

Bố tôi nói chả sai. Sáng hôm sau đi chợ Hàng Bè, mẹ tôi, dì tôi lại khệ nệ mấy cái làn đẫy. Trong đó chất đủ các thức rau quả, bầu bí, vừng lạc. Rồi cá khô, mắm tôm. Mẹ tôi xuýt xoa:

- Tôi về nhà trông hàng đã. Dì nó chịu khó ra xếp hàng mậu dịch, mua lấy mấy lạng thịt về rán mỡ với chưng mắm tôm. 

- Vâng, chị cứ về trước đi. Nhờ bà nhặt sẵn hộ em mớ rau muống. Tí về xào tỏi ăn trưa luôn.

Quả nhiên, vừa đội mưa đi học về đến nhà, chị em tôi đã thấy mùi rau muống xào tỏi thơm sực. Rửa vội tay chân dọn bát, bê cơm. Vào mâm, cả đám lau nhau tranh nhau tìm kiếm mấy miếng tóp mỡ lẫn trong đĩa rau xào. Cười khanh khách sung sướng. Mỗi đứa đánh thêm vài bát cơm là chuyện thường, dù là cơm gạo mậu dịch hạt bở toẹt, nhạt hoét.

Rau muống xào ngày ấy không phải muốn là ngày nào cũng được ăn. Lấy đâu ra mỡ màng mà dùng hàng ngày. Thịt thà bán tem phiếu. Tích cóp đổi chác suốt năm, dịp lễ, Tết, mưa bão mới mang ra mua. Mà chủ yếu là mua loại thịt bạc nhạc hay thịt thủ, để được mua một thành hai. Có đâu mà dám ăn hoang.

Dì tôi mua thịt phiếu về, phải tranh thủ thảo luận với mẹ tôi. Chỗ nào đem rán mỡ để dành, chỗ nào băm nhỏ chưng mắm tôm, chỗ nào có tí nạc thì dành làm ruốc để nấu bột cho em bé. 

Cơm nước xong xuôi, chị em tôi được phân công đứa nhặt thái hành khô cho chị Trưởng chưng mắm tôm, đứa rang lạc, ủ lạc, đứa rang muối, giã vừng. Riêng âu lạc rang mỡ lăn muối và lọ ruốc thịt, thì phải do đích tay dì tôi thể hiện.

So với rau muống xào, thì rau bí xào còn là cao cấp hơn một bậc. Ngày thường cũng đâu dễ được ăn. Thành thử, đám chị em chúng tôi có khi chỉ ước trời mưa bão để có cơ hội được ăn rau muống hay rau bí xào tỏi lẫn tóp mỡ. 

Hai bà còn phải để mắt hướng dẫn các em tôi cách rang lạc trên bếp mùn cưa lửa liu riu cho lạc chín đều từ ngoài vào trong, không được sốt ruột rang nhếu nháo, để lạc chỗ cháy chỗ sống. Lạc rang xong ủ vào bọc giấy báo, chờ nguội, dỡ ra xoa sát, sàng sảy bay sạch vỏ. Rồi cho vào cối giã giập giập. Vừng rang thì nhanh hơn, cứ đều tay dăm phút đã nghe vừng nổ lép bép, làn khói mỏng nhẹ bốc lên từ đáy chảo. Bắc nhanh chảo ra, đảo thêm mươi đũa cho nguội, là đem giã nhỏ được rồi. Mùi vừng lạc rang khi đang giã đã bốc lên thơm sực cả căn bếp. 

Các món ăn dành ăn dè ngày xưa thường mặn lắm. Từ thịt kho, tôm rang đến muối vừng, cá khô. Một thời cả nước gian khó, tiết kiệm là hàng đầu. 

Mẹ tôi bảo chị em tôi lau thật khô những chiếc hộp nhôm cũ vốn là hộp đựng sữa Ghi- gô Pháp mà bà nuôi chị em tôi những năm trước cải tạo tư sản tư doanh. Thế rồi chị tôi xúc lạc rang mỡ muối, xúc muối vừng lạc vào mấy cái hộp ấy, đậy nắp cẩn thận, cất lên chạn trên. Trong lúc ấy, chị Trưởng tôi cũng đã sắp chưng xong mẻ mắm tôm với thịt băm . Mùi mắm chưng hành mỡ bốc lên ngào ngạt.

Cũng có đợt Hà Nội bão lụt to. Bà con dưới bãi Phúc Tân, Phúc Xá ngoài đê sơ tán lên mặt đê dựng lều căng võng, nom rất khổ. Đám trẻ chúng tôi có biết gì nỗi lo của người lớn, cứ chiều chiều tan học là kéo nhau sang đê xem nước lên. Có năm nước mấp mé mặt đê, càng phấn khích.

