Coi người bệnh là chủ thể!
Mở thêm hàng loạt bệnh viện vệ tinh, kéo giãn các bệnh viện chuyên ngành ra ngoài thành phố lớn, sắm thêm nhiều thiết bị y tế hiện đại, chú trọng phòng bệnh, siết chặt hơn thái độ của thầy thuốc với người bệnh… Đó là những gì mà ngành y tế đang làm để hướng tới mục tiêu gắn bó hơn với người bệnh, coi người bệnh là trung tâm, là chủ thể.
Mới đây, Hà Nội vừa khánh thành một trung tâm kỹ thuật cao về tiêu hóa hiện đại chỉ sau 7 tháng triển khai. Từ trung tâm y tế kỹ thuật cao này, người Hà Nội sẽ được tầm soát ung thư đường tiêu hóa chỉ với giá hơn 63 nghìn đồng, với sự tham gia khám, chữa bệnh của các giáo sư hàng đầu thế giới! Điều đáng nói là công trình y tế này được thực hiện theo cơ chế “xã hội hóa phi lợi nhuận”. Hệ thống thiết bị hiện đại với công suất 320 test/h, mà giá chỉ bằng 1/5 ở Singapore và chỉ bằng gần 1/10 ở Mỹ!
Từ câu chuyện này, càng thấy vấn đề xã hội hóa y tế phải nhìn dài xa hơn. Khi chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân càng đặt ra những yêu cầu cao hơn.
Nếu ngành y tế chỉ trông vào ngân sách nhà nước hàng năm sẽ không thể lo xuể. Đất nước đang cấu trúc tổng thể kinh tế - xã hội, khi ngân sách quốc gia chưa dư dả, đối mặt với đủ thách thức khó khăn, thì ngân sách dành cho y tế cũng không thể nhiều hơn.
Trong khi các nước dành 15% - 18%, thậm chí tới 20% tổng thu ngân sách cho y tế, mà chúng ta chỉ ở mức 7,7 - 7,9% thì rõ ràng là quá thấp!
|
Ngành y tế muốn làm gì cũng không thể không nói đến vốn liếng ở đâu, nhìn vào đâu. Khi ngân sách còn eo hẹp thì càng phải tìm cách thoát ra.
Xã hội hóa y tế những năm qua mở ra hướng mới cho các bệnh viện, phòng khám tư nhân hoạt động, góp phần giảm tải cho các bệnh viện lớn. Phải nhìn rõ nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân hoạt động rất tốt, trở thành địa chỉ tin cậy của người bệnh. Nhưng cũng không thiếu những phòng khám mở ra chỉ nhăm nhắm đặt lợi nhuận lên trên, nên làm ăn tùy tiện thu đủ các loại phí chụp chiếu, rồi kê đơn bán thuốc với giá trên giời!
Nhìn tổng thể, xã hội hóa y tế cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa! Ngành y tế nên đi vào cổ phần hóa các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh làm ăn không hiệu quả. Không thể vì những mặt trái, những cái chưa được của xã hội hóa y tế mà chần chừ chậm bước trong việc thực thi quá trình này. Ngân sách y tế còn hạn hẹp, rất cần ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở ở các vùng sâu xa hẻo lánh. Còn ở các đô thị, các trung tâm công nghiệp lớn, không gì khác càng phải làm mạnh hơn xã hội hóa y tế, mới có thể lo được việc chăm sóc sức khỏe cho dân. Hãy nhìn số người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh hàng năm với cả tỷ USD, mới thấy người bệnh cần gì ở y tế? Người dư dả bạc tiền ra nước ngoài chữa bệnh vì thầy hay thuốc tốt ư? Nên nhớ, các thầy thuốc giỏi của chúng ta đâu có thiếu, thuốc đặc hiệu, đặc trị trên thị trường cũng đâu có khan hiếm?
Phải chăng cái sự ân cần, biết đi vào tâm lý người bệnh của các thầy thuốc ngoại quốc đã hút người Việt ta ra nước ngoài khám, chữa bệnh?
Thêm hiểu: Nụ cười người thầy thuốc, sự niềm nở của họ làm vơi đi cơn bệnh, là điều y tế chúng ta phải học. Thế giới họ làm được, sao đó đây ở ta cứ nại ra rằng khó có thể cười, vì áp lực công việc.
Có phải vì thế, mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rất quyết liệt với chuyện thầy thuốc phải mở lòng với người bệnh, nở nụ cười nhiều hơn, lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu đổi mới ngành y! Tư duy rất sáng ấy của người đứng đầu đã làm cho con mắt người dân nhìn về ngành y cũng ngày càng thân thiện hơn!
Lo chăm sóc sức khỏe cho hơn 92 triệu dân cả nước là gánh nặng trên vai ngành y tế. Cuộc sống muôn màu, như người “làm dâu trăm họ”, làm vừa lòng hết thảy đâu có dễ. Nhưng rõ ràng cái cần đổi mới của y tế, không chỉ ở xây dựng thêm nhiều bệnh viện, mua sắm thiết bị hiện đại, hay mở rộng xã hội hóa y tế, mà còn là chăm lo đạo đức thầy thuốc, là thái độ của cán bộ nhân viên y tế với người bệnh phải tốt hơn lên.
Công lao của ngành y tế, những đổi mới quyết liệt của đội ngũ cán bộ y tế là rất đáng ghi nhận. Nhưng những gì còn chưa được, người bệnh còn ta thán về thái độ phục vụ, cũng rất cần được ngành y tế chấn chỉnh kịp thời!