Xây dựng Nghị định về hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam”

Có thực sự cần thiết?

- Chủ Nhật, 18/10/2020, 09:34 - Chia sẻ
Theo Bộ Công thương, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định các tiêu chí và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp xác định và thể hiện trên hàng hóa, bao bì rằng đây là sản phẩm của Việt Nam. Vì vậy, Bộ đã đề xuất với Chính phủ xây dựng Nghị định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Tuy đây chỉ mới là đề xuất nhưng đã nhận được nhiều ý kiến bàn luận của các chuyên gia.

Bảo vệ hàng Việt

Thời gian qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Có nhiều trường hợp hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng. Hành vi nhập nhèm xuất xứ hàng hóa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn gây hiểu nhầm, làm xấu thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp trong nước. Về lâu dài, hành vi này ảnh hưởng chung đến các sản phẩm gắn mác “Made in Vietnam”, “Sản xuất tại Việt Nam”...

Rà soát của Bộ Công thương cho thấy, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc một sản phẩm như thế nào thì được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu. Đối với hàng hóa sản xuất, trong đó có cả hàng sản xuất từ đầu vào nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, vẫn chưa có quy định xác định thế nào là “Made in Vietnam” hay “Sản xuất tại Việt Nam”. Việc này khiến doanh nghiệp lúng túng khi ghi nhãn, trong khi nhu cầu thể hiện xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa theo thông lệ quốc tế ngày một cấp thiết.  

Xuất phát từ thực tế nêu trên, vừa qua Bộ Công thương đã đề xuất với Chính phủ xây dựng Nghị định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Văn bản này là sự tiếp nối dự thảo Thông tư Made in Vietnam công bố tháng 7.2019.

Bộ Công thương dự kiến quy định các trường hợp được phép thể hiện là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và cách thể hiện như sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy Việt Nam; hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam; hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa. Đối với các hàng hóa có công đoạn gia công, chế biến đơn giản thì được coi là không có nguồn gốc Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ Công thương cũng kiến nghị, xóa bỏ cụm từ “Made in Vietnam” trên các sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa. Thay vào đó, sẽ tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm sau: Sản xuất tại Việt Nam; Chế tạo tại Việt Nam; Nước sản xuất: Việt Nam; Xuất xứ: Việt Nam; Sản xuất bởi: Việt Nam.

Bộ Công thương vừa đề xuất xây dựng Nghị định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam  

Nguồn: ITN 

Người nói cần, người bảo không

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là cần thiết vì sẽ giải quyết tình trạng bất cập hiện tại về tiêu chí xác định một loại hàng hóa là “Sản phẩm của Việt Nam” hoặc “Sản xuất tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật BASICO cho rằng không nhất thiết phải có Nghị định riêng về xuất xứ. “Những đề xuất trong dự thảo Nghị định này chủ yếu bổ sung cho những quy định có từ trước đó. Do vậy, Chính phủ không nhất thiết phải ban hành một Nghị định riêng mà có thể sửa đổi hoặc ban hành Nghị định mới về nhãn hàng hóa, trong đó có một chương về xuất xứ hàng hóa".

Bên cạnh đó, theo ông Đức, việc sửa đổi, bổ sung quy định cho hợp lý, thống nhất là nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng Nghị định, doanh nghiệp sẽ được quyền nêu quan điểm và đề xuất để góp phần hoàn thiện dự thảo, bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, khi có quy định mới, doanh nghiệp phải bỏ thời gian, công sức, kinh phí để nghiên cứu và tổ chức thực hiện. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cũng cần đặt ra lộ trình 3 - 5 năm mới bắt buộc phải thực hiện để tránh tốn kém cho doanh nghiệp.

Việc xây dựng Nghị định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cũng không cần thiết. "Chỉ cần quy định thật rõ thế nào là hàng “Made in Vietnam” và thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam bởi mọi người vẫn mơ hồ về khái niệm này". Cụ thể, hàng hóa “Made in Vietnam”  là hàng do người Việt sáng tạo, làm ra và là chủ sở hữu trí tuệ. Hàng sản xuất lắp ráp, gia công tại Việt Nam như điện thoại Samsung của Hàn Quốc, xe Honda của Nhật được lắp tại nhà máy ở Việt Nam... nếu không đáp ứng hàm lượng giá trị hàng hóa Việt Nam thì cũng không thể ghi “Made in Vietnam” mà chỉ ghi là sản xuất tại Việt Nam. Ông Phú cho biết, hiện nay, đa số các nhãn hàng quốc tế lắp ráp tại Việt Nam đều ghi "Made in Vietnam" chứ hiếm khi ghi sản xuất tại Việt Nam. 

Hạnh Nhung