Thu hồi giấy phép lái xe trong trường hợp bị trừ điểm

Có thực sự phù hợp?

- Thứ Ba, 17/11/2020, 06:31 - Chia sẻ
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là quy định về điểm của giấy phép lái xe; trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe tại Điều 47. Thảo luận về nội dung này trong phiên họp toàn thể chiều qua, 16.11, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, tính chất trường hợp thu hồi do bị trừ hết điểm và trường hợp có hành vi gian dối trong quá trình đổi, cấp lại, cấp mới và sử dụng giấy phép lái xe, giấy phép lái xe không do cơ quan thẩm quyền cấp là không tương đồng. Với tính chất khác nhau nhưng cùng chung một hệ quả pháp lý là thu hồi giấy phép lái xe thì có thực sự phù hợp?

Chưa đầy đủ và chặt chẽ

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra dự án Luật về nội dung quy định tại Điều 47, một số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cho rằng, việc quy định điểm của giấy phép lái xe trong dự thảo Luật này là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu cách trừ điểm cho phù hợp với đối tượng, hành vi và bảo đảm tính khả thi. Cũng có ý kiến không tán thành với việc bổ sung quy định này, vì cho rằng sẽ phát sinh thủ tục hành chính, thêm hình thức xử lý vi phạm, gây phiền hà và áp lực cho người được cấp giấy phép lái xe.

Theo ĐBQH Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng), quy định như dự thảo Luật về điểm của giấy phép lái xe, trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe và việc giao Chính phủ quy định về thẩm quyền căn cứ, trình tự, thủ tục, trừ phục hồi điểm của giấy phép lái xe là chưa đầy đủ và chặt chẽ. Đại biểu cho rằng, quy định tại Điều 47 chưa thể hiện được mục tiêu của việc tính điểm, trừ điểm để làm gì. Bởi lẽ, dự thảo Luật quy định số điểm trong 12 tháng và việc trừ điểm của giấy phép lái xe nhưng không quy định trường hợp bị trừ hết số điểm trong 1 năm thì hậu quả pháp lý sẽ như thế nào? Dự thảo Luật cũng không giao Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề này.

Mặt khác, dự thảo Luật quy định trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý hành chính nhà nước không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhưng lại không quy định rõ nguyên tắc áp dụng biện pháp trừ điểm. Trong khi đó, theo quy định, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, trong đó có cả việc xử phạt vi phạm hành chính. Vậy những hành vi vi phạm nào không bị xử phạt hành chính mà áp dụng biện pháp trừ điểm? Trong trường hợp hành vi vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính có trừ điểm đối với hành vi đó hay không? Tất cả những vấn đề này, dự thảo Luật chưa có quy định rõ ràng, đầy đủ. Từ những nhận định, phân tích trên đây, ĐB Võ Thị Như Hoa đề nghị, phải rà soát và quy định cụ thể vấn đề này. 

Dễ nảy sinh tiêu cực

Nhìn từ khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chỉ rõ, hậu quả pháp lý của việc trừ điểm này được quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 46 sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe là bất hợp lý. Bởi, thu hồi giấy phép lái xe cũng giống như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe là một hình thức xử lý vi phạm hành chính được quy định trong luật. Bên cạnh đó, khi áp dụng biện pháp này, mục tiêu chính sách không rõ ràng, tính khả thi không cao, việc quản lý, giám sát sự tuân thủ của các chủ thể có khó khăn và dễ nảy sinh tiêu cực.

Việc thu hồi giấy phép lái xe bị trừ hết điểm là 1 trong 4 trường hợp thu hồi giấy phép lái xe theo quy định tại Khoản 4, Điều 46 dự thảo Luật (các trường hợp bị thu hồi giấy phép lái xe). Theo ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn), về tính chất trường hợp thu hồi do bị trừ hết điểm và trường hợp có hành vi gian dối trong quá trình đổi, cấp lại, cấp mới và sử dụng giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không do cơ quan thẩm quyền cấp là không tương đồng.

Cụ thể, việc trừ điểm bắt nguồn từ hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý của người được cấp giấy phép lái xe thì bảo đảm theo quy định. Còn đối với 2 trường hợp: Do có gian dối trong quá trình đổi, cấp lại, cấp mới và sử dụng giấy phép lái xe hoặc giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp, tức là ngay từ đầu đã không đủ điều kiện. Với tính chất khác nhau nhưng cùng chung một hệ quả pháp lý là thu hồi giấy phép lái xe thì có thực sự phù hợp?

ĐB Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, quy định về nội dung này cần hoàn thiện không chỉ bao gồm việc quyết định căn cứ, thẩm quyền, trình tự thủ tục mà phải giải quyết triệt để những vấn đề liên quan. Có như vậy, khi đưa vào thực hiện mới bảo đảm tính đồng bộ.

Trung Thành