Sổ tay:

Coi thường pháp luật

- Thứ Tư, 01/09/2021, 16:45 - Chia sẻ
Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về hình phạt đối với những đối tượng giả mạo, làm giả, khai man giấy tờ, song những ngày qua tại các chốt kiểm dịch ở các địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình… lực lượng chức năng liên tục phát hiện các trường hợp dùng giấy đi đường, giấy xét nghiệm giả, giấy được cấp khống để "thông chốt".
Những giấy đi đường khống, không có nội dung của doanh nghiệp cấp làm "giấy thông hành" bị lực lượng chức năng Đà Nẵng phát hiện ngăn chặn. Nguồn: cand.com.vn
Những giấy đi đường khống, không có nội dung của doanh nghiệp cấp làm "giấy thông hành" bị lực lượng chức năng Đà Nẵng phát hiện ngăn chặn. Nguồn: cand.com.vn

Tại địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các trường hợp giả mạo giấy tờ để thông chốt. Cụ thể vào ngày 6.8, tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở đầu ngõ 214, Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, lực lượng chức năng quận Thanh Xuân qua kiểm tra, đã phát hiện 3 trường hợp (cùng trú tại quận Hoàng Mai) sử dụng giấy đi đường để qua chốt có biểu hiện nghi vấn. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã đưa 3 trường hợp này về trụ sở Công an phường Hạ Đình để xác minh, làm rõ. Kết quả, ba thanh niên này khai nhận đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ ở đường Láng (quận Đống Đa).

Trường hợp tương tự cũng diễn ra ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên từ đầu tháng 8 đến nay, lực lượng chức năng các tỉnh này đã phát hiện nhiều trường hợp giả mạo giấy tờ để thông chốt kiểm dịch. Đơn cử, tại Hải Phòng, ngày 13.8, các lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt số 1, khu vực ga Dụ Nghĩa - quốc lộ 5 (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) phát hiện 1 trường hợp là lái xe điều khiển xe tải mang biển kiểm soát 29H-358.82 có nhiều biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện mã QR của phương tiện xác định không có tên lái xe đăng ký trên “luồng xanh” và kết quả xét nghiệm PCR của lái xe do Bệnh viện 74 Trung ương cấp có dấu hiệu là giả. Theo lời khai ban đầu, đối tượng thừa nhận không đến bệnh viện làm xét nghiệm PCR, mà đã dùng giấy xét nghiệm giả đến giao hàng tại nhiều địa điểm ở Hải Phòng trong thời gian qua.

Theo lực lượng chức năng cho biết, quá trình điều tra các vụ việc nêu trên cho thấy đa số người dùng giấy giả mạo để thông chốt là do không có thời gian chờ lấy mẫu xét nghiệm nên đã tìm mọi cách để mua hoặc sửa lại ngày nhằm mục đích đối phó với các chốt kiểm dịch. Ở góc độ pháp lý, các cá nhân có hành vi giả mạo chữ ký lãnh đạo, đóng dấu cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19, tẩy xóa sửa ngày văn bản... tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính. Thậm chí, với trường hợp cá nhân mắc Covid-19 mà cố tình tìm cách “thông chốt” kiểm dịch dẫn đến lây lan dịch bệnh cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khi mà toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực cho công tác phòng chống dịch, phần lớn người dân có ý thức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, không ra đường khi không cần thiết, thì đâu đó trong xã hội vẫn còn đó những hành vi cố tình vi phạm, không những thế còn ngang nhiên có biểu hiện bất chấp, khiến tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Do đó, để ngăn chặn tình trạng trên, một mặt lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, thậm chí có chế tài xử phạt nặng đối với một số trường hợp cụ thể để mang tính răn đe; mặt khác cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đưa ra những cảnh báo sâu, sát hơn đối với người dân để họ không vi phạm, tránh gây hậu họa về dịch bệnh có thể lan rộng.

Hải Thanh