Cội nguồn cái ác
Dư luận bàng hoàng khi chứng kiến hình ảnh em học sinh lớp 9 Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) bị 5 bạn gái cùng lớp đánh đập, hành hạ, lột quần áo ngay trong lớp học. Đây không phải lần đầu tiên bé gái này bị bạo hành, và lý do cũng không có gì “đặc biệt”, chỉ là sự bắt nạt, ra oai với một bạn học yếu thế trong lớp!
Nhà trường có còn là chốn an toàn? Không chỉ là mấy đứa trẻ vô cảm, mất phương hướng, coi đánh đập dã man bạn cùng lớp là trò tiêu khiển mà ứng xử của những người thầy càng làm dư luận bất bình! Cô giáo chủ nhiệm bắt học trò xoá sạch mọi clip tang chứng, thầy hiệu trưởng thì khẳng định đã làm hết trách nhiệm khi đình chỉ mấy học sinh kia để kiểm điểm. Thầy cũng thong thả nhận xét rằng: em học sinh bị đánh hơi chậm chạp, nên kỹ năng ứng xử hơi yếu và lần bị đánh này không phải lần đầu!
Từ bao giờ lớp học đã có những góc tối kinh khủng như thế? Câu trả lời là: đã lâu rồi, khi có những đứa trẻ coi đánh bạn dã man là trò tiêu khiển, khi không ít các bạn khác đóng vai khán giả, vô cảm! Khi đứa trẻ không dám mách thầy cô và cũng không dám bộc lộ với gia đình! Khi thầy cô coi sự đối phó với dư luận là ưu tiên cao nhất, giữ thể diện nhà trường và “giữ ghế” cho mình bằng sự bưng bít, xí xóa! Nhìn rộng hơn, đòn thù mấy nữ sinh dành cho bạn của mình có như một sự xả stress, giải toả tinh thần, sự “vô minh” mông muội, không còn biết phân biệt đúng sai, không còn chuẩn mực nào? Bên mâm cơm gia đình, bố mẹ các em đã chuyện trò tâm sự gì với các em, đã khuyên răn gì về đạo lý làm người, về tình yêu gia đình, bè bạn? Truyền hình đã có những bộ phim câu chuyện gì lý thú về tuổi học trò, hay tràn ngập là những mưu mô, xung đột tình ái, tranh giành lợi ích, là phim ảnh Hàn Quốc sướt mướt?
Cảm ơn những người đã làm cái ác lộ sáng. Cảm ơn cả những người đã mạnh mẽ lên tiếng đòi phải xử lý thật nghiêm! Nhưng lại lo lắng vì bao nhiêu cái ác vẫn còn lẩn khuất chốn học đường! Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đến tận nơi, Chủ tịch tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu cách chức cả Ban giám hiệu nơi xảy ra sự việc. Thế nhưng, nếu giới trẻ vẫn thiếu điểm tựa tinh thần, thiếu kỹ năng và sự chia sẻ với thầy cô và gia đình; nếu không ít thầy cô vẫn coi giữ tiếng, giữ ghế như những công chức thủ thế, vì lợi ích cá nhân thì nỗ lực giải quyết một vài vụ việc nổi cộm của ngành giáo dục liệu đã là “thuốc đúng bệnh?”
Cội nguồn cái ác là những khoảng trống lạnh lùng từ xã hội đua chen lợi ích, là gia đình không còn những sẻ chia, là giáo dục đậm màu toan tính, là những đứa trẻ cô độc và bản năng hoang dã! Cội nguồn cái ác còn là sự thiếu trách nhiệm “để nhiệm kỳ sau tự giải quyết”, là kỹ năng né trách nhiệm đã thành công nghệ! Không xử lý dứt điểm những căn nguyên sâu xa ấy, mọi nỗ lực ngăn chặn cái ác sẽ là vô hiệu!