Coi trọng cơ cấu và chất lượng để có nguồn vốn FDI chất lượng
Tại dự thảo Đề án Đánh giá thực trạng FDI và định hướng đến năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh việc coi trọng cơ cấu và chất lượng vốn FDI trong thời gian tới. Nhưng để thực hiện mục tiêu này, điều khó tránh khỏi là sẽ phải chấp nhận giảm mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài trong một số năm tới. Hay nói cách khác là phải đánh đổi để có nguồn vốn đầu tư FDI chất lượng.
Tại Đề án Đánh giá thực trạng FDI và định hướng đến năm 2020 đang được xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác định sẽ chuyển dần sang coi trọng cơ cấu và chất lượng; thu hút vốn đầu tư có hàm lượng carbon thấp; công nghệ hiện đại; thu hút đầu tư nước ngoài nhằm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, lao động có kỹ năng và nhằm tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước, kết nối chuỗi giá trị và nâng chất trong chuỗi giá trị. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thực hiện tốt những định hướng ưu tiên thu hút vốn FDI này sẽ kích thích, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhà nước, làm tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
![]() Nguồn: misa.com.vn |
Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng không thể duy ý chí. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, luôn tồn tại tình trạng vênh nhau giữa điều chúng ta cần và nhà đầu tư nước ngoài muốn. Căn nguyên của hiện tượng này là do doanh nghiệp trong nước chưa cung cấp được dịch vụ, nguyên phụ liệu đúng yêu cầu về thời gian, chất lượng của đối tác. Trong khi đó, hiện nước ta có thêm nhiều thách thức để thu hút dòng vốn FDI chất lượng. Cụ thể, Việt Nam đã giảm nhiều chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh tại bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố. Thị trường bán lẻ và thị trường tài chính của nước ta đã giảm sức hấp dẫn. Đồng thời, kinh tế vĩ mô chưa ổn định; cơ sở hạ tầng và nguồn lao động có kỹ năng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, việc trước tiên là phải tìm ra mẫu số chung giữa mong muốn của chúng ta và nhà đầu tư nước ngoài để tăng tính khả thi cho mỗi khuyến nghị được đưa ra tại Đề án này.
Một điểm quan trọng khác là cùng với việc ưu tiên thu hút FDI có chất lượng, thì Việt Nam sẽ phải chấp nhận sự đánh đổi. Đó là trong một thời gian ngắn thì vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta sẽ giảm. Sẽ có một số nhà đầu tư nước ngoài ở những ngành sử dụng công nghệ thấp, thâm dụng lao động, đòi hỏi cơ sở hạ tầng lớn, tiêu tốn nhiều năng lượng chuyển dịch đầu tư sang các quốc gia khác. Điều này sẽ làm giảm giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, cũng như giảm cơ hội việc làm cho người lao động. Vấn đề là, chúng ta có chấp nhận đánh đổi, nhận thức rõ vấn đề này để có biện pháp xử lý hữu hiệu, giúp đạt được mục tiêu tổng thể, lớn hơn trong dài hạn hay không?