Nhưng chính quyền thành phố thì lo toan tất bật. Công an bộ đội cũng được huy động sang hộ đê bằng những hàng bao tải chứa đầy đất cát xếp thành các con chạch trên đê. Từ gác thượng nhà tôi nhìn ra đê, bố mẹ tôi lo lắng ra mặt, mẹ và dì tôi lại cố ra chợ vét nốt nào dưa, nào cà, nào tương nào mắm...

Tuy nhiên, trong những ngày cao điểm ấy, cứ buổi trưa và buổi chiều, là xuất hiện các cô mậu dịch viên đeo tạp dề xanh, đẩy các xe hàng ăn dọc ngang trên các phố ven đe. Trên xe có cơm trắng độn mỳ sợi nóng hổi, rau xào, lạc rang, đậu kho... Nhà nào có tem phiếu gạo là mua được. Cũng có khi đổi bằng gạo. Thi thoảng mẹ tôi cũng cho cả nhà ăn cơm xe mậu dịch. Vì tính ra rẻ lắm. Tôi nhớ mãi một bữa được ăn cơm gạo chiêm đỏ không độn mỳ. Họ thổi khô khô. Đem về nhà rắc chút muối vừng, ăn bùi mà ngọt lắm. Mấy chục năm rồi chưa được ăn lại bát cơm gạo chiêm đỏ. Nghĩ mà thèm thế.

Tối đêm, mưa bão xoay chuyển tứ bề. Sấm chớp ùng oàng. Gió đập rung cửa sổ. Chị em tôi cứ mặc kệ, học bài xong là rúc rích đùa nhau trong tấm chăn mỏng, lắc cắc ăn ngô rang, hết bọc này sang bọc khác. Dì tôi phải hắng giọng đe nẹt, mới chịu nằm im, để cùng cả nhà  nghe phát thanh viên Tuyết Mai đọc truyện đêm khuya. Rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào chả rõ.

Sáng ra, bà ngoại đã rang sẵn cho chảo cơm nóng. Ăn với dưa chua chấm mắm ớt, ngon nuốt lưỡi. Rồi hối hả cắp cặp, đội mảnh nilon che mưa vá mấy chỗ đi học. Tung tăng vui như Tết, đã biết nghĩ gì đâu. Gặp cây đổ giữa đường còn mải đứng xem, tí thì muộn giờ học.  

Có những đợt mưa bão kéo dài cả tuần lễ, nhà tôi cũng không cần phải đi chợ. Mà đi chợ chắc cũng chả có mấy hàng hóa, lại đắt hơn ngày thường khá nhiều. 

Mẹ và dì tôi đã trù liệu đủ hết. Rau ngót, măng tươi lần lượt được mang ra trước. Thế rồi bữa thì bí đao nấu tép moi khô, bữa khác bầu xào tỏi mỡ. Ngày sau, sáng canh dưa nấu lạc, chiều chuyển cà om tía tô lá lốt. Thức ăn mặn thì đấy nhé, sẵn muối vừng, lạc rang, mắm chưng… Quấy bột cho em bé đã có lọ ruốc thịt, ruốc cá.  

Nói chung là ăn mãi thế cũng chán. Tôi ghét nhất là món bí đỏ xào ngọt lờ lợ. Nhưng có hôm dì tôi được nghỉ làm, bày vẽ nấu món chè bí đỏ đậu xanh, thì cả nhà vỗ tay. Có hôm bố tôi cao hứng hỏi mẹ tôi:

- Kỳ này nhà có cá khô không ấy nhỉ?

- Có. Tôi không bao giờ quên. Dì nó ơi, lên gác lấy bọc cá khô treo dưới hiên nhé!

- Vâng. Thế để em đi vo gạo sớm, lấy nước vo ngâm cá cho bớt mặn đã. Nướng mấy con thôi, còn đâu đem hấp hành mỡ, hạt tiêu cho mềm, hai bà mới ăn được.

Chiều ấy, chị em tôi đi học về cách nhà một đoạn đã nghe mùi cá khô nướng bay xa khiến tất thảy đều ứa nước miếng chạy thật mau. Chao ôi, đã lâu lắm tôi chưa được nghe lại cái mùi cá khô nướng những kỳ mưa bão xa xăm. Nhớ ôi là nhớ. Hai bà, bố mẹ, cùng dì Hai nay đều đã ở một nơi xa, rất xa...

Tùy bút của Vũ Thị Tuyết Nhung