"Cởi trói" quy định, khơi thông nguồn lực phát triển nhà ở xã hội
Thảo luận tại Hội trường về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, sáng 24/5, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) nhấn mạnh, vấn đề cần nhất hiện nay là cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho cả doanh nghiệp đầu tư lẫn người mua nhà ở xã hội. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai để hoàn thành Đề án “1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030”.
"Mở khóa" cho nhà ở công nhân khu công nghiệp và ngành đặc thù
Đánh giá cao những tiếp thu, giải trình trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên, xuất phát từ chính thực tế địa phương, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà trăn trở, đó là những vướng mắc về đối tượng áp dụng và quy định pháp lý chưa theo kịp nhu cầu.

Tại Điều 2 của dự thảo, đại biểu đề nghị, bổ sung đối tượng áp dụng, cụ thể là các "Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước". Lý giải cho đề xuất này, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, nhu cầu nhà ở của cán bộ, công nhân viên ngành than; đặc biệt là tại Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) là vô cùng lớn. Tuy nhiên, các quy định về nhà ở, việc quản lý, vận hành, quy chuẩn tiêu chuẩn áp dụng đối với mô hình này chưa có nội dung cụ thể. "Tỉnh Quảng Ninh hiện phải "vận dụng" triển khai đầu tư xây dựng mô hình nhà tập thể (hoặc nhà nghỉ ca) của ngành than”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu thực tế, Luật Nhà ở năm 2023 (hiệu lực từ ngày 1/8/2024) dù đã bổ sung 1 chương về Nhà lưu trú công nhân (đầu tư xây dựng trong khu công nghiệp) song, loại hình nhà tập thể của ngành than lại không áp dụng được do việc đầu tư xây dựng để bố trí cho công nhân thuê, xây dựng trên đất thương mại dịch vụ (không phải là đất trong khu công nghiệp).
"Đề nghị xem xét bổ sung đối tượng áp dụng là Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước hoặc các doanh nghiệp có nhiều lao động... để đầu tư xây dựng nhà lưu trú (xây dựng trên đất thương mại dịch vụ) cho công nhân, người lao động thuê và được hưởng các cơ chế ưu đãi như các dự án nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp", ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị. Đồng thời, cũng đề xuất bổ sung một điều khoản quy định về việc giao chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Gỡ vướng mắc liên quan đến quy hoạch, pháp luật về đất đai
Một vấn đề khác được ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà quan tâm chính là những vướng mắc liên quan đến quy hoạch đô thị. Hiện nay, tại nhiều đô thị đã được phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, có không ít địa điểm được định hướng là đất thương mại dịch vụ, không phải đất ở. Trong khi đó, chủ sử dụng đất lại có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhưng lại không thể triển khai lập quy hoạch chi tiết (QHCT) cho dự án nhà ở xã hội vì không phù hợp với quy hoạch đô thị cấp trên.
Tình trạng này gây ra một nghịch lý, khi nguồn lực đất đai có sẵn nhưng lại không thể được sử dụng hiệu quả cho mục tiêu an sinh xã hội. Bên cạnh đó, quy định về việc dành 20% quỹ đất ở để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP cũng chưa có hướng dẫn chi tiết tại bước lập QHCT, gây lúng túng cho các chủ đầu tư, đại biểu phát biểu.

Để hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã giao; trong đó, có mục tiêu đầy thách thức cho tỉnh Quảng Ninh (17.588 căn hộ giai đoạn 2025 - 2030), ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cần có chính sách cho phép các chủ sử dụng đất có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được phép làm chủ đầu tư và lập QHCT dự án nhà ở xã hội không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lớp trên. Đại biểu cũng lưu ý, trong trường hợp này, chủ đầu tư sẽ không được hưởng việc dành quỹ đất 20% để kinh doanh thương mại theo các quy định hiện hành.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đặt câu hỏi về việc các địa phương có bắt buộc phải xác định quỹ đất ở 20% để phát triển nhà ở xã hội khi lập, phê duyệt QHCT các dự án nhà ở thương mại hay không? Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể về việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân ngành than.
Về những vướng mắc liên quan đến pháp luật đất đai, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà chỉ ra rằng, theo các quy định hiện hành, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dành 20% quỹ đất để kinh doanh thương mại. Nếu chủ đầu tư quyết định sử dụng quỹ đất này để xây dựng nhà ở thương mại, họ sẽ phải nộp tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, dự án nhà ở xã hội lại được miễn tiền sử dụng đất. Điều này dẫn đến việc khi triển khai xây dựng nhà ở thương mại trên quỹ đất 20%, chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục như một dự án nhà ở thương mại thông thường, gây kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu kiến nghị, Bộ Xây dựng xem xét, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn đơn giản hóa thủ tục xác định giá đất đối với quỹ đất ở 20% được sử dụng để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trong dự án nhà ở xã hội.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chi tiết khác tại Điều 5 của dự thảo Nghị quyết. Cụ thể, bổ sung quy định về việc giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân đã được quyết định chủ trương đầu tư trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực. Cùng với đó, là các tiêu chí ưu tiên giao chủ đầu tư trong trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký thực hiện dự án, bao gồm: kinh nghiệm, năng lực tài chính, quỹ đất phù hợp quy hoạch và các tiêu chí khác theo quy định của Chính phủ